Thứ bảy Ngày 27 Tháng 04 Năm 2024, 05:05:47

Khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp giảm thiểu đột tử và tử vong nhanh

Ngày đăng: 18/12/2023

QK2 – Những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe cán bộ sĩ quan, QNCN, CN,VCQP trong LLVT Quân khu đã được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu và cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị (CQ,ĐV) thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Tuy nhiên, thời gian gần đây số quân nhân bị mắc bệnh hiểm nghèo, đột tử, tử vong nhanh có chiều hướng gia tăng. Ngày 07/11/2023 Thường vụ Đảng ủy Quân khu đã ban hành Chỉ thị số 11 về việc nâng cao, chất lượng quản lý chăm sóc sức  khỏe đối với quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng trong LLVT Quân khu. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Phóng viên (PV) Báo Quân khu 2 đã trò chuyện với đồng chí Đại tá, BSCK2 Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Quân y 109.

Bác sĩ Bệnh viện Quân y 109 siêu âm, chẩn đoán bệnh cho đối tượng chính sách trên địa bàn Tp.Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc).

PV: Đồng chí cho biết thế nào là đột tử, tử vong nhanh?

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng: Đột tử nghĩa là chết đột ngột, bất thình lình, là hiện tượng một người đang sống bình thường tự nhiên tử vong ngay mà không thể cứu chữa. Tử vong nhanh là tình trạng xuất hiện bệnh lý nào đó và diễn biến rất nhanh dẫn đến tử vong trước 24 giờ. Tại sao đang sống bình thường lại bị đột tử? Thực tế rất nhiều người đột tử không tìm được nguyên nhân vì không có một dấu hiệu bệnh lý nào báo trước, không có hồ sơ sức khỏe cá nhân ghi chép tình trạng bệnh tật trước khi bị đột tử. Đột tử tìm được nguyên nhân chỉ khi gia đình nhất trí cho khám nghiệm tử thi hoặc có bằng chứng về tiền sử bệnh tật dễ gây đột tử. Người bị đột tử có thể trong những tình huống sau:

Trường hợp thứ nhất: Người bình thường không được cơ sở y tế xác nhận có bệnh lý gì, do chưa đi khám bệnh và chưa đi khám sức khỏe định kỳ. Họ cho rằng mình khỏe mạnh mà không biết mình mắc các bệnh: Tăng huyết áp (THA), đái tháo đường (ĐTĐ), rối loạn chuyển hóa mỡ máu (RLCHMM), phình mạch não…

Trường hợp thứ hai: Người đã được cơ sở y tế xác nhận là mắc một trong các các bệnh lý như trên hoặc mắc bệnh tim (như bệnh cơ tim phì đại, rung nhĩ, hẹp động mạch vành, bệnh tim bẩm sinh, viêm cơ tim). Người mắc một trong các bệnh này (còn gọi là bệnh lý nền) do không điều trị hoặc điều trị không đúng. Trước khi bị đột tử, họ vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường; nhưng khi gặp phải hay có các yếu tố nguy cơ tác động thì sẽ dẫn đến đột tử.

PV: Vậy tại sao khi người mắc các bệnh lý nền trên, kể cả chưa được phát hiện hay đã được phát hiện mà lại bị đột tử? Tại sao lại chết nhanh và bất ngờ như vậy?

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng: Do THA: Người bị THA lâu ngày, không được điều trị hoặc điều trị không đúng, khi có nhiều yếu tố nguy cơ tác động như nhiễm lạnh đột ngột, stress sẽ làm THA đột ngột, gây vỡ mạch máu não thì sẽ rất dễ bị đột tử. Những người bị THA mà có RLCHMM hoặc ĐTĐ kèm theo thì nguy cơ đột tử còn cao hơn. Cụ thể như, THA sẽ gây biến chứng tai biến mạch máu não (TBMMN), có hai dạng TBMMN là tắc mạch não (nhồi máu não) và xuất huyết não (vỡ mạch máu não) dễ dẫn đến đột quỵ và tử vong. Do ĐTĐ: Người bị ĐTĐ lâu ngày, không được điều trị hoặc điều trị không đúng, bị tăng hoặc hạ đường huyết đột ngột hoặc có kèm theo THA, RLCHMM thì có thể sẽ bị nhồi máu cơ tim hoặc vỡ mạch máu não thì sẽ dễ bị đột tử. Do RLCHMM, nhất là tăng chỉ số tryglycerit (nếu chỉ số tryglycerit tăng quá cao thì khi lấy máu xét nghiệm, để lắng tự nhiên thì phần huyết thanh ở trên sẽ đục như sữa); tăng chỉ số mỡ xấu (LDL), giảm chỉ số mỡ tốt (HDL) thì sẽ bị tổn thương lớp áo trong của thành động mạch. Do vỡ động mạch chủ: Động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể, bao gồm một đoạn chạy trong ngực và một đoạn chạy trong bụng, có nhiệm vụ như dòng kênh lớn nhất giúp lưu chuyển máu đi khắp cơ thể. Do THA hoặc RLCHMM làm thành mạch bị tổn thương, mỡ máu lách vào trong thành động mạch, làm động mạch chủ yếu đi, dần phình to ra, danh từ y khoa gọi là “Phình lóc tách động mạch chủ” sẽ gây nên bệnh cảnh vỡ động mạch chủ, bệnh nhân mất máu rất nhanh và ồ ạt, 90% tử vong trong tích tắc. Do mắc các bệnh tim, như cơ tim phì đại, rung nhĩ, hẹp động mạch vành, bệnh tim bẩm sinh, viêm cơ tim đều có thể bị dẫn ngừng tim đột ngột gây đột tử hoặc gây loạn nhịp tim. Khi bị loạn nhịp tim lại tạo cục máu đông, cục máu đông di chuyển đến não, phổi, động mạch vành đều có thể gây đột tử.

PV: Bác sĩ cho biết cách phòng chống với cá nhân và một số giải pháp đối với cấp ủy, chỉ huy các CQ,ĐV trong việc quản lý sức khỏe?

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng: Phải thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ (làm các xét nghiệm máu) để phát hiện sớm những người mắc các bệnh THA, ĐTĐ, RLCHMM, bệnh tim để đưa vào quản lý điều trị và phòng bệnh. Mỗi quân nhân, nhất là các quân nhân ở tuổi trung niên cần dành ra ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể dục, không thức quá khuya, hạn chế làm việc quá căng thẳng. Ngủ đủ giấc (ít nhất 6 giờ/ngày), thực hiện ăn uống theo tư vấn của bác sĩ giảm mỡ, tăng rau, ít muối. Các đơn vị, địa phương khám tuyển nghĩa vụ quân sự cần làm tốt các khâu, các bước theo đúng thông tư, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế. Đối với cán bộ các cấp phải tuân thủ khám sức khỏe định kỳ. Khi bổ nhiệm, đề bạt, phong quân hàm cần phải khám sức khỏe toàn diện để đảm bảo cán bộ đủ sức khỏe trên cương vị mới.

PV: Cảm ơn Bác sĩ!

NGUYÊN MINH PHÚ (thực hiện)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.