Thứ bảy Ngày 27 Tháng 04 Năm 2024, 08:10:55

Chủ động phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ

Ngày đăng: 17/10/2023

QK2 – Theo thông tin từ Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần), dịch đau mắt đỏ đang bùng phát tại một số tỉnh, thành trên cả nước. Trên địa bàn Quân khu đã xuất hiện rải rác một số ca bệnh tại các trường học và khu dân cư đông đúc. Trước tình hình dịch đau mắt đỏ lan rộng, Ngành Quân y Quân khu đã kịp thời hướng dẫn các cơ quan, đơn vị các biện pháp phòng chống dịch đau mắt đỏ.

Đại tá Hoàng Mạnh Khang, Chủ nhiệm Quân y Quân khu cho biết về bệnh đau mắt đỏ: Viêm kết mạc cấp tính (đau mắt đỏ) là tình trạng viêm cấp tính của kết mạc, thường do nhiễm trùng hoặc dị ứng. Viêm kết mạc cấp có nhiều hình thái: Viêm cấp tiết tố mủ do vi khuẩn: Là hình thái viêm kết mạc dạng nhú tối cấp;  Viêm kết mạc cấp tiết tố màng do vi khuẩn: Là loại viêm kết mạc cấp tiết tố có màng phủ trên diện kết mạc, có màu trắng xám hoặc trắng ngà; Viêm kết mạc do vi rút: Là viêm kết mạc có kèm nhú, nhiều tiết tố và hoặc có giả mạc. Bệnh thường kèm sốt nhẹ và các biểu hiện cảm cúm; có thể có hạch trước tai và thường phát triển thành dịch. Khi phát hiện có trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo về Cục Hậu cần (qua Phòng Quân y) và Đội Y học dự phòng Quân khu để có biện pháp xử lý.

Cán bộ, nhân viên Đội Y học dự phòng Quân khu trao đổi các biện pháp phòng, chống dịch đau mắt đỏ.

Tìm hiểu về công tác phòng ngừa đau mắt đỏ ở Sư đoàn 316 chúng tôi thấy, ngay sau khi nhận được hướng dẫn của Phòng Quân y, Sư đoàn đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa từ xa. Sư đoàn đã chỉ đạo cơ quan quân y thường xuyên kiểm tra chặt chẽ sức khỏe bộ đội, phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ, cách ly, điều trị kịp thời; phối hợp chặt chẽ với địa phương nắm chắc tình hình dịch bệnh khu vực đóng quân, chủ động tham mưu, thực hiện các biện pháp phòng chống; hạn chế thấp nhất không để bệnh lây lan trong đơn vị.

Thượng tá Mai Xuân Hiệp, Chủ nhiệm Quân y Sư đoàn 316 cho biết: Quân y Sư đoàn đã tham mưu giúp chỉ huy làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho bộ đội các thông tin cơ bản về bệnh đau mắt đỏ, các biện pháp phòng, chống dịch đặc hiệu như: Luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch. Không dùng tay dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân: Lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang… Vệ sinh mắt mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Cụ thể, tại doanh trại 100% đội ngũ cán bộ, chiến sĩ đã được kiểm tra đồ dùng như khăn mặt, cấp phát nước muối nhỏ mắt 0,9%. Các trường hợp đi công tác, tranh thủ về gia đình, khi có mặt tại doanh trại, quân y đơn vị kiểm tra chặt chẽ. Nếu phát hiện đau mắt đỏ đưa về phòng riêng để cách ly. Tuyệt đối không để đau mắt đỏ lan rộng toàn đơn vị.

Trường Quân sự Quân khu hiện có nhiều đối tượng đang đào tạo tại nhà trường. Địa bàn nhà trường đóng quan khá gần Thủ đô Hà Nội, nơi dễ lây dịch đau mắt đỏ. Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Quân y Nhà trường cho biết: Để ngăn chặn dịch đau mắt đỏ kịp thời, hiệu quả, Nhà trường đã hướng dẫn tới các tiểu đoàn học viên, yêu cầu học viên phải thông tin tới người thân, gia đình tạm thời chưa đến Nhà trường thăm học viên là người thân trong thời gian có dịch đau mắt đỏ. Đối với cán bộ khi về gia đình nếu bị đau mắt đỏ thì tự cách ly ở nhà điều trị, hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây làn.

Đại tá, Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Quyền Giám đốc Bệnh viện Quân y 109 đề nghị: Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, các cơ quan, đơn vị tổ chức cho bộ đội thực hiện tốt các giải pháp:

1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch

2. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng. 

3. Không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

4. Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

5. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

6. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

7. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác.

8. Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Đặc biệt, những trường hợp đau mắt đỏ phải được theo dõi, thực hiện đúng phác đồ điều trị, không tự ý dùng các biện pháp điều trị dân gian, truyền miệng. Ngoài ra khi chưa có chỉ định của bác sĩ thì không nên tự mua thuốc điều trị.

Bài, ảnh: NGỌC CƯỜNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.