Thứ bảy Ngày 27 Tháng 04 Năm 2024, 03:10:33

Người cha đáng kính

Ngày đăng: 12/12/2019

QK2 – Một lần, Bảo tàng Quân khu đón đoàn khách của Văn phòng Trung ương Đảng đến tham quan. Trong đoàn hôm ấy có người đàn ông trung niên, dáng người vạm vỡ với gương mặt phúc hậu. Sau khi tham quan những hình ảnh, hiện vật qua các thời kỳ của LLVT Quân khu, anh đứng tần ngần khá lâu trước bản sao tập hồi ký “Đường tôi đi” của Anh hùng liệt sĩ Lê Văn Dỵ. Anh run run xúc động lần giở từng trang tập hồi ký viết tay. Mắt nhòe ướt…

Trong tập hồi ký viết bằng tay ấy có bức Quyết tâm thư bằng máu của Anh hùng liệt sỹ Lê Văn Dỵ viết ngày 22 tháng 3 năm 1966. Người chiến sĩ ưu tú ấy từng là người chỉ huy đại đội dạn dày, quyết đoán trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông cũng từng là chỉ huy tiểu đoàn thuộc đội hình chiến đấu của Trung đoàn 174 tham gia kháng chiến chống Mỹ. Lê Văn Dỵ ngã xuống ngày 13 tháng 3 năm 1970 trên chiến trường ở nước Bạn Lào.

của Người cha – Anh hùng liệt sỹ Lê Văn Dỵ tại Bảo tàng Quân khu.

Ngày 8 tháng 7 năm 2008, Liệt sỹ Lê Văn Dỵ được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, trở thành người anh hùng thứ 12 của Trung đoàn 174 lừng danh với các tên tuổi đã đi vào lịch sử: Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng; Dũng sĩ đâm lê Hoàng Văn Nô; Anh hùng La Văn Cầu tự chặt đứt cánh tay bị thương để tiếp tục chiến đấu… Những tấm gương ấy trở thành những biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, niềm tự hào của các thế hệ cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 174 Anh hùng…

Người đàn ông trung niên đứng tần ngần cùng bản sao tập hồi ký “Đường tôi đi” hôm ấy là anh Lê Văn Hòa, cán bộ Văn phòng Trung ương Đảng, con trai cả của Anh hùng liệt sĩ Lê Văn Dỵ, tác giả tập hồi ký. Bản gốc của hồi ký đang lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam. Trong tập hồi ký ấy, phần cuối là tập hợp một số lá thư mà Lê Văn Dỵ viết cho vợ, con từ các chiến trường. Đọc lại những lá thư của người cha thân yêu dặn dò mấy chục năm trước, anh Hòa thêm một lần nữa xúc động và cảm nhận tình yêu thương chan chứa của người cha mẫu mực. Có những lá thư viết về từ cánh rừng Lào, dặn dò các con, lớn phải làm gì, làm thế nào để đỡ đần mẹ và các em. “…Nhớ cha, con chớ quên cha/ Việc nhà, việc nước trở lên thành người/ Bố ghét những đứa con lười/ Bố yêu những đứa là người nghe cha…”. “… Khi về giúp mẹ, đồng thời tăng gia thêm rau bí, chăn nuôi thêm gà lợn đủ để mẹ con ăn không phải mua ngoài, số tiền hằng tháng, mẹ sẽ dành ra để may mặc, đóng góp cho các con đầy đủ. Từ nay trở đi, bố cũng có kế hoạch tiết kiệm để mua xe và đài cho các con. Cho nên vắng bố cũng phải cố gắng như bố ở nhà con nhé…”.

Lá thư nào, người cha Lê Văn Dỵ cũng khuyên các con học hành để sau này trở thành có ích, với một niềm tin mãnh liệt vào tương lai cách mạng. Ông từng viết: “Hòa cố gắng học đi, đến nữa con sẽ lái máy bay hoặc con tàu vũ trụ của Việt Nam để bảo vệ bầu trời của Tổ quốc ta và lên các vì sao để chinh phục vũ trụ. Hiền cố gắng học giỏi để sau này là chiến sĩ Hải quân để vượt đại dương với con tàu rẽ sóng ra khơi… Các con phải dạy bảo em Lan cố học để sau này là một nhạc sỹ để ca hát các bài ca chiến thắng của Tổ quốc ta vang khắp thế giới này…”.

Anh Lê Văn Hòa bồi hồi xúc động nhớ về cha với những hình ảnh đáng kính. Những lần về phép ít ỏi, cha thường lôi anh em Hòa đi câu cá, vừa để kiếm thêm thức ăn cải thiện, vừa có thời gian cha con gần gũi, giảng giải đạo đức, lẽ sống cho các con. Anh Hòa lớn nhất hay được cha kể chuyện chiến đấu. Cha là người yêu văn nghệ, hay hát những bài hát “Hành quân xa”, “Hò kéo pháo”, “Chiến thắng Điện Biên”. Ông thích kéo nhị, kéo ác-coc-đê-ông, kèn ác-mo-ni-ca. Thừa hưởng gien của cha, anh Hòa cũng có thể thổi kèn ác-mo-ni-ca giỏi; biết giúp mẹ lo toan cho các em. Khi anh 14 tuổi, cha hy sinh, anh trở thành trụ cột gia đình. Chiếc xe đạp và đài bán dẫn cha hứa mua cho các con vẫn chưa có dịp thực hiện. Anh Hòa được biết, không phải cha anh chưa đủ tiền mua, mà mỗi lần thông báo có xe đạp, đài bán dẫn bán phân phối theo chế độ ưu tiên, cha anh đều nhường lại tiêu chuẩn ấy cho đồng đội mà ông ấy cho là có nhu cầu cần thiết hơn.

Liệt sĩ Lê Văn Dỵ nằm lại một cánh rừng Lào đã mấy chục năm. Ngày ấy, anh Hòa ngậm ngùi kể, gia đình đã cùng các đồng đội của cha nhiều lần cất công đi tìm nhưng chưa thấy…

Bài, ảnh: VIỆT LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.