Chủ nhật Ngày 28 Tháng 04 Năm 2024, 07:37:21

Văn hóa thư pháp trên quê hương Đất Tổ

Ngày đăng: 05/02/2024

QK2 – Thư pháp chữ Việt là môn nghệ thuật công phu, đòi hỏi người viết phải khổ công luyện tập về nhiều phương diện mới có thể ít nhất viết được một chữ trọn vẹn. Ngày nay, thư pháp chữ Việt ngày càng được nhiều người biết đến và yêu thích, đặc biệt dịp tết đến, xuân về chữ thư pháp Việt lại được hòa quyện tăng thêm vẻ đẹp trong quần thể văn hóa tâm linh con người Việt Nam.

Gian trưng bày và viết thư pháp tại Hội Báo Xuân Phú Thọ năm 2023.

 

Cứ mỗi độ tết đến, xuân về, các thành viên trong Nhóm thư pháp Đất Tổ lại cùng hội tụ trao đổi về việc lan truyền, phát triển thêm các hoạt động thư pháp Việt. Anh Nguyễn Quang Chung, thành viên Nhóm thư pháp Đất Tổ, người có thâm niên vai “ông đồ” thực hành thư pháp tại các lễ hội đầu xuân ở thành phố Việt Trì và các vùng lân cận chia sẻ: Nét đẹp văn hóa cho chữ và xin chữ đầu năm vài năm trở lại đây đã trở thành một hoạt động không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Đất Tổ nói riêng và người Việt Nam nói chung. Hình ảnh những “ông đồ” phục vụ nhu cầu xin chữ của người dân tại các lễ hội, ở trường học hay trước sân chùa đã góp phần tạo điểm nhấn cho ngày xuân thêm phần thú vị. Việc cho chữ ngày xuân được xem là một trong những nét đẹp văn hóa trong phong tục ngày Tết cần gìn giữ trong đời sống người Việt.

Thư pháp Việt là môn nghệ thuật mang tính kế thừa, chịu áp lực từ nền thư pháp Trung Hoa nên cấu trúc, đường nét, bố cục sắp xếp cũng khác nhau. Chữ viết thư pháp ngày nay có phần thay đổi, lối viết chữ thư pháp sử dụng bút lông và mực xạ làm phương tiện chủ đạo đã thể hiện tạo hình chữ quốc ngữ với các mẫu tự La-tinh ra đời, đó chính là nghệ thuật thư pháp đương đại của chúng ta. Nếu dùng bút lông, mực xạ viết một cách rập khuôn theo một bộ chữ thì cũng tạm gọi là viết “thư pháp”. Nhưng khi người viết truyền được nội tâm của mình vào tác phẩm, những đường nét thể hiện sự độc đáo xuất thần không rập khuôn nữa khi đó những tác phẩm được tôn lên một giá trị cao hơn gọi là “Nghệ thuật thư pháp”.

Khi nghiên cứu, thực hành thư pháp, người viết cần sử dụng đôi mắt để quan sát và phân tích các chi tiết của cấu trúc chữ viết, phải coi đây như một loại hình nghệ thuật độc đáo, kết hợp với kiến thức của cả người viết và người đọc. Với cách làm này, tất cả những tri thức trong cuộc sống của cộng đồng người Việt Nam từ xưa đến nay đều sẽ dần được thấm sâu vào sự phát triển tiềm thức bên trong của người viết. Chị Trần Thị Cẩm Hà, thành phố Việt Trì chia sẻ: Muốn viết thư pháp, trước hết người viết phải thật sự tĩnh tâm, có lúc phải ngồi thiền định từ 15-20 phút mới bắt đầu cầm bút. Trong thư pháp, nét bút mềm mại được người viết thay đổi liên tục, tạo nên những nét dày mỏng khác nhau trong từng nét chữ. Tuy nhiên, nghệ thuật viết thư pháp còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có phụ thuộc vào chiều sâu vốn sống, văn hóa của người viết.

Dụng cụ để viết thư pháp khá đơn giản gồm bút, mực, nghiên và giấy. Trước khi viết, người viết chuẩn bị không gian yên tĩnh có chút nhạc nhẹ, ánh sáng đủ. Với bút viết nên chọn loại phù hợp với từng loại chữ đại tự, trung tự và tiểu tự. Các bút này khi viết xong người viết thực hiện việc bảo quản bảo đảm khô ráo. Điều quan trọng nhất là kỹ thuật viết chữ. Muốn có kỹ năng viết thư pháp, người viết phải được học cơ bản từ bộ nét cơ bản, khi thành thạo các nét cơ bản rồi mới đến ghép chữ theo bố cục, thực hiện luyện tập hằng ngày mới thành thục, khi thành thục mới thể hiện sự sáng tạo của mỗi người.

Ngày nay, thư pháp chữ Việt ngày càng được nhiều người biết đến và yêu thích. Anh Nguyễn Quang Chung cho biết thêm ưu điểm của thư pháp là tính quốc tế hóa, tinh thần hội nhập, mỗi người đều có thể vận dụng sáng tạo cho những ngôn ngữ khác dùng chữ La-tinh như tiếng Anh, Đức, Tây Ban Nha và chữ Hán. Điều đặc biệt nhất là thư pháp chữ Việt là môn nghệ thuật, đòi hỏi người viết phải khổ công luyện tập về nhiều phương diện mới có thể ít nhất viết được một chữ trọn vẹn.

Cái hay của thư pháp còn nằm ở chỗ, nó thấm vào trong tiềm thức của những người yêu chữ từ các vệt xước của từng đường nét, cảm giác đặt ngọn bút xuống đi từng đường thanh đậm, cong thẳng theo sự uyển chuyển của người viết. Luyện thư pháp, ngoài rèn tâm, rèn tính, giúp ta yêu hơn cái đẹp của nghệ thuật con chữ, thì nó còn cho ta học thêm những bài học về kỹ năng quan sát và tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả. Việc chắt lọc và lưu trữ thông tin về ngôn từ, câu cú nhằm đáp ứng cho việc viết chữ được sâu sắc hơn.

Giá trị sâu sắc của thư pháp là giá trị chân, thiện, mỹ và hơn hết là đánh thức tâm hồn nhiệt huyết của người trẻ để có lòng trắc ẩn hướng về yêu thương con người, đây là một trong những bản sắc văn hóa dân tộc cần thiết trong thời đại công nghệ số. Trong sáng tạo của người viết, họ sẽ nuôi dưỡng mong muốn được cống hiến cho cộng đồng những giá trị văn hóa người Việt cổ xưa thông qua cảm xúc chuyển động của sự chú tâm liên tục trên các đầu ngón tay rồi thân bút, lông bút, nét đậm nhạt của mực theo các kỹ pháp đặc thù vốn riêng của mỗi người.

Xuân đã gõ cửa từng nhà, vào thời điểm này tại khắp các lễ hội trên cả nước đã và đang diễn ra nhiều hoạt động vui chơi giải trí, các lễ hội đầu năm mới. Cùng với đó, tục cho chữ cũng đang diễn ra sôi nổi, nhiều người lại rộn ràng rủ nhau đi xin chữ cầu lộc, tài và may mắn. Bằng tình yêu, đam mê cùng thư pháp cả nước, các “ông đồ” Đất Tổ đang ngày đêm luyện tập, thực hành thư pháp với mong muốn góp phần nhỏ bé của mình để gìn giữ và lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc. Qua đó, giúp mọi người nhớ về Tết xưa để thêm trân trọng Tết nay cùng những giá trị văn hóa tinh thần mà cha ông ta để lại.

Bài, ảnh: CAO XUÂN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.