Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 09:37:49

Đóng góp to lớn của LLVT Quân khu trong Chiến dịch Biên giới

Ngày đăng: 15/07/2021

QK2 – Tháng 9 năm 1950, Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở chiến dịch biên giới. Chấp hành mệnh lệnh chiến đấu của Bộ Tư lệnh Liên khu, quân dân hai tỉnh Yên Bái, Lào Cai đã xây dựng nhiều lán trại, kho tàng dọc các đường giao thông, tập kết  nhiều bè, mảng ở các bến bãi… Trên hướng Tây Bắc của chiến dịch Biên giới, lực lượng tham gia lúc đầu có hai tiểu đoàn của Trung đoàn 165, 2 đại đội của Lào Cai, 1 đại đội của Yên Bái. Gần cuối chiến dịch có thêm một tiểu đoàn nữa của Trung đoàn 165, 2 tiểu đoàn của Trung đoàn 148, 2 đại đội của Lào Cai, 1 đại đội của Yên Bái, một bộ phận của lực lượng vũ trang địa phương Tuyên Quang và Hà Giang. Tổng binh lực của ta gồm 24 đại đội.

Ngày 19 tháng 6 năm 1950, Chiến dịch Biên giới bắt đầu. Tại mặt trận Lào Cai, ta tập trung binh lực đánh Bắc Hà. Địch tìm đường giải nguy, điều 1 đại đội tiếp viện và 4 máy bay tăng cường bắn phá trợ chiến. Sau khi được bổ sung lực lượng và vũ khí. Trung đoàn 165 tổ chức phản công San Sả Hồ. Ngày 17 tháng 9 năm 1950, ta chiếm được gò cao sân bay và một số điểm xung quanh huyện lỵ. Đến đây quân địch ở Bắc Hà bị bao vây và uy hiếp mạnh, vô cùng hoang mang, hoảng hốt đốt đồn và tháo chạy, bỏ lại nhiều quân trang, quân dụng. Chớp thời cơ ta tổ chức truy kích diệt 60 tên, bắt hàng 10 tên khác. Ngày 29 tháng 4 năm 1950, địch cho một tiểu đoàn lê dương gồm 400 tên nhảy dù xuống Si Ma Cai. Ngày 26 tháng 9 ta nổ súng tiến công Si Ma Cai, diệt 100 tên, gọi hàng 106 tên. Tới đây, toàn bộ huyện Bắc Hà được giải phóng. Phát huy thế và lực đang có, Ban chỉ huy mặt trận quyết định đánh Bản Phiệt để gây hoang mang trong hàng ngũ quân địch  ở Lào Cai. Thực hiện kế hoạch trên, ngày 25 tháng 10 năm 1950, Trung đoàn 165 nổ súng tiến công địch ở Bản Phiệt. Lúc này, tại thị xã Lào Cai địch đã rút một số quân bằng máy bay. Ban chỉ huy mặt trận lệnh cho Trung đoàn 148 đánh thẳng lên Cam Đường; đồng thời đại bộ phận của Trung đoàn 165 tiến ra Phố Mới uy hiếp sân bay và pháo đài thị xã.

Ngày 28 tháng 10, khi Trung đoàn 148 còn chưa tới Cam Đường, thì Trung đoàn 165 đã đánh chiếm được Phố Mới, diệt 60 tên địch, phá hỏng 20 máy bay. Từ ngày 29 đến ngày 31 tháng 10 năm 1950, địch rút dần từng bộ phận khỏi thị xã Lào Cai. Đêm ngày 1 tháng 11 năm 1950, các lực lượng của ta tiến vào thị xã. 20 giờ  ngày 1 tháng 11 năm 1950, thị xã Lào Cai hoàn toàn giải phóng. Tiếp đó, ngày 3 tháng 11 năm 1950, ta tiến lên giải phóng Sa Pa. Sợ bị ta tiến công địch đã chạy khỏi Bát Xát, Phong Thổ. Đến đây, trừ khu vực Mường Khương, Pha Long còn nằm trong sự kiểm soát của ngụy quân, ngụy quyền, còn các địa phương khác của tỉnh Lào Cai và huyện Hoàng Su Phì của Hà Giang đã hoàn toàn được giải phóng. Chiến thắng liên tiếp của ta trên mặt trận Cao- Bắc- Lạng và Lào Cai đã tác động rất mạnh tới tinh thần binh lính địch ở phân khu Nghĩa Lộ.

Trong chiến dịch này, quân và dân Tây Bắc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên hướng nghi binh của chiến dịch, diệt và làm tan rã 2 tiểu đoàn địch, tiêu diệt 244 tên, trong đó có một phần ba lính Âu – Phi, thu nhiều vũ khí, trong đó có cả pháo lớn, bức rút 63 vị trí, giải phòng một vùng đất rộng lớn gồm hầu hết các tỉnh Lào Cai, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) và một phần tỉnh Yên Bái, nối liền biên giới Tây Bắc và Đông Bắc thành một dải.

THU HUYỀN (tổng hợp)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.