Chủ nhật Ngày 05 Tháng 05 Năm 2024, 06:10:57

Công an nhân dân – Tự hào vững bước dưới cờ Đảng

Ngày đăng: 16/08/2021

QK2 – Trong những ngày sục sôi Cách mạng tháng Tám, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), ngày 19/8/1945 khi cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội, Bắc Bộ đã thành lập Sở Liêm phóng; Trung Bộ lập Sở Trinh sát; Nam Bộ lập Quốc gia tự vệ cuộc.

Công an, Quân đội phối hợp trong diễn tập KVTP tỉnh Sơn La (Năm 2018)

Nguồn gốc của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam được bắt nguồn từ các đội Tự vệ Đỏ trong cao trào cách mạng 1930 – 1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ – Tĩnh. Đến thời kỳ vận động giải phóng dân tộc 1939 – 1945, để nắm tình hình, tổ chức trừ diệt mật thám, Việt gian tay sai, bảo vệ cách mạng, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập Đội hộ lương, diệt ác, Đội trừ gian, Ban công tác đội bảo vệ An toàn khu, Đội Danh dự Việt Minh, Đội tự vệ sắt, Tự vệ Ca Đa… Đây chính là các tổ chức tiền thân của Công an nhân dân Việt Nam.

Sau Cách mạng tháng Tám, chính quyền lâm thời của Việt Minh đã có chỉ thị thành lập một lực lượng vũ trang có nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự. Tuy nhiên, lực lượng này chưa có tên gọi chung mà mang nhiều tên gọi khác nhau, như Sở Liêm phóng (ở Bắc Bộ), Sở trinh sát (ở Trung Bộ), Quốc gia tự vệ cuộc (ở Nam Bộ).

Đến ngày 21 tháng 2 năm 1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 23/SL hợp nhất các lực lượng này thành một lực lượng công an nhân dân ở cả ba miền được thống nhất một tên gọi thống nhất là Công an, có nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội; thành lập Việt Nam Công an Vụ để quản lý lực lượng công an nhân dân do một Giám đốc đứng đầu, mà người đầu tiên là Lê Giản.

Diễn tập chống khủng bố.

Trong thời kỳ đầu, cơ quan quản lý ngành Công an là Nha Công an vụ, trực thuộc Bộ Nội vụ. Đến ngày 16 tháng 2 năm 1953, thành lập thành Thứ bộ Công an, trực thuộc Bộ Nội vụ, đứng đầu là một Thứ trưởng. Đến năm 1955, thì tách hẳn thành Bộ Công an. Năm 1959, sáp nhập các lực lượng biên phòng thành lực lượng Công an vũ trang (nay là lực lượng Biên phòng) trực thuộc quyền quản lý của Bộ Công an (về sau lại chuyển về trực thuộc Bộ Quốc phòng). Cũng từ năm này, lực lượng Công an được tổ chức vũ trang và bán vũ trang theo biên chế, có phù hiệu và cấp hàm.

Ngày 13/6/2005, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 521/QĐ-TTg, Quy định ngày 19 tháng 8 hàng năm là Ngày hội “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Ngày 12/12/2005, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Lệnh số 30/2005/L-CTN công bố Luật Công an nhân dân, trong đó quy định: “Ngày 19 tháng 8 hàng năm là Ngày truyền thống của Công an nhân dân và là ngày hội “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Trải qua 76 năm vững bước dưới cờ Đảng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân sẵn sàng chiến đấu, hy sinh lập nên nhiều chiến công hiển hách, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Bài và ảnh: ĐÀO DUY TUẤN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.