Thứ sáu Ngày 03 Tháng 05 Năm 2024, 02:52:01

Thắng lợi Chiến dịch Thượng Lào 1953: Bài học quý về công tác dân vận

Ngày đăng: 12/04/2023

QK2 – Mặc dù lịch sử đã lùi xa, nhưng Chiến dịch Thượng Lào năm 1953 vẫn còn nguyên giá trị và mãi mãi là biểu tượng của mối quan hệ đặc biệt Việt – Lào. Một trong những bài học, ý nghĩa lịch sử quan trọng mà chiến thắng của Chiến dịch Thượng Lào đã đúc kết và cần vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay là bài học về công tác dân vận.

Sau thất bại trong Thu Đông 1952, ở Tây Bắc Việt Nam, thực dân Pháp phải thu hẹp phạm vi chiếm đóng. Song, chúng luôn ý định chiếm lại các vị trí đã mất và đánh rộng ra, cố sức càn quét trung du, nơi nhiều người lắm của để bình định hậu phương, thực hiện âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, “dùng người Việt đánh người Việt” để thôn tính Tây Bắc lâu dài. Đồng thời, tìm cách nối liền Điện Biên Phủ với Thượng Lào, tăng thêm quân chiếm đóng dọc lưu vực sông Nậm Hu đến Mường Khoa, dự định mở thông đường nối với Điện Biên Phủ để củng cố hệ thống phòng thủ phía Tây.

Trước những âm mưu, thủ đoạn của địch, ngày 3-2-1953, Trung ương Đảng Việt Nam và Chính phủ kháng chiến Lào quyết định phối hợp mở Chiến dịch Thượng Lào. Chiến dịch kết thúc, Liên quân Lào – Việt đã diệt và bắt gần 2.800 tên địch, giải phóng toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và tỉnh Phông Sa Lỳ, thu 80 tấn vũ khí đạn dược, hơn 50 tấn lúa gạo, 100 tấn quân trang quân dụng, thuốc men kịp thời bổ sung cho các đơn vị chiến đấu.

Liên quân Việt-Lào tiến vào giải phóng Sầm Nưa, tỉnh Hủa Phăn, 4/1953.

Mặc dù chiến dịch diễn ra trên chiến trường Bạn, xa hậu phương, lực lượng tham gia chiến dịch lớn, thời gian chuẩn bị ngắn (3 tháng), trong khi lực lượng của Bạn còn nhiều hạn chế và kẻ thù có tiềm lực quân sự mạnh, nham hiểm thâm độc; nhưng nhờ làm tốt công tác dân vận, chúng ta đã tạo nên sự thông suốt về tư tưởng, thống nhất về hành động, nhiệt huyết về chí khí, phát huy tính tích cực, chủ động, phối hợp hiệp đồng, sự ủng hộ, tham gia kháng chiến của các tầng lớp nhân dân và giữa quân dân Việt Nam với quân dân Lào; đồng thời đã tạo được sự gắn kết mật thiết quân – dân, tiền tuyến – hậu phương, vùng giải phóng và trong lòng địch, trên đất nước Việt Nam và Lào, ta và Bạn đã làm nên chiến thắng đó.

Công ty 705 chuyển trao thóc giống tặng tỉnh U Đôm Xay. (Ảnh: NGUYỄN VĂN)

Để tiếp tục vận dụng và phát huy bài học về công tác dân vận từ chiến thắng của Chiến dịch Thượng Lào 1953 vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, cần chú trọng những vấn đề sau:

Trước hết, tiếp tục quán triệt thực hiện quan điểm chiến lược của Đảng ta, cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Với tinh thần hết lòng, hết sức vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của hai nước Việt – Lào, cán bộ các cấp đã nhiệt tình hăng hái, sáng tạo trong tiến hành công tác dân vận cho chiến dịch. Bởi vậy, mặc dù mới được giải phóng, nhưng quân và dân Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc đã tập trung huy động 34.650 dân công phục vụ từ trung tuyến đến hỏa tuyến (bằng 1.732.000 ngày công), 850 thuyền, 2.000 xe đạp, 180 con ngựa thồ làm công tác vận chuyển; đã cung cấp 4.975 tấn gạo, 52 tấn thịt lợn, 2.440 con trâu, bò, 154 tấn muối, 12 tấn đường, 110 tấn rau quả và thực phẩm khác…

Hai là, kịp thời thể chế đường lối, chủ trương của Đảng phù hợp với lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, nhất là cơ chế: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; ban hành và thực thi có hiệu quả các chủ trương, chính sách phù hợp tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa II (họp từ ngày 25 đến ngày 30-1-1953) đã xác định những công tác chính trong năm 1953 là: Một là, phát động quần chúng; Hai là, tăng cường sự chỉ đạo chiến tranh của Đảng, đẩy mạnh các công tác chỉnh quân và tác chiến để tiêu diệt nhiều sinh lực của địch; Ba là, phải chú ý cải thiện đời sống nhân dân, giảm nhẹ sự đóng góp của nhân dân, tích cực đề phòng và chống nạn đói… Nhờ có đường lối, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo huy động sức mạnh toàn dân tộc đúng đắn mà chiến dịch Thượng Lào 1953 đã lập nên kỳ tích lần đầu tiên sự phối hợp chiến đấu giữa quân đội hai nước trong một chiến dịch lớn đã giành thắng lợi vẻ vang, tạo tiền đề cho sự phối hợp chiến đấu giữa quân đội và nhân dân hai nước ngày càng chặt chẽ và giành thắng lợi to lớn hơn.

Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên gắn bó mật thiết, máu thịt với nhân dân, biết lắng nghe dân, biết dựa vào dân, tin dân, trọng dân, học dân, chăm lo cho cơ sở, phát huy sức dân để chăm lo cho dân, thực hiện tốt an sinh xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Với tinh thần hy sinh phục vụ và quyết tâm “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các Liên Khu ủy, Khu ủy và Tỉnh ủy, đặc biệt là phát huy được tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, nhân dân cả nước tích cực đẩy mạnh phong trào đấu tranh vùng sau lưng địch, huy động cao nhất lực lượng, cơ sở vật chất, lương thực phục vụ chiến dịch. Mặc dù đời sống còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng nhân dân đã nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa của chiến dịch và được tham gia góp phần giải phóng Thượng Lào là vinh dự lớn, nên đã hăng hái tự nguyện ủng hộ thóc gạo, lợn gà, trâu bò, ngựa thồ, đăng ký xung phong đi dân công và nô nức tình nguyện phục vụ chiến dịch.

Bốn là, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành công tác dân vận trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Trong Chiến dịch Thượng Lào 1953, Đảng, Chính phủ, Tổng Quân ủy; cấp ủy, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên luôn bám sát yêu cầu, nhiệm vụ của chiến dịch, diễn biến chiến đấu của bộ đội để xác định nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành công tác dân vận phù hợp và hiệu quả. Vì vậy, trong thời gian ngắn đã chuẩn bị được khối lượng lớn vật chất hậu cần, kỹ thuật; nắm chắc tình hình địch, địa hình, thời tiết; củng cố, sửa chữa được một số tuyến giao thông bảo đảm cho bộ đội hành quân, vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện thô sơ và xe cơ giới… Đó là những cơ sở, nền tảng để chiến dịch giành thắng lợi.

Bác Hồ từng dạy: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Bài học về công tác dân vận từ chiến thắng của Chiến dịch Thượng Lào 1953 là một minh chứng cho chân lý ấy, và bài học đó vẫn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Đại tá LƯU QUỐC MINH, Trưởng phòng Khoa học quân sự
 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.