Thứ sáu Ngày 03 Tháng 05 Năm 2024, 08:33:31

Quân và dân Tây Bắc với Chiến dịch Thượng Lào 1953

Ngày đăng: 12/04/2023

QK2 – Sau chiến thắng Tây Bắc 1952, ta đã nối thông vùng giải phóng Tây Bắc Việt Nam với khu căn cứ kháng chiến Thượng Lào của Bạn. Nhằm tăng cường quan hệ đoàn kết liên minh chiến đấu Việt – Lào và đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp phát triển lên bước mới, ngày 3-2-1953, Trung ương Đảng Việt Nam và Chính phủ kháng chiến Lào phối hợp mở Chiến dịch Thượng Lào nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một phần đất đai, giúp Chính phủ kháng chiến Lào xây dựng và mở rộng khu căn cứ địa của cách mạng Lào, tạo điều kiện thúc đẩy cuộc kháng chiến của nhân dân Lào; đồng thời phá thế bố trí chiến lược của địch ở miền Bắc Đông Dương, buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó, ngăn chặn âm mưu củng cố Tây Bắc và bình định đồng bằng của địch.

Tại Thượng Lào, địch xây dựng 11 cứ điểm trong thung lũng rộng 1.800m, dài khoảng 2.000m, có sân bay dã chiến và bãi nhảy dù với lực lượng hơn 2.500 tên (cả Pháp và quân ngụy Lào). Ở tỉnh Xiêng Khoảng, địch tăng thêm một tiểu đoàn ngụy Lào.

Các đơn vị tham gia chiến dịch nghiên cứu vị trí địch trên sa bàn trước khi bước vào Chiến dịch Tây Bắc. Ảnh tư liệu.

 Theo kế hoạch tác chiến, lực lượng vũ trang Tây Bắc được Bộ Chỉ huy chiến dịch giao Trung đoàn 98 (Đại đoàn 316) phối hợp cùng Đại đoàn bộ binh 308, 312 (2 trung đoàn) và Đoàn 80 quân tình nguyện Việt Nam có nhiệm vụ đánh tập đoàn cứ điểm Sầm Nưa hướng chủ yếu; lựa chọn kỹ lưỡng cán bộ, chiến sĩ bộ đội địa phương các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Phú Thọ phối hợp với Đại đoàn 304, Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) tiến công địch trên hướng thứ yếu Xiêng Khoảng; Trung đoàn 148 Tây Bắc và Đoàn 82 quân tình nguyện tiến công trên hướng vu hồi của chiến dịch. Những người con ưu tú của quân và dân Tây Bắc được trực tiếp chiến đấu trong Chiến dịch Thượng Lào đã phát huy cao độ tinh thần khắc phục khó khăn, gian khổ ác liệt, nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội và quy định chiến trường; xây dựng ý chí, quyết tâm chiến đấu, phục vụ chiến đấu chống kẻ thù chung giành thắng lợi.

Không chỉ trực tiếp chiến đấu xuất sắc trên chiến trường, quân và dân Tây Bắc còn hoàn thành tốt nhiệm vụ trực tiếp cung cấp người, vũ khí, vật chất cho chiến dịch Thượng Lào. Trước đòi hỏi chiến dịch mở rộng trên đất Bạn Lào, xa hậu phương, nhu cầu vật chất bảo đảm lớn, quãng đường vận chuyển dài, hơn 600km, phạm vi bảo đảm rộng, vận chuyển chủ yếu bằng đường bộ, phải vượt qua địa hình vùng núi, đèo dốc cao, sông ngòi nhiều và có nhiều thác ghềnh nguy hiểm; trong khi tình hình đời sống nhân dân Tây Bắc còn rất khó khăn, thiếu thốn. Liên Khu uỷ Việt Bắc, Khu uỷ Tây Bắc và các Tỉnh uỷ trên địa bàn đã xác định đây là nhiệm vụ khó khăn, vất vả nhưng vinh dự lớn lao, trách nhiệm nặng nề của quân và dân Tây Bắc, từ đó đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cơ sở tích cực làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân cung cấp người, lương thực, thực phẩm, vận chuyển vũ khí, vật chất cho chiến dịch. Trên tinh thần đoàn kết vô sản trong sáng, vì sự nghiệp của cách mạng Lào anh em, nhân dân các dân tộc Tây Bắc đã huy động được 34.650 dân công, 850 thuyền nan, 2.000 xe đạp, 180 ngựa thồ phục vụ chiến dịch; ủng hộ vật chất cho chiến dịch 4.975 tấn gạo, 154 tấn muối, 2.440 con trâu, bò, 52 tấn thịt lợn, 12 tấn đường, 110 tấn rau quả và thực phẩm khác… Đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Phú Thọ tích cực tham gia sửa đường, huy động thuyền nan chở bộ đội, dân công qua sông, cử người thăm hỏi, chăm sóc, động viên bộ đội và dân công ốm đau… đã kịp thời cổ vũ, động viên bộ đội trực tiếp chiến đấu trên chiến trường vượt qua khó khăn, gian khổ, ác liệt, hy sinh góp phần vào thắng lợi của chiến dịch.

Lễ kết nghĩa bộ đội Việt Nam và bộ đội Pa-thét Lào trong Chiến dịch Thượng Lào năm 1953. Ảnh tư liệu

Cũng trong quá trình chuẩn bị chiến dịch, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Khu uỷ và cấp uỷ, chính quyền địa phương, quân và dân Tây Bắc đã bảo vệ, giữ gìn bí mật tuyệt đối cho nhiều đoàn xe ô tô, xe pháo và các đại đoàn chủ lực của Bộ (308, 312) di chuyển đội hình chiến đấu đến điểm tập kết tại Mộc Châu và bảo đảm an toàn Hội nghị phổ biến kế hoạch tác chiến (ngày 5-6/4/1953), tại Sở Chỉ huy chiến dịch cách Mộc Châu 20km. Đồng thời, tích cực quấy rối, nghi binh khu vực cụm tập đoàn cứ điểm Nà Sản, làm cho Bộ chỉ huy quân sự Pháp khẳng định Nà Sản là hướng tiến công của ta trong Xuân Hè 1953.

Bằng sức mạnh đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung, quân và dân Việt – Lào đã sát cánh bên nhau, kiên cường dũng cảm trong chiến đấu. Chiến dịch Thượng Lào đã hoàn thành tất cả mục tiêu đề ra. Kết quả, các đơn vị lực lượng vũ trang Tây Bắc đã cùng với bộ đội chủ lực Việt Nam và lực lượng vũ trang Lào tiêu diệt, bắt sống và làm tan rã gần 2.800 tên địch (bằng 1/5 quân địch ở Lào), giải phóng trên 35.000km2 đất đai và hơn 40.000 dân. Từ đây, hậu phương kháng chiến của Lào đã nối liền với vùng tự do Tây Bắc và Khu 4 của Việt Nam, tạo thế uy hiếp, đe dọa đối với quân Pháp trên bán đảo Đông Dương.

Có thể khẳng định, những truyền thống tốt đẹp, cao cả và tình nghĩa son sắt, sâu đậm của quân và dân Khu Tây Bắc Việt Nam với quân và dân Bạn Lào anh em cũng như bài học kinh nghiệm trong Chiến dịch Thượng Lào 1953, luôn là niềm tự hào, nguồn cổ vũ, động viên to lớn để quân và dân Tây Bắc tiếp tục phát huy những thành tích đạt được; khắc phục mọi khó khăn, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân giao phó.

Thiếu tướng PHẠM HỒNG CHƯƠNG, Tư lệnh Quân khu
 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.