Thứ sáu Ngày 03 Tháng 05 Năm 2024, 04:02:06

Những cộng tác viên “đặc biệt”

Ngày đăng: 18/06/2022

QK2 – Bất cứ cơ quan báo chí nào cũng cần xây dựng, nuôi dưỡng và phát huy vai trò đội ngũ thông tin viên, cộng tác viên (TTV, CTV). Đối với Báo Quân khu 2, tổ chức biên chế, số lượng cán bộ, biên tập viên, phóng viên có hạn, phạm vi địa bàn rộng, việc phát huy vai trò đội ngũ TTV, CTV lại càng quan trọng, không chỉ góp phần phản ánh thông tin, tuyên truyền kịp thời những sự kiện ở địa phương, đơn vị cơ sở cho tờ báo Quân khu, mà còn là những “cánh tay” nối dài, là những “bạn đọc” gần gũi, thân thiết, kéo gần tờ báo đến với chiến sĩ và người dân. Ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa biên giới, khi những sự cố thiên tai thảm họa bất ngờ ập xuống, đội ngũ TTV, CTV có mặt sớm nhất, nhanh nhất để tác nghiệp.

Nhà báo chiến sĩ kiêm nhiệm ở Bộ CHQS tỉnh Yên Bái . (Ảnh: TRƯỜNG DŨNG)

Báo Quân khu 2 tuy là tờ báo tuần, nhưng các loại hình báo chí hiện tại duy trì khá phong phú, có thể được coi là cơ quan báo chí “đa phương tiện”, bởi có báo in, báo điện tử và truyền hình. Từ rất nhiều năm nay, Báo Quân khu duy trì đội ngũ TTV, CTV hùng hậu và trải rộng. Nhất là dịp đón xuân hằng năm, lượng tác phẩm báo chí gửi về rất lớn, nhiều năm làm “bối rối” cho người biên tập bởi số lượng tác phẩm cùng chủ đề quá nhiều, biết lựa chọn làm sao!? Tuy nhiên đó là niềm hạnh phúc cho tờ báo của chiến sĩ LLVT Quân khu.

Trên địa bàn Quân khu, đội ngũ TTV, CTV của Báo Quân khu cũng khá hùng hậu, phong phú và đa dạng, có cả các cán bộ, đảng viên ở các cơ quan dân chính đảng, tổ chức chính trị xã hội. Hầu hết các cán bộ lãnh đạo, chỉ huy của các đơn vị trong LLVT Quân khu đều là TTV, CTV, một số như những thành viên “người nhà”, như “ruột thịt”. Hầu hết các cơ quan, đơn vị trong Quân khu đều có CTV “ruột”. Một số tác giả như: Trọng Lộc (Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ), Đăng Ninh (Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang), Đức Hạnh (Bộ CHQS tỉnh Điện Biên), Quốc Hoàn (Bộ CHQS tỉnh Hà Giang), Hồ Trúc (Bộ CHQS tỉnh Lào Cai) lâu nay đã trở thành rất thân quen với độc giả. Mới đây, những cán bộ, nhân viên trẻ rất tích cực như: Phùng Phương (Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc) và Anh Vũ (Bộ CHQS tỉnh Yên Bái) đã từng bước học tập và theo bước chân các đàn anh để dần trưởng thành trong “nghề báo”.

Tuy chưa nêu hết tên những “CTV đặc biệt”, những tác giả trên còn một điểm “đặc biệt” nữa là những người công tác trên mặt trận báo chí, hầu như bất cứ sự kiện nào diễn ra ở cơ quan, đơn vị, địa phương là các anh có mặt cùng phương tiện tác nghiệp. Không chỉ là CTV của Báo Quân khu 2 trên phương diện báo chí, các phóng viên không chuyên là một trong những mắt xích quan trong kết nối, phục vụ các nhà báo đến đơn vị liên hệ, tác nghiệp. Đồng thời, Bộ CHQS các tỉnh phải phối hợp thực hiện chuyên mục truyền hình LLVT quân sự – quốc phòng trên sóng phát thanh – truyền hình ở địa phương. Những phóng viên không chuyên đều là người trực tiếp thực hiện, từ tham mưu cho chỉ huy, cơ quan chính trị chỉ đạo thực hiện chương trình đến trực tiếp tác nghiệp; phối hợp với bộ phận chức năng của các đài phát thanh – truyền hình hoàn thành hậu kỳ. Vì thế, về nghĩa nào đó, những “phóng viên” không chuyên, kiêm nhiệm ấy lại là những “nhà báo đa năng”: Quay phim, chụp ảnh, viết bài, biên tập, xử lý kỹ thuật hậu kỳ… Ở cơ quan, đơn vị, Bộ CHQS các tỉnh, ai cũng biết chức trách chính của các anh là những cán bộ, nhân viên nhà văn hóa, câu lạc bộ. Để “tròn vai”, các nhân viên – phóng viên ấy phải tận dụng ngày, giờ nghỉ, ngoài giờ với tinh thần trách nhiệm rất cao.

Bên cạnh các nhà báo kiêm nhiệm ở Bộ CHQS các tỉnh kể trên, ở các cơ quan, đơn vị, địa phương rất nhiều TTV, CTV tiêu biểu, sẵn sàng phối hợp cung cấp thông tin, viết bài, gửi ảnh về theo yêu cầu và “đặt hàng” của tòa soạn như: Khánh Duy (Trung đoàn 82); Văn Đăng (Lữ đoàn 406); Ngọc Phượng (Lữ đoàn 168); Hoàng Hà (Sư đoàn 355); Phạm Hải, Ngầm Văn Đoàn (Sư đoàn 316); Phan Hương (Bộ CHQS tỉnh Điện Biên); Thế Thành, Hoàng Trung (Bộ CHQS tỉnh Lai Châu); Đức Quang, Hoàng Hà (Bộ CHQS tỉnh Sơn La); Thế Lượng (Phú Thọ), Hoa Sim (Hà Giang); Minh Huệ (Tuyên Quang)… Tất cả cán bộ, nhân viên làm công tác báo chí kiêm nhiệm này đều có chung đặc điểm là tự học hỏi, có lòng nhiệt huyết, tinh thần dấn thân, có tính sáng tạo.  Bên cạnh đó, rất cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, động viên của cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp để có những cán bộ, chiến sĩ làm báo lành nghề tại chỗ.

Trong điều kiện công nghệ thông tin và mạng xã hội phát triển từng ngày, từng giờ. Trong sự cạnh tranh càng khốc liệt của mạng xã hội, nếu không có sự hỗ trợ của công nghệ thì một cơ quan báo chí chính thống cũng có thể thua kém một người dùng mạng xã hội về khả năng lan tỏa thông điệp, dù cùng sở hữu một lượng thông tin như nhau. Sự phát triển với tốc độ chóng mặt của mạng xã hội vốn có tính năng không khác gì một ấn phẩm báo chí đích thực, đòi hỏi người làm báo phải đưa thông tin chính xác, lấy thông tin từ cơ quan chức năng kiểm duyệt và có tính định hướng cao, đó cũng là điểm khác biệt của cơ quan báo chí với mạng xã hội. 

Một trong những yêu cầu thông tin của báo chí phải nhanh, chính xác, sống động. Để tồn tại và phát triển, bất kể người làm báo chuyên hay không chuyên đều phải tự học, vừa hoàn thiện kỳ năng, vừa tiếp cận công nghệ mới; đồng thời phải luôn cần cái tâm trong sáng của người làm báo. Với những cán bộ phóng viên Báo Quân khu 2 cũng như đội ngũ TTV, CTV của Báo, cái tâm của người làm báo bắt đầu từ những đặc trưng cơ bản của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” mà Nghị quyết 847 của Quân ủy Trung ương đã xác định.

ĐỨC ĐÀO

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.