Thứ tư Ngày 24 Tháng 04 Năm 2024, 02:15:38

Nét độc đáo văn hóa mâm cơm dâng cúng Vua Hùng

Ngày đăng: 28/04/2023

QK2 – Cứ vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 âm lịch, du khách cả nước lại trở về Đền Hùng với lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước. Cũng nhân dịp này, các gia đình người dân trên địa bàn thành phố Việt Trì (Phú Thọ) lại có dịp chuẩn bị mâm cơm dâng cúng lên bàn thờ tổ tiên tại gia đình mình nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức to lớn của các Vua Hùng. Đây là nét văn hóa độc đáo thể hiện lòng tôn kính và biết ơn đối với các tiền nhân đã có công dựng nước. 

Bánh chưng, bánh giầy là những sản vật không thể thiếu trong mâm cơm dâng cúng Vua Hùng.

Ông Phạm Đức Thọ, tổ 9, khu 1B, phường Vân Phú (Việt Trì) cho biết, cứ mỗi dịp Giỗ Tổ 10-3 âm lịch, các con cháu trong gia đình lại có dịp cùng nhau chuẩn bị mâm cơm dâng lên bàn thờ tổ tiên gia đình với lòng thành kính tưởng nhớ Vua Hùng và tổ tiên. Mâm cơm dâng cúng Vua Hùng trên bàn thờ tổ tiên, ngoài các món truyền thống còn có bánh chưng, bánh giầy. Bánh chưng, bánh giầy là biểu tượng cao quý của sản vật thời kỳ Hùng Vương tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở của muôn loài. Mâm cơm tuy đơn sơ, dân dã nhưng đầy đủ những sản phẩm nông nghiệp của vùng quê Đất Tổ. Sau khi dâng cúng, các thành viên trong gia đình sum vầy bên mâm cơm và chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất trong ngày Quốc giỗ.
Cũng theo ông Thọ, việc chuẩn bị mâm cơm cúng các bậc tiền nhân đã có công dựng nước hết sức có ý nghĩa, vừa là tưởng nhớ công đức các Vua Hùng đã có công dựng nước, vừa truyền dạy cho con cháu hiểu thêm về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Hoạt động này nhằm góp phần khẳng định giá trị Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo các cụ cao tuổi ở vùng lân cận khu vực Đền Hùng, việc tổ chức mâm cơm dâng cúng Vua Hùng đã có từ lâu đời, 5 năm trở lại đây được lan tỏa rộng hơn, nhất là năm 2020 khi dịch Covid-19 lan rộng, người dân hạn chế về Đền Hùng. Nay việc chuẩn bị mâm cơm đã lan tỏa đến các địa phương khác. Dịp này, các gia đình đã sum họp, đoàn viên con cháu gần xa về tưởng nhớ công lao các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. Đồng thời giáo dục con cháu về niềm tự hào là người dân Đất Tổ Vua Hùng – Cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đều khẳng định: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – Nghi lễ thờ cúng ông Tổ chung của cả nước là bản sắc văn hóa tiêu biểu, đặc sắc riêng có của dân tộc Việt Nam và cũng là di sản văn hóa tiêu biểu của nhân loại. Trong tiến trình lịch sử, tín ngưỡng này góp phần hun đúc lòng tự hào về nguồn cội và tạo nên tinh thần đoàn kết, yêu nước thương nòi. Ngày Giỗ Tổ là ngày cả dân tộc ta tri ân công đức của các Vua Hùng, những người lập nên nhà nước Văn Lang, nền móng của dân tộc và dạy dân cày ruộng, cấy lúa, ban linh khí cho đất đai, nhà cửa, cây trồng, vật nuôi sinh sôi nảy nở, mùa màng tươi tốt, bội thu.
Khi cuộc sống con người ngày càng hiện đại, mâm cơm gia đình luôn là nơi thiêng liêng nhất, ấm áp, nơi tràn ngập yêu thương, bởi trong tiềm thức mỗi người được sinh ra đều đã có trái tim hướng về nguồn cội. Đặc biệt là trong mỗi dịp lễ tâm linh của người Việt. Trong mâm cơm dâng cúng Vua Hùng khi có đông đủ các thành viên trong gia đình là chính lúc đó họ tiếp tục được lắng nghe, chia sẻ, cùng duy trì sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, giúp mỗi người tự hoàn thiện phẩm chất, nhân cách của chính mình.
Bà Phạm Thị Hoàng Oanh, Phó Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: Thờ cúng Hùng Vương có tầm quan trọng trong tâm thức của người Việt, khẳng định người Việt có chung một Thủy Tổ, nguồn gốc – Đó là “sợi chỉ đỏ” tạo nên truyền thống đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một biểu tượng văn hóa – tín ngưỡng kết nối quá khứ với hiện tại, có tác dụng vun đắp tình cảm với gia đình, làng xã và dân tộc, như Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng phát biểu trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm 1969: “Từ lòng biết ơn đến tôn kính, các thế hệ tiền nhân và tổ tiên, gia đình, dòng họ, dân tộc ta đã phát triển hình thức sinh hoạt văn hóa, tinh thần ấy thành một đạo lý và tín ngưỡng dân tộc độc đáo, là tín ngưỡng thờ một tổ tiên chung của toàn dân tộc: Các Vua Hùng”.
Việc thờ cúng tổ tiên với những lễ vật và nghi lễ cụ thể trong đó có việc chuẩn bị mâm cơm cúng dâng lên tổ tiên trong ngày Quốc giỗ là nét đẹp văn hoá đặc trưng, rõ nét nhất của quá trình thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cũng biên soạn tài liệu tuyên truyền về ý nghĩa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương gửi về các địa phương để người dân thêm hiểu về nguồn cội dân tộc.
Từ ngàn đời nay, Giỗ Tổ Hùng Vương được xem là ngày lễ trọng đại của cả dân tộc (ngày Quốc giỗ) và trở thành tình cảm thiêng liêng, in sâu trong tâm khảm của mỗi người Việt Nam. Đây còn là biểu tượng của giá trị văn hóa tinh thần vô cùng độc đáo và sâu sắc, thể hiện tinh thần đại đoàn kết, đạo lý truyền thống tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn", nhớ về tổ tiên, về các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước.
Bài, ảnh: NGỌC CƯỜNG
 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.