Thứ bảy Ngày 27 Tháng 04 Năm 2024, 08:45:51

Cuốn “Nhật ký Điện Biên Phủ”

Ngày đăng: 01/01/2024

QK2 – Cuốn nhật ký là của tác giả Phạm Thanh Tâm, quê ở xã Vĩnh Lai, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Năm 1946, khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông theo gia đình tản cư. Lúc này, cha của ông đang làm việc trong Ban Tuyên truyền chiến khu III, nên ông được giao nhiệm vụ đưa bài xuống nhà in để in báo. Năm 1950, ông xung phong vào bộ đội và được phân công về Ban Chính trị Trung đoàn 34 làm báo “Tất Thắng”. Giữa năm 1952, ông được gửi đến Trung đoàn gần Kunming, thuộc Yunan ở phía Nam Trung Quốc – một trung tâm huấn luyện rất nghiêm khắc. Cuối tháng 11 năm 1954, ông rời trung tâm huấn luyện trở vể chiến trường. Cuốn nhật ký được ông viết từ tháng 2/1954 khi ông bắt đầu cuộc hành quân hơn 200 dặm từ một thị trấn của tỉnh Yên Bái đến Điện Biên Phủ. Toàn bộ cuốn nhật ký đã ghi lại 56 ngày đêm của Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra từ ngày 13/3/1954 đến ngày 7/5/1954.

Hình ảnh cuốn nhật ký.

Những dòng nhật ký vô cùng quý giá của ông là nhân chứng cho cuộc hành quân gian khổ của bộ đội pháo binh chỉ bằng đôi tay của mình đã kéo những khẩu pháo nặng gần 2 tấn, vượt qua núi non hiểm trở vào đến trận địa. Dưới những trận đột kích bất ngờ của Pháp, Phạm Thanh Tâm đã mô tả chi tiết bộ đội ta đào hầm trú ẩn ngụy trang cho pháo. Là một phóng viên chiến trường, ông đã di chuyển qua các vùng lầy lội để tìm đến các vị trí pháo binh nguy hiểm, gần kề với căn cứ cạnh khẩu pháo trong chiến hào. Ông tham gia đào hào và cùng bộ đội hành quân di chuyển đến trận địa… Trong cuốn nhật ký, ông đã phân tích về cuộc chiến tranh, những thực tế đã diễn ra trên chiến trường. Nhân vật chính của cuốn nhật ký là những chiến sĩ pháo binh, lực lượng dân công tham gia vận chuyển lương thực và mở đường. Ngoài ra ông còn viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về QĐND Việt Nam… với quan điểm của người cộng sản chân chính, yêu nước. Phía cuối cuốn nhật ký, là những bài hát, bài thơ do ông sáng tác nhằm khuyến khích, động viên cổ vũ tinh thần đồng chí, đồng đội trước khi bước vào trận đánh. Trong đó có một số bài tiêu biểu như: Đoàn quân anh dũng bắn phi cơ; Cho toàn Tây Bắc yên vui; Giặc Pháp ở Điện Biên Phủ sợ pháo ta; Hoan hô chiến sĩ Điện Biên…

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông về công tác tại Báo QĐND. Cuốn “Nhật ký Điện Biên Phủ – 1954” đã được ông lưu giữ cần thận như một kỷ vật thiêng liêng. Năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tác giả Phạm Thanh Tâm đã tặng cuốn nhật ký cho Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

HUYỀN LINH

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.