Thứ hai Ngày 17 Tháng 06 Năm 2024, 01:57:47

Kỷ niệm 109 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 / 5-6-2020)

Ngày đăng: 05/06/2020

Hồ Chí Minh và con đường giải phóng dân tộc

QK2 – Sinh ra và lớn lên trước cảnh nước mất, nhân dân Việt Nam rơi vào cảnh thống khổ, Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh) nuôi ý chí quyết tâm tìm ra con đường giải phóng nhân dân thoát khỏi cực khổ lầm than. Ngày 5 tháng 6 năm 1911, người thanh niên yêu nước ấy lên con tàu buôn Latouche-Tréville rời Bến Nhà Rồng sang phương Tây, tìm đường cứu nước. Trước đó 3 ngày, vào ngày 2/6, Nguyễn Tất Thành xin làm việc trên con tàu này. Thuyền trưởng Lui E-du-a Mai-sen hỏi rằng, anh có thể làm được việc gì? Nguyễn Tất Thành trả lời: Tôi có thể làm bất cứ công việc gì.

Nguyễn Tất Thành được chủ tàu nhận và cho làm phụ bếp, nhận thẻ nhân viên của tàu với tên mới là Văn Ba. Từ Bến Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành trong công việc là người phụ bếp chính thức lên đường sang Pháp.

Suốt chặng đường hoạt động để tìm ra con đường cứu nước cứu dân, người thanh niên yêu nước ấy làm rất nhiều công việc để kiếm tiền nuôi bản thân và phục vụ tìm hiểu, nghiên cứu lý luận, thực tiễn, tham gia hoạt động cách mạng. Gần mười năm bôn ba ở khắp các châu lục, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, châu Á, để nghiên cứu và học hỏi để tìm đường lối cứu dân, cứu nước.

Nǎm 1919, các nước đế quốc thắng trận họp Hội nghị Véc-Xây để phân chia lại thị trường thế giới. Nguyễn Tất Thành lúc này lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp đã gửi tới hội nghị bản yêu sách "tám điểm” đòi quyền tự do cho nhân dân Việt Nam.

Đến tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc được tác phẩm "Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin qua báo Nhân đạo (L'Humanité – Pháp). Trong bài báo con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin, Người viết: "Luận cương của  Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta. Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế III".

Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp (Đại hội Tua), Nguyễn Ái Quốc là đại biểu duy nhất của 80 người Việt Nam trong Đảng bảo vệ chủ nghĩa Mác, chống lại những người cơ hội, tố cáo tội ác của thực dân Pháp ở Đông Dương, kêu gọi giai cấp công nhân và nhân dân Pháp ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước thuộc địa khác. Người đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản) và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

Người đã tham gia nhiều hoạt động thực tiễn và lý luận như: Tham gia Ban Nghiên cứu thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp; tham gia sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa, viết bài và tham gia xuất bản báo (tờ Le Paria), viết bài tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin về Việt Nam và các nước thuộc địa. Dần dần, từ Người yêu nước chân chính trở thành người cộng sản. Khi được tiếp cận với chủ nghĩa Mác-Lênin, Người lựa chọn con đường đi theo chủ nghĩa xã hội cho cách mạng Việt Nam.  

“Con đường giải phóng” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp cận từ “Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin có khoảng 20 điểm hướng dẫn phải làm gì và làm như thế nào để giải phóng dân tộc thoát khỏi ách áp bức thực dân, trong đó có những vấn đề cốt lõi như thành lập đảng cách mạng, thành lập quân đội của những người lao động, phương pháp tập hợp, cách lôi kéo tất cả các tầng lớp xã hội tạo sức mạnh… Tuy nhiên, “con đường giải phóng” được Hồ Chí Minh hình thành và ngày càng sáng tỏ khi đến trực tiếp nước Nga để cảm nhận. Cùng với quá trình hoạt động chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, “con đường giải phóng” dần được khẳng định.

Giải phóng dân tộc theo con đường Cách mạng Tháng Mười, theo con đường cách mạng vô sản, đó là tư tưởng chỉ đạo mang tính nguyên tắc, được thể hiện xuyên suốt trong các văn kiện Đảng cũng như chỉ đạo thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người từng chỉ rõ: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Suốt cuộc đời hoạt động, con đường cứu nước và giải phóng dân tộc từng bước được Hồ Chí Minh làm sâu sắc hơn. “Những người cộng sản chúng ta không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên toàn thế giới”. Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH còn trở thành tư tưởng cốt lõi xuyên suốt trong triết lý phát triển xã hội, xây dựng đất nước của Bác.

VIỆT LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.