Thứ bảy Ngày 27 Tháng 04 Năm 2024, 06:28:06

Khai mạc Phiên họp thứ 46, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII

Ngày đăng: 07/03/2016

Sáng 7-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 46…

Tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ sẽ cho ý kiến các báo cáo về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2015; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020; kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020; kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016-2020.

Quốc hội sẽ điều chỉnh một số chức danh nhân sự

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang tích cực chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 11-Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa XIII. Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội sẽ xem xét nhiều nội dung quan trọng. Đó là, Quốc hội sẽ đánh giá về tổng kết nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng  phát biểu khai mạc .

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc.

Nội dung thứ hai, Quốc hội sẽ cho ý kiến với các luật còn lại để khẩn trương thi hành Hiến pháp, đưa Hiến pháp vào cuộc sống.

Nội dung thứ ba, Quốc hội sẽ cho ý kiến quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước trong 5 năm tới, bao gồm các vấn đề về kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tài chính trung hạn…

Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là điểm mới trong hoạt động của Quốc hội. Trước đây, việc này sẽ được xem xét vào kỳ họp cuối của năm đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội. Như vậy, việc thực hiện kế hoạch bị lùi gần 1 năm. Lần này, Quốc hội quyết định cho ý kiến, xem xét, quyết định các vấn đề trên một cách kịp thời từ đầu năm để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII ngay từ đầu năm.

Một nội dung quan trọng khác tại Kỳ họp thứ 11 là Quốc hội sẽ điều chỉnh một số chức danh nhân sự để bảo đảm hoạt động của Nhà nước được kịp thời, ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương có quyết định về nhân sự sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

“Đây là kỳ họp cuối cùng, nhưng rất nặng nề của Quốc hội Khóa XIII”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định và cho biết thêm, kỳ họp sẽ kéo dài gần 1 tháng. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan sẽ làm tốt công tác chuẩn bị để Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội thành công, vì lợi ích chung và tương lai tốt đẹp của đất nước.

Tốc độ GDP bình quân 5 năm tăng

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12-2015 tăng 0,6% so với tháng 12-2014, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2001; bình quân cả năm 2015 tăng 0,63% so với năm trước, là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Đánh giá về chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng chủ yếu do: Giá dầu thế giới giảm mạnh (giảm khoảng 50% so với năm trước), làm giảm giá xăng dầu và giá các hàng hóa khác; nguồn cung hàng hóa dồi dào, bao gồm cả lương thực, thực phẩm, hàng công nghiệp và dịch vụ. Tuy chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, nhưng không có biểu hiện giảm phát. Tiêu dùng trong nước, sức mua và tổng cầu đã tăng khá mạnh; tăng trưởng kinh tế cao nhất trong vòng 8 năm qua.

Tổng số vốn FDI thực hiện năm 2015 đạt 14,5 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2014, vượt 11,5% so với kế hoạch đề ra. Tăng trưởng GDP cả năm đạt khoảng 6,68%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008.

 

Năm 2015, ước tạo việc làm khoảng 1,625 triệu người, vượt 1,6% kế hoạch năm. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị khoảng 3,29%, đạt mục tiêu đề ra (dưới 4%).

Kết quả phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2011-2015 cơ bản bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế. Tốc độ tăng GDP bình quân 5 năm đạt trên 5,9%/năm  (riêng năm 2014 đạt 5,98%, năm 2015 đạt 6,68%, vượt mục tiêu đề ra). Quy mô và tiềm lực nền kinh tế được tăng lên. GDP năm 2015 đạt 193,4 tỷ USD, bình quân đầu người khoảng 2.109 USD.

Bội chi ngân sách là 256.000 tỷ đồng

Báo cáo đánh giá bổ sung tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2015 của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày cho thấy, bội chi ngân sách Nhà nước năm 2015 là 256.000 tỷ đồng, nếu so với GDP thực tế thực hiện, tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước là 6,11%.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo.

Dự toán bội chi ngân sách Nhà nước năm 2015 Quốc hội quyết định đầu năm là 226.000 tỷ đồng, bằng 5,0% GDP. Sau khi được bổ sung 30.000 tỷ đồng giải ngân vốn ODA vượt thêm theo Nghị quyết Quốc hội, bội chi ngân sách Nhà nước điều chỉnh là 256.000 tỷ đồng, bằng 5,71% GDP. Như vậy, bội chi ngân sách Nhà nước năm 2015 vẫn nằm trong phạm vi dự toán điều chỉnh.

Điểm sáng trong thu-chi ngân sách Nhà nước năm 2015 là kết quả vượt thu ngân sách. Dự toán thu ngân sách Nhà nước Quốc hội quyết định là 911,1 nghìn tỷ đồng, nhưng kết quả thực hiện đạt tới 996,87 nghìn tỷ đồng, tăng 85,77 nghìn tỷ đồng, tương đương 9,4% so với dự toán.

Sự phục hồi của thị trường bất động sản là điều kiện quan trọng để các địa phương làm tốt hơn công tác đấu giá đất, thu tiền sử dụng đất và đẩy mạnh thu hồi tiền nợ đọng từ các dự án bất động sản. Cùng với đó, các cơ quan thuế cũng quyết liệt triển khai các giải pháp quản lý thu, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản phát sinh từ hoạt động của nền kinh tế; đồng thời tập trung đôn đốc xử lý nợ đọng thuế và các khoản kiến nghị truy thu qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… Nhờ vậy, thu từ nội địa được bảo đảm, bù đắp được khoản hụt thu do giá dầu thế giới giảm mạnh và liên tục duy trì ở mức giá rất thấp.

Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho thấy quy mô, tiềm lực đất nước được tăng lên, tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu, tiêu chí đến năm 2020 nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được. Có 10/26 chỉ tiêu không đạt kế hoạch. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 dự kiến đạt 5,9% thấp hơn mức 7% của 5 năm giai đoạn trước. Năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp chưa cải thiện nhiều. Cơ cấu thu chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên tăng nhanh, bộ chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP; giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo ở một số huyện, xã còn đến 50%.

Việc thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược cơ bản đạt mục tiêu đề ra, tuy nhiên, tác dụng của hệ thống thể chế mới tới hoạt động của các loại thị trường vốn, tiền tệ, lao động, hàng hóa, khoa học công nghệ còn hạn chế và hiệu quả chưa cao. Chất lượng giáo dục đào tạo, nhất là giáo dục đại học và đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu thị trường; cung cầu thị trường lao động vẫn mất cân đối, dẫn tới tỷ lệ sinh viên sau tốt nghiệp chưa có việc làm cao…

Trong phiên họp buổi sáng, các đại biểu cũng đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang báo cáo về kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016-2020; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo thẩm tra về  báo cáo đánh giá bổ sung tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015; kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020; kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020.

Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận.

(Theo THU HÀ – CHIẾN THẮNG – QĐND)

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.