Thứ bảy Ngày 27 Tháng 04 Năm 2024, 06:33:35

Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Ngày đăng: 16/09/2019

QK2 – Hệ thống quy phạm pháp luật được ban hành ngày càng hoàn thiện, nội dung đa dạng, điều chỉnh các quan hệ xã hội và phục vụ tiến trình đổi mới, phát triển đất nước cũng như hội nhập quốc tế. Các quy phạm pháp luật liên quan đến nghĩa vụ, trách nhiệm quân nhân cũng mở rộng đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) là việc làm thường xuyên, quan trọng. Để các quy phạm pháp luật thực sự đi vào cuộc sống rất cần chỉ huy các cấp đổi mới công tác PBGDPL.

Mỗi tuần học một điều luật ở Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 82. Ảnh: HOÀNG THUYẾT

Cùng với đổi mới nội dung, hình thức giáo dục chính trị tư tưởng, việc đổi mới công tác PBGDPL luôn  được các cấp chú trọng cả về nội dung, hình thức, biện pháp thực hiện. Các cơ quan, đơn vị trong Quân khu đã kiện toàn hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật đúng thành phần, cơ cấu, làm việc theo quy chế, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để công tác TTPBGDPL được thực hiện nghiêm túc các hình thức PBGDPL, có hiệu quả; lựa chọn bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên pháp luật có chất lượng tốt. Duy trì nghiêm túc các hoạt động PBGDPL truyền thống như: Giảng bài pháp luật, nói chuyện chuyên đề, báo cáo viên pháp luật các cấp tổ chức các buổi PBGDPL cho cán bộ, chiến sĩ. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng, phát huy hiệu quả hệ thống thư viện, phòng đọc, tủ sách pháp luật; lồng ghép giữa tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật với giáo dục chính trị cơ bản và các hình thức khác như tọa đàm, trao đổi, thi tìm hiểu pháp luật, thông tin đồng chí cần biết trên mạng truyền thanh nội bộ… để TTPBGDPL.

Bên cạnh đó, nhiều cơ quan, đơn vị từ cấp đại đội trở lên đến cấp trung đoàn và tương đương duy trì đều đặn hình thức “Mỗi ngày một điều luật” trên hệ thống pa nô, bảng tin; “Năm phút lắng đọng” trên mạng truyền thanh nội bộ… để phổ biến các nội dung pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ.

Các cơ quan chức năng đã phối hợp chặt chẽ để tham mưu giúp Hội đồng PBGDPL Quân khu triển khai nhiều nội dung, hình thức TTPBGDPL cho lực lượng vũ trang. Tổ chức các đợt tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho các đối tượng, tập trung vào các văn bản quy phạm mới, gần gũi thiết thực với nhiệm vụ và cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ; tổ chức các hoạt động giáo dục, phổ biến trực quan. Duy trì đều đặn chuyên mục phổ biến giáo dục pháp luật trên báo chí. Biên tập, sản xuất các video clip, đĩa hình, file âm thanh để tổ chức chiếu, phát cho bộ đội xem, nghe vào các buổi sinh hoạt, học tập và trước giờ ngủ nghỉ.

Một trong các hoạt động mà nhiều đơn vị tập trung đầu tư trí tuệ và công sức nhằm nâng cao hiệu quả TTPBGDPL hiện nay là tổ chức hội thi TTPBGDPL bằng hình thức sân khấu hóa. Đây không phải là hình thức mới, tuy nhiên rất có hiệu quả bởi phương pháp tuyên truyền giáo dục nhẹ nhàng, ấn tượng, dễ đi vào lòng người, làm “mềm hóa” các nội dung pháp luật vốn rất khô khan. Việc đổi mới hội thi nằm ở nội dung, biện pháp tuyên truyền có tính thiết thực, hấp dẫn. Thông qua các màn thi chào hỏi, tiểu phẩm, năng khiếu, bài hùng biện… nội dung của hội thi tập trung phổ biến những vấn đề pháp luật thiết thân với cuộc sống chiến sĩ. Các nội dung pháp luật như lô đề, cơ bạc, ma túy, bảo đảm an toàn giao thông, Luật Nghĩa vụ quân sự, các vấn đề liên quan đến nghĩa vụ, trách nhiệm quân nhân… được “sân khấu hóa”, dễ đi vào lòng người. Nếu các nội dung mang tính sáng tạo, nghệ thuật thì hội thi càng trở nên hấp dẫn.

Tuy nhiên, hội thi TTPBGDPL nếu không được đầu tư về trí tuệ sẽ làm giảm tính giáo dục, thậm chí gây phản cảm cho người xem. Chẳng hạn, hiện tượng lô đề, cờ bạc hiện nay đã và đang len lỏi vào các ngóc ngách của đời sống quân nhân. Thực tế đã có những cán bộ hưởng lương do chủ quan, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và đơn vị đã sa ngã, vướng vào lô đề, vay nặng lãi. Hình thức cầm cố có thể là cắm, ký, thế chấp bằng giấy tờ quân nhân, giấy nhận nợ được ghi với nội dung: “Vay tiền để chạy việc”. Hậu quả là lãi mẹ đẻ lãi con, không còn khả năng thanh toán dẫn đến các đối tượng cho vay vốn “nắm đằng chuôi”, phát đơn từ, kiện tụng, làm mất uy tín và thanh danh của quân nhân. Có những trường hợp bị kỷ luật hoặc xử lý theo pháp luật.

Nếu những nội dung trên đưa vào hội thi, không được khai thác cặn kẽ sẽ trở nên nửa vời, phi thực tiễn, không có tác dụng giáo dục. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ khi tổ chức, tham gia hội thi TTPBGDPL cần nhận thức sâu, tìm hiểu gốc rễ các vấn đề nêu ra, qua đó góp phần cảnh tỉnh, nâng cao nhận thức của mọi người, tránh việc khai thác chung chung, không phù hợp với thực tiễn đang diễn ra trong cuộc sống.

Mặt khác, để hội thi TTPBGDPL trở thành món ăn tinh thần cần thiết, thì chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp cần nắm chắc mục đích hội thi là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường chỉ đạo để hàm lượng các quy phạm pháp luật nêu ra rộng rãi, phù hợp nhất, tránh sự trùng lắp, lược bỏ những “hạt sạn” của hình thức sân khấu hóa TTPBGDPL.

VIỆT LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.