Thứ bảy Ngày 27 Tháng 04 Năm 2024, 07:54:30

Bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt là bảo vệ sự trong sáng của tâm hồn người Việt

Ngày đăng: 26/10/2016

Tiếng Việt sinh ra cùng với người Việt, đã có hàng ngàn năm lịch sử. Trong quá trình dựng nước và giữ nước, trải qua bao cuộc đụng độ và tiếp xúc với văn hóa nước ngoài, đặc biệt của phong kiến phương Bắc và của thực dân Pháp, tiếng Việt vẫn giữ được hồn cốt dân tộc của mình, đồng thời lại được bổ sung một số yếu tố mới.

Là một dân tộc lâu đời sống trong nền văn minh lúa nước, lại là một dân tộc rất giàu truyền thống cộng đồng, nhân văn, nhân ái, vốn từ vựng trong tiếng Việt rất phong phú để chỉ các sắc màu của thiên nhiên cùng mối quan hệ thiết thân giữa con người với tự nhiên. Với các hiện tượng xã hội và con người cũng vậy, ở đây mọi cung bậc tình cảm đều thể hiện rất đa dạng. Đằng sau mỗi tên gọi các hiện tượng đều thể hiện sắc thái tình cảm của con người. Đây là hiện tượng rất đặc biệt mà không phải ngôn ngữ nước nào cũng có. Ta lấy ví dụ, để biểu hiện cái chết, trong tiếng Việt có hàng loạt từ: Chết, mất, quy tiên, chầu giời, hy sinh, từ trần, ngoẻo… Tùy hoàn cảnh và điều kiện cụ thể, mỗi người sẽ sử dụng những từ tương ứng nhất. Rõ ràng, đối với những người có công lớn đối với xã hội, những người đạo cao đức trọng, thì sự ra đi của họ phải được thể hiện bằng các từ: “Quy tiên”, “từ trần” hoặc “qua đời”, chứ không bao giờ được dùng từ “ngoẻo”. Trong trường hợp đó, nếu dùng từ “ngoẻo” thì là vô đạo đức. Và điều đó cũng có nghĩa là phá hoại sự trong sáng của tiếng Việt.

Bài hát "Tiếng Việt" của Lê Tâm, phổ thơ Lưu Quang Vũ, do các giảng viên, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội biểu diễn.  Ảnh: DUY VĂN

Bài hát “Tiếng Việt” của Lê Tâm, phổ thơ Lưu Quang Vũ, do các giảng viên, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội biểu diễn.  Ảnh: DUY VĂN

Bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt là phải hiểu được cái hay, cái đẹp, sự phong phú, tinh tế của tiếng Việt và biết sử dụng đúng chỗ. Nhà cách mạng lão thành, nhà văn hóa lớn của nước ta, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã bao lần xúc động trước vẻ đẹp của những câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. “Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng”. Đúng là một bức tranh phong cảnh, có đủ màu sắc, hình dáng, và hình như có cả hoạt động của tạo hóa. Nhưng bức tranh không phải được vẽ nên bằng bàn tay của họa sĩ, mà bằng tài hoa của nhà thơ lớn – của người nghệ sĩ ngôn từ.

Tiếng Việt là tiếng nói giàu âm thanh, hình ảnh cũng vì lẽ đó. Nhưng vì giàu âm thanh, hình ảnh, nên yêu cầu chuẩn xác của nó càng cao. Cần nhận thức ra điều đó để có những quyết sách lớn nhằm bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, đặc biệt trong tình hình hiện nay.

Ngay từ năm 1965, khi giặc Mỹ bắt đầu ném bom Hà Nội, nhằm làm tê liệt đầu não của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, tại thủ đô Hà Nội, lần đầu tiên chúng ta tổ chức cuộc hội thảo lớn với chủ đề “Bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đích thân đến dự và chủ trì cuộc hội thảo. Mở đầu, Thủ tướng nói: “Hiện nay giặc Mỹ đã ném bom ra miền Bắc, ra Hà Nội. Thế mà chúng ta lại tụ họp ở đây để bàn việc bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Điều đó có đạo lý của nó, bởi vì bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt là bảo vệ sự trong sáng của tâm hồn người Việt. Vì vậy, nếu có phóng viên nước ngoài nào đến đây để đưa tin về việc Hà Nội bị ném bom, thì chúng ta sẵn sàng mời họ cùng chúng ta tham dự hội thảo”. Câu nói cách đây nửa thế kỷ vẫn còn mang ý nghĩa nguyên vẹn. Chính đồng chí Phạm Văn Đồng đã sớm nhìn thấy sự trong sáng của tiếng Việt là thể hiện sức sống bất diệt của dân tộc ta. Khi một dân tộc luôn thể hiện sức sống của mình, thì dân tộc đó mãi mãi trường tồn, dù có phải trải qua nhiều phong ba bão táp. Học giả Phạm Quỳnh cũng đã từng nói: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”.

Bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt là thể hiện tinh thần yêu nước, ý thức tự hào về di sản mà cha ông để lại, và chỉ trên cơ sở đó mới có khả năng phát triển và làm phong phú thêm di sản tinh thần của dân tộc. Tình hình đang diễn ra hiện nay là, trong khi vốn từ vựng tiếng Việt trong một số người còn nghèo, sự hiểu biết về ý nghĩa các từ còn hời hợt, có khi chưa chính xác, thì sự ồ ạt tấn công của các ngôn ngữ khác, đặc biệt của tiếng Anh, càng làm tình hình thêm phức tạp. Những sai lầm về chính tả, về ngữ pháp trong nhiều bài viết, kể cả trong một số văn bản có tính pháp quy đang làm suy yếu hiệu quả giao tiếp xã hội.

Thực tế cũng chứng minh rằng, sự phát triển ồ ạt của mạng truyền thông, trong khi góp phần mở rộng việc phổ biến thông tin và truyền thông tới mọi người, cũng đang tạo nên những khó khăn phức tạp không chỉ đối với nhận thức của xã hội, mà còn đối với sự trong sáng của tiếng Việt. Hãy đọc những thông tin trên mạng, có thể chỉ ra hàng loạt sai sót về từ vựng, về ngữ pháp, gây nên sự khó khăn, bối rối cho người đọc. Điều này cũng dễ hiểu, vì những thông tin, bài viết trên mạng thường không qua bộ phận biên tập. Ở thời đại chúng ta, việc tiếp xúc với mạng là rất cần, để tiếp nhận nhiều thông tin mới. Nhưng mạng có hạn chế của nó. Không thể dùng mạng để thay thế cho việc đọc những ấn phẩm về các lĩnh vực báo chí, văn học nghệ thuật, chính trị, lý luận, khoa học… Những ấn phẩm loại này thường được biên soạn và biên tập công phu, đạt độ chính xác cao trong việc thể hiện nội dung bằng ngôn từ. Tại sao có những câu văn, câu thơ cứ sống mãi trong tâm trí chúng ta? Tại sao nhiều bà mẹ Việt Nam trước đây, dù không biết chữ, vẫn thuộc Truyện Kiều và ru con bằng Truyện Kiều? Phải chăng, vì Nguyễn Du đã thấu hiểu niềm vui và nỗi đau của người Việt Nam trước đây, đặc biệt của người phụ nữ trong chế độ phong kiến, và biết sử dụng một cách tài tình tiếng Việt để thể hiện tấm lòng nhân ái cao cả đó. Tinh hoa của tiếng Việt được thể hiện qua Truyện Kiều và cũng qua Truyện Kiều, Nguyễn Du đã làm đẹp thêm tiếng Việt. Đến Hồ Chí Minh cũng vậy. Trong hàng loạt bài nói và bài viết của Bác, đặc biệt trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 và bản Di chúc của Người năm 1969, người đọc cảm nhận được vẻ bình dị, sự tinh tế và phong phú của tiếng Việt trong việc thể hiện những vấn đề trọng đại của đất nước, cũng như những tâm tư thầm kín của mỗi con người.

Trải qua sự vận động và phát triển về kinh tế xã hội, về khoa học kỹ thuật của đất nước trong nhiều thế kỷ qua, đặc biệt trong những thập kỷ gần đây, đời sống tinh thần của người Việt tất yếu phải có sự vận động và phát triển. Tư duy cảm tính trước đây đang được bổ sung bằng tư duy lý tính. Nếu trước đây người Việt nặng về duy tình, thì ngày nay yếu tố duy lý đang dần dần được coi trọng. Điều đó không thể không ảnh hưởng đến sự phát triển của ngôn ngữ nước ta. Việc xuất hiện nhiều từ mới đã và đang làm phong phú thêm vốn từ vựng của tiếng Việt. Tư duy và lối sống khoa học của thời đại chắc chắn cũng tác động tới tư duy và lối sống của chúng ta. Điều quan trọng là phải biết sử dụng những nhân tố mới đó để góp phần làm phong phú hơn tâm hồn chúng ta và tiếng nói của chúng ta. Nếu vì một lý do nào đó mà để tư tưởng vọng ngoại xuất hiện (và điều này đã thể hiện trong một số người, đặc biệt thế hệ trẻ) thì cốt cách, tâm hồn của người Việt sẽ bị tổn hại, bị xúc phạm. Tiếng nói và chữ viết của dân tộc lúc đó chắc chắn sẽ mất đi tính trong sáng. Đây là vấn đề rất quan trọng đối với bất cứ quốc gia, dân tộc nào trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay. Qua mấy thập niên tiến hành toàn cầu hóa, nhiều người đã nhận thức ra rằng, toàn cầu hóa không mâu thuẫn với bản sắc văn hóa dân tộc. Thực tế đang chứng minh rằng, sự kết thúc của các khoảng cách địa lý (do toàn cầu hóa tạo nên) sẽ làm cho các khoảng cách văn hóa thêm mở rộng, có nghĩa là bản sắc văn hóa của các dân tộc ngày càng đậm nét.

Tiếng nói là một bộ phận quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc. Bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt sẽ góp phần giữ vững và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc ta. Đó cũng là cách cần thiết để làm tăng sức mạnh nội sinh của dân tộc mà Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) của Đảng đã đề ra, bởi vì ý thức bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt chính là kết quả của tình yêu và tự hào về con người Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam, những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top