Thứ sáu Ngày 03 Tháng 05 Năm 2024, 04:48:01

“Bác chờ tin thắng lợi của các chú…”

Ngày đăng: 29/01/2022

QK2 – Tây Bắc xưa nay luôn có vị trí chiến lược quan trọng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, địa bàn Tây Bắc có thể chi phối toàn bộ chiến trường Đông Dương, vì thế những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến 9 năm, nhiều chiến dịch lớn của quân, dân ta được thực hiện ở địa bàn Tây Bắc.

Bác Hồ về thăm đồng bào các dân tộc Tây Bắc, ngày 7/5/1959. Ảnh tư liệu

Đầu tháng 9 năm 1952, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc.

Xuất phát từ vị trí, vai trò của Chiến dịch Tây Bắc; trong lúc quân và dân ta  chuẩn bị mở chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho cán bộ và chiến sĩ, dân công toàn Mặt trận Tây Bắc. Lời lẽ ngắn gọn súc tích, Bác đã động viên kịp thời cán bộ, chiến sĩ và dân công tham gia chiến dịch: “Chiến dịch này là một chiến dịch có vai trò rất quan trọng, các chú phải đánh cho thắng. Tất cả các chú, cán bộ cũng như chiến sĩ đều phải: Quyết tâm chiến đấu, chấp hành triệt để mệnh lệnh. Bền bỉ dẻo dai, vượt qua mọi gian khổ, khắc phục tất cả khó khăn. Thương dân, trọng dân và tốt với dân. Tiêu diệt thật nhiều địch, giành cho được toàn thắng. Bác chờ tin thắng lợi của các chú để khen thưởng các chú. (Ngày 1 tháng 10 năm 1952)”. Cùng ngày đó, Bác gửi 8 điều mệnh lệnh của Chính phủ cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Tây Bắc, trong đó nói rõ: “Thực dân Pháp và vua quan Việt Nam đã áp bức, bóc lột đồng bào miền núi thậm tệ. Nay Chính phủ ta phái quân đội đến tiêu diệt giặc Pháp và bè lũ bù nhìn phản quốc để giải phóng đồng bào khỏi ách nô lệ…”.

Vâng lệnh Bác, quân và dân Tây Bắc đã dốc sức, dốc lòng chuẩn bị và tiến hành chiến dịch thành công. Chiến dịch được chuẩn bị chu đáo và diễn ra với 3 đợt chiến đấu quyết liệt. Tổng kết chiến dịch, ta tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6 nghìn tên địch, giải phóng khoảng 28.500 km² và 25 vạn dân.

Thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc có ý nghĩa to lớn cả về quân sự và chính trị, khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng, Bác Hồ và sự trưởng thành vượt bậc của quân đội ta. Về nghệ thuật quân sự Chiến dịch Tây Bắc có bước phát triển mới; góp phần làm thay đổi hình thái chiến trường. Ta giữ vững và từng bước mở rộng quyền chủ động về chiến lược, lực lượng vũ trang tích lũy thêm kinh nghiệm tác chiến quy mô lớn hơn. Đặc biệt, thắng lợi của chiến dịch đã góp phần rèn luyện bộ đội ta quen với cách đánh hệ thống cứ điểm mạnh của địch; đồng thời, đánh dấu bước phát triển mới về nghệ thuật chiến dịch, làm cơ sở tiến lên mở các chiến dịch trong những năm tiếp theo giành thắng lợi to lớn hơn.

“Bác chờ tin chiến thắng của các chú…!”. Lời của Bác thật giản dị và lạc quan, trực tiếp động viên, khích lệ quân, dân Tây Bắc chiến đấu và lập công. Không chỉ trong Chiến dịch Tây Bắc, suốt những năm tháng sau này đến khi đi xa, Bác thường xuyên quan tâm theo dõi diễn biến, kết quả của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Riêng với đồng bào, chiến sĩ Tây Bắc, vùng đất xa xôi, còn nhiều gian khổ thiếu thốn, Bác dành tình cảm yêu thương chỉ đạo, động viên, dặn dò, đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, với đồng bào ở các địa phương. Chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 5/1952 đến tháng 6/1965 Bác Hồ đã gửi 15 bức thư và điện tín cho cán bộ, chiến sĩ, dân công và đồng bào các dân tộc Tây Bắc. 

Ngày 25/12/1952, Bác gửi thư động viên bộ đội, dân công ở Mặt trận Tây Bắc. Bác khen ngợi bộ đội, dân công đã thắng trận, giải phóng đồng bào và một phần đất đai Tây Bắc, đồng thời dặn dò các cô, các chú “thắng không kiêu, bại không nản”.

Tại Hội nghị tổng kết Chiến dịch Tây Bắc ngày 29/1/1953, Bác đã tới nói chuyện, chỉ rõ những ưu điểm, khuyết điểm của bộ đội. Thực hiện lời đã hứa trong thư, Người tặng cho mỗi trung đoàn 25 huy hiệu về thưởng cho anh em cán bộ, chiến sĩ đã lập công. Đặc biệt, từ tháng Chạp năm 1953, chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác đã liên tiếp gửi 5 bức thư động viên, chỉ đạo, khen ngợi đồng bào, chiến sĩ. Ngày 8/5/1954, một ngày sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác đã thay mặt Chính phủ khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và nhân dân địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang. Bác còn nhắc nhở: “Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch”.

Ngày 7/5/1959, Bác đã cùng các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu, Phạm Ngọc Thạch lên thăm Tây Bắc nhân kỷ niệm 5 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong bài nói chuyện tại cuộc mít tinh ở Châu Thuận, Bác ân cần dặn dò đồng bào đoàn kết “diệt hết giặc đói và giặc dốt, quét sạch hết bọn phá hoại, làm cho mọi người no ấm, đều biết chữ, làm cho mọi người đều được hưởng hạnh phúc, yên vui”. Hầu như lá thư, bài nói chuyện nào, Bác cũng nhấn mạnh vấn đề đoàn kết các dân tộc, cùng nhau chung sức đồng lòng xây dựng Tây Bắc giàu đẹp.

Trải qua những năm tháng chiến tranh gian khổ trước đây và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay, quân và dân Tây Bắc luôn tin tưởng, khắc ghi mãi những tình cảm và lời dặn dò của Bác; nguyện bảo vệ, giữ vững và phát huy thành quả cách mạng của cha ông, quyết tâm xây dựng Tây Bắc ngày càng giàu đẹp, đổi mới, ấm no và hạnh phúc.

MINH KHAI

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.