Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 11:45:57

Tôi yêu màu xanh hậu cần

Ngày đăng: 18/05/2020

QK2 – Tôi là con người sinh ra trong thời bình, cái thời mà tiếng bom tiếng đạn đã lùi đi rất xa. Tất cả những gì tôi biết là lời kể của ông nội, qua những cuốn sách lịch sử mà hằng ngày tôi vẫn mang đến trường, qua lời dạy trong trẻo và đầy hào hứng của cô giáo, qua tiếng nói dõng dạc của chị phát thanh viên trên truyền hình. Tôi thấy ông cha ta thật kiên cường, tài giỏi, dân tộc ta thật anh hùng!

Tôi yêu màu xanh. Có lẽ từ khi sinh ra, thứ tôi được nhìn thấy nhiều nhất là cây cối, hoa lá. Màu xanh trong tôi có lẽ là thế. Mà con gái yêu màu xanh cũng là chuyện bình thường thôi. Nhà tôi trên một sườn dốc nhỏ, sát ngay một quả đồi trên vùng đất nghèo của huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Tôi lớn lên chủ yếu nhờ vào nương rẫy, vào từng củ sắn, cây lúa. Màu xanh trong tôi không chỉ là màu xanh tự nhiên, mà nó là màu xanh của những người lính bước đi những bước nặng nhọc nhưng lại vô cùng mạnh mẽ đầy uy lực. Tôi nhìn thấy những màu xanh biết di chuyển đó lần đầu khi đi làm rẫy cùng mẹ, rồi sau đó thấy đi qua trước cổng nhà mình. Nhiều cũng thành quen nhưng không bao giờ thấy chán. Nắng hay mưa, lạnh hay nóng, màu xanh ấy có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, rất bí mật, nhiều khi im lặng đến lạ thường, nếu không kết hợp tai, mắt thì không thể phát hiện được vì nếu chỉ dựa vào thính giác hay thị giác đơn thuần.

Có đợt tôi ốm, phải nhập viện nhiều ngày mà sao tôi thấy nhớ màu xanh ấy quá, cố gắng ăn thật nhiều, uống thuốc đúng giờ, ngoan ngoãn nghe lời bác sĩ để được về nhà thật mau chóng để có thể đứng trước sân, lên rẫy nhìn những con người ấy đi lại và làm việc. Dần dần, hình ảnh những anh bộ đội trở thành một cái gì đó quen thuộc, thân thương trong tôi.

Ngày qua ngày, các anh bộ đội như là một phần sắc màu trong cuộc sống của một đứa con gái mới lớn như tôi. Đó là những anh bộ đội công binh. Tôi cũng không rõ bộ đội công binh là làm những cái gì, nhưng nghe mọi người nói rằng bộ đội công binh là làm những công việc lên quan đến đất cát gì đó. Nhiều lúc tôi cũng muốn đi theo vào xem những nơi các anh ấy ở, xem các anh làm việc hằng ngày nhưng mình là con gái, tính hay e thẹn, mà tôi nghĩ các anh ấy chắc cũng chả cho mình vào, vì bộ đội mà, bộ đội thì liên quan đến quốc phòng, mà quốc phòng thì hoàn toàn bí mật. Một người dân như mình làm gì có nhiệm vụ gì mà vào đó được. Nói vậy nhưng trong lòng tôi vẫn luôn khao khát pha chút sự tò mò.

Tôi đi làm nương, khi nhìn sang khu đồi bên cạnh tôi hay thấy bóng dáng những anh bộ đội đang miệt mài chặt củi. Người kéo, người chặt, người buộc. Tất cả đều chăm chỉ. Thi thoảng các anh ấy lại nói một câu chuyện gì đó rồi tất cả cười ồ lên. Hoá ra, bộ đội nhà ta vui tính thật, con người mà, cũng phải có lúc vui chứ. Chẳng nhẽ khuôn mặt lúc nào cũng nghiêm túc, lạnh lùng hả. Mẹ tôi bảo đó là những anh bộ đội hay đi lấy củi là bộ đội hậu cần. Mà công nhận bộ đội hậu cần chăm chỉ thật, từng cành cây nhỏ hay lớn, nhũng thứ tưởng chừng như vô ích với đất rừng núi quê tôi, các anh đều nhặt, bó lại thành những bó củi lớn nhỏ gọn gàng xinh xắn. Tôi cũng dần hiểu bộ đội hậu cần là một bộ phận nhỏ của một đơn vị gọi là Tiểu đoàn công binh nơi đây. Tôi cũng nhận ra rằng bộ đội hậu cần là những anh bộ đội được lắp thêm bàn tay của một đứa con gái sao mà khéo léo và siêng năng đến vậy.

Khi mùa sắn tới, tôi giúp mẹ đi đào sắn. Có hôm nhỡ tay xếp sắn vào bì nhiều, nặng quá chả vác được, các anh đi lần nào cũng giúp tôi mang về tận nhà rồi mới quay lại mang bó củi khổng lồ của mình về đơn vị. Mùa gặt đến, trên những thửa ruộng nhỏ bé chật hẹp sát chân núi, lúa chín vàng ươm nặng trĩu. Ngày mai, đài báo cơn bão số 3 sẽ đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc gây mưa to, gió giật, vùng núi có thể xảy ra lũ quét, lũ ống và sạt lở đất. Trước khi bão đổ bộ, người dân trong bản chạy đua với thời gian, thu hoạch lúa, rau màu thật khẩn trương. Trên ruộng lúa, ruộng ngô, nương khoai…, màu áo xanh cũng đang vội vàng. So với dân bản, các anh đúng là những vận động viên. Tuổi trẻ và lòng nhiệt huyết, các anh bộ đội hăng say giúp đỡ người dân thu hoạch rau màu tránh bão. Trên những mái nhà lá, các anh đang giúp mọi người gia cố lại, chống vách để chống lại cái miệng gió thổi kinh khủng của cơn báo mỗi khi nó đi qua.

Nhà tôi có 3 anh bộ đội đến giúp bố tôi buộc lại mái fibro xi măng, lợp lại cái chuồng bò. Có một anh bộ đội khá là trẻ. Anh ấy tên là Linh, rất vui tính. Anh vừa buộc dây thép vừa giới thiệu bản thân. Anh quê ở Phú Thọ, anh đi bộ đội đến nay cũng là năm thứ 10 rồi. Anh Linh là sĩ quan chỉ huy ở đây, được phụ trách một nửa khu vực thôn Ba Soi từ Đập Khe Quất trở vào. Nhà tôi trồng nhiều rau muống, khoai lang quá, mẹ tôi cắt về chạy bão mà chả biết ăn kiểu gì. Anh Linh thấy vậy xin nhận bộ đội ăn giúp. Anh cũng giới thiệu anh là người phụ trách hậu cần ở trong đơn vị. Tốt quá, vậy là không lo rau sạch khoai ngon không có người ăn nữa rồi. Mùa mưa nào cũng vậy, trước bão các anh giúp dân bản, trong mưa các anh luôn túc trực đề phòng xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất ở ngũng nơi nguy hiểm nhất, sau mưa cũng thấy các anh đi dọn dẹp các cành cây đổ, phát dọn lại cây cối. Anh Linh phụ trách đội hậu cần. Tôi thấy bộ đội hậu cần luôn là những người đi sớm và về sau cùng. Lương thực, thực phẩm luôn sẵn sàng và cả thuốc nữa. Tôi nhớ mùa mưa vừa rồi, mưa dài ngày, các anh bộ đội hậu cần đi từng nhà giúp người dân làm sạch nước để có nước sinh hoạt. Ở nhà tôi, anh nói với tôi rằng anh có phép thuật. Mình cũng ngây thơ cơ, chậu nước đang đục như vậy chả hiểu anh hô biến kiểu gì bỗng trở lên trong veo, chỉ đục tí phía dưới đáy. Anh đưa cho bố mẹ tôi lần thì viên, lần thì túi và dặn dò cách sử dụng. Tôi cứ nghĩ đó là thần dược.

Thời gian cứ thế trôi đi, tôi dần lớn và trưởng thành, các anh bộ đội vẫn ở đây, năm này qua năm khác hết lòng giúp đỡ dân bản, giúp đỡ gia đình tôi. Các anh mang tình cảm, ánh sáng của khoa học kĩ thuật tiên tiến, hiện đại đến với nơi núi rừng. Các anh giúp đỡ người dân, giúp đỡ gia đình tôi phát triển kinh tế, xoá bỏ những phong tục, hủ tục lạc hậu. Anh Linh hậu cần là người đi đầu mang “ánh sáng” của sự đổi mới nền nông nghiệp trồng trọt và chăn nuôi. Người dân ở đây chủ yếu là dân tộc ít người, trồng trọt và chăn nuôi theo kinh nghiệm lạc hậu. Những ngày cuối tuần mà tôi nghe các anh bộ đội nói rằng những ngày dân vận – Đó là những ngày sự lạc hậu không còn chỗ để tồn tại trong cuộc sống hằng ngày của chúng tôi. Các anh bộ đội chỉ cho chúng tôi kĩ thuật cải tạo đất, kĩ thuật chăm sóc và trồng cây ăn quả, kĩ thuật nuôi lợn, bò, dê, gà…, kĩ thuật phòng trừ bệnh. Thì ra, khi làm đất, phải nhặt kĩ cỏ dại, nhất là các loại cỏ như thài nài, cỏ ranh… Giun đất rất có ích, không phải chúng gây hại cắn rễ cây như mọi người thường nghĩ. Khi trồng cây phải bảo đảm mật độ, không phải cứ trồng dày là được ăn nhiều. Nghĩ như vậy là hoàn toàn sai lầm. Cây ăn quả thường xuyên phải tỉa cành, tạo độ thông thoáng cây mới không bị bệnh và quả mới to. Chăn nuôi gà, vịt, trâu, bò phải thường xuyên chăm sóc, chống nóng, lạnh, giữ gìn vệ sinh, cho ăn no đủ và cân đối chất dinh dưỡng thì chúng mới mau lớn. Khi chúng bỏ ăn thì có thể đã bị mắc bệnh. Đó là do nấm, vi khuẩn, vi trùng và virus gây ra chứ không phải là do quỷ làm hay ma ám. Lúc đó việc cần làm là gọi bác sỹ thú y địa phương đến chẩn đoán và phòng dịch chứ không phải là thầy mo, thầy cúng chữa được. Các anh dạy dân bản nhiều lắm, hay lắm. Anh Linh nói rằng đó gọi là các kiến thức khoa học. Bộ đội ai cũng phải biết phải học đặc biệt là bộ đội hậu cần để còn tiến hành tăng gia sản xuất. Nghe lời các anh bà con làm theo, mùa thu hoạch sau năng suất hẳn lên.

Có anh tên Quân làm y tế trong bộ đội cũng thường xuyên dặn dò người dân cần giữ gìn sức khoẻ, vệ sinh cá nhân, nhà cửa, phát dọn xung quanh nhà cửa để phòng tránh các bệnh thông thường. Vừa rồi, nghe đài nói, các anh bộ đội cũng nói, anh Linh rồi anh Quân cũng nhắc nhở bà con thế giới và Việt Nam đang có dịch bệnh khó thở, tôi không nhớ rõ tên chuẩn của bệnh đó là gì, đại khái là như vậy. Các anh nói mắc bệnh đó sẽ sốt, khó thở, đau… Bà con cũng hơi hoang mang nhưng cũng khá là chủ quan. Các anh bộ đội cũng nhắc bà con cần thường xuyên giữ gìn vệ sinh cá nhân cho sạch sẽ, hạn chế tiếp xúc ra ngoài, nên đeo khẩu trang che kín mũi miệng, đừng nên bi quan hay chủ quan điều gì … Có các anh ở đây, dịch đến mấy bà con cũng chẳng sợ. Thế mới biết, bà con ở đây được bộ đội dành bao nhiêu tình cảm. Bà con, từ cụ già cho đến trẻ nhỏ ai cũng nhớ bộ đội có cái bụng, cái bụng của bộ đội tốt lắm. Bộ đội hậu cần chu đáo, toàn diện lắm. Bộ đội như là chỗ dựa tin cậy của nhân dân. Đối với riêng tôi, tôi đã nói rồi đó, tôi yêu màu xanh và tôi yêu hai chữ hậu cần vì sự chu đáo, siêng năng, khéo léo, hiểu biết và đặc biệt có cái bụng rất tốt và vì một điều nữa: Trong đó có tên anh, tôi trót thương anh mất rồi!

Cái ước nguyện được vào xem nơi các anh ở của tôi cũng được thành hiện thực. Tuy chỉ được đi thăm và quan sát những nơi được cho phép nhưng là con con gái tôi cũng phải công nhận: Tôi thua các anh bộ đội rồi. Nơi các anh ở thật đẹp, gọn gàng và sạch sẽ. Hoa nở khắp vườn, chậu hoa rực rỡ sắc màu. Cái chăn vuông đét, cái gì cũng đồng bộ và giống như nhau, trăm người như một. Các anh có vườn rau xanh mướt. Có rất nhiều loại rau, từ rau ăn lá, rau thơm, củ và cả quả. Tất cả đều tươi tốt. Một giàn bầu sai quả lúc lỉu, giàn su su quả nhiều hơn lá, giàn gấc rực đỏ như những mặt trời nhỏ trên nền lá xanh biếc… Và hướng dẫn viên du lịch không là ai khác mà vẫn là anh – Linh. Anh vừa đi, vừa chỉ cho tôi. Theo sau bóng dáng cao và gầy của anh Linh, tôi đứng trước một bể nước. Đã ở đây nhiều năm, tôi biết trên cái đất Lào Cai này, một giọt nước là vô cùng quý giá. Với nhiều người như thế này, việc bảo đảm nước sạch cho ăn uống, sinh hoạt và làm viêc là rất khó khăn. Tuy nhiên, nó rèn luyện cho bộ đội ta đức tính rất tốt đó là cần và kiệm – Anh Linh nói. Trước mặt tôi ngoài bể nước ra phía trên là cả một hệ thống các bể lọc để lọc ra những giọt nước phục vụ cho cuộc sống. Khi học môn Hoá học, cô giáo cũng giới thiệu cho tôi biết hệ thống lọc nước kiểu này nhưng tôi không nghĩ hôm nay lại được nhìn tận mắt như vậy. Và tôi cũng hiểu thần dược mà anh Linh biểu diễn ảo thuật với tôi mùa mưa năm trước là Cloramin B và lá mùng tơi.

Các anh bộ đội, bộ đội hậu cần ơi, em biết cuộc sống của các anh nơi vùng cao này đầy những gian lao, khó khăn và vất vả nhưng các anh luôn cố gắng vượt qua. Các anh đã hi sinh tuổi trẻ, thanh xuân của mình vì Tổ quốc. Ngay từ khi được vào doanh trại của các anh cho đến khi ra về, tôi vẫn luôn nhìn mãi vào tấm pano treo trước cổng: “Bộ đội hậu cần làm theo lời Bác Hồ dạy”. Những gì các anh làm và thể hiện rất xứng danh là Bộ đội Cụ Hồ. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, siêng năng, chăm chỉ, tài giỏi, thân thiện, yêu thương, giúp đỡ nhân dân. Các anh sống một cuộc sống thật vô tư, lành mạnh, giản dị và kỉ luật. Tôi mãi yêu họ và cũng rất thương họ, trong đó có anh ấy. Chàng trai tên Linh.

CAO THÁI SƠN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.