Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 06:24:07

Xuân đang tự sáng

Ngày đăng: 26/01/2017

Vượt qua màn mây đen đặc của bầu trời miền Trung, chiếc máy bay như con én bạc sải cánh khoan thai giữa không trung mênh mông nắng rồi từ từ hạ độ cao. Tiếng ai đó nói nghe như hát: “Vào Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu rồi!”. Tôi nhoài người ra phía cửa sổ máy bay, đưa ống kính máy ảnh sát tấm kính trong suốt rồi cài chế độ tự động. Hàng trăm khuôn hình đẹp như tranh thủy mặc hiện về trong khoảnh khắc.

Ảnh minh họa. Nguồn: vietravel.com 

Ảnh minh họa. Nguồn: vietravel.com

Từ độ cao 2.000 mét, hành khách nhìn rõ hình ảnh vùng sông nước Nam Bộ và thành phố thân yêu hiện lên rực rỡ dưới nắng Xuân hồng. Những con đường, cây cầu, cao tốc hiện đại…, những tòa nhà nguy nga như những chấm sáng tô điểm cho bức tranh quê hương, phố thị đa sắc màu. Đặc biệt, trên các tuyến sông: Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Soài Rạp… và những dòng kênh lớn: Tàu Hủ, Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Vĩnh Long… xuồng, ghe chở hoa Tết của dân thương hồ miệt vườn sông nước Cửu Long tụ hội về các bến.

Năm nay người trồng hoa phương Nam được mùa, được giá, bù lại vụ lúa và nuôi trồng thủy sản thất bát do đại hạn kéo dài từ giữa năm. Sắc hoa muôn màu rực cả khúc sông, trên bến dưới thuyền, tạo nên khung cảnh ấm áp, an nhiên đầy xúc cảm và nghệ thuật, rất hiếm để bắt gặp ở những thời điểm khác trong năm. Một nữ hành khách thốt lên: “Xuân đang tự sáng!”. Tôi quá ấn tượng với câu nói đầy tính ngẫu phát ấy, bèn hỏi chuyện làm quen. Chị là Thu Hà, giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Chị Hà sinh ra và lớn lên ở Cần Thơ, về làm dâu Thủ đô. Năm nay chị dẫn con về ăn Tết ở quê ngoại. Chị bảo, quê hương Nam Bộ với hệ thống sông, kênh, rạch dọc ngang chằng chịt và những người dân cần cù lao động, lòng yêu nước nồng nàn, phong cách sống hào hoa, nghĩa tình… đã thấm vào hồn cốt, máu thịt, tạo nên cốt cách con người, dù trong đường đời lập nghiệp, mưu sinh, mình có sống ở đâu, cái chất ấy vẫn không phai màu…

Đúng là mùa xuân đang tự sáng! Tết Đinh Dậu 2017 đang tỏa sáng những giá trị từ truyền thống ngàn đời của cha ông, tiêu biểu là lòng nhân ái sẻ chia, lá lành đùm lá rách, để nhà nhà, người người đều có Tết. Từ những vùng bị thiệt hại nặng nề do lũ lụt ở khúc ruột miền Trung đến bà con nghèo ở vùng sâu, vùng xa, quân, dân nơi biên giới, hải đảo… đều nhận được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cấp, các ngành, sự hỗ trợ thắm tình nhân ái của quân, dân cả nước…

Đào, mai đã khoe sắc trong từng nếp nhà. Những chuyến hàng từ thiện, những chương trình hoạt động xã hội chăm lo Tết cho đối tượng chính sách, người nghèo… đã về đến tận hộ gia đình. Hàng vạn vé xe miễn phí cùng những chuyến xe nghĩa tình đưa công nhân, sinh viên nghèo về quê ăn Tết đã đến đích. Hàng nghìn ngôi nhà tình nghĩa, nhà tình thương đã kịp khánh thành cho đối tượng chính sách, quân nhân hoàn cảnh khó khăn, người nghèo có nhà mới đón Tết ấm áp…

Ngắm đất nước vào Xuân hối hả, thanh bình từ không trung, lại nôn nao lòng dạ nhớ về những tháng năm gian khó, hy sinh. Giữa bức tranh mùa xuân rực rỡ sắc màu ấy, ta thấy rõ từng nghĩa trang liệt sĩ. Máy bay càng xuống thấp, những địa chỉ tâm linh, tri ân “uống nước nhớ nguồn” lại càng hiện rõ. Giữa cao xanh trong vắt, từng làn khói nhang trên các nấm mộ đan quyện vào nhau, tạo thành những vệt khói mờ như làn sương trắng đục tỏa dưới cánh bay. Tết đoàn viên, muôn phương con Lạc cháu Hồng trở về cội nguồn ăn Tết, ai cũng có ước vọng được vào Lăng viếng Bác Hồ, tìm đến các đền thờ, tượng đài Bác kính yêu khắp nơi trên đất nước dâng hương, dâng hoa báo công với Bác. Trước lễ tất niên là những ngày tảo mộ. Con cháu về quê cha đất tổ viếng mộ tiên tổ, ông bà; thế hệ hôm nay vào các nghĩa trang viếng mộ các anh hùng liệt sĩ, những người có công với nước. Màu quân phục, màu khăn quàng đỏ, màu của sắc hoa vạn thọ và muôn vẻ trang phục người dân Việt hội tụ về các nghĩa trang…

Một nén nhang được thắp lên là một lời tri ân thành kính! Một khoảng lặng trước anh linh người đã khuất là một lần người đang sống thành tâm hướng thiện, báo đáp đức hy sinh. Ngày Tết cũng là thời khắc để mỗi người gạt bỏ lo toan, tham, sân, si, để tự sáng những giá trị nhân văn cao đẹp. Đất nước phồn thịnh, mùa xuân trường tồn chính từ những nghĩa cử vun gốc rễ cho cây lá vươn chồi nảy lộc như thế!

Dịp Tết, bầu trời nhộn nhịp hơn những cánh bay, đưa bà con Việt kiều khắp năm châu hồi hương đất mẹ. Trong dòng người đoàn tụ, có nhiều bạn bè quốc tế. Họ là những chuyên gia, trí thức, những du học sinh người nước ngoài, đã chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai. Tại lễ hội Thành phố Hồ Chí Minh phát triển và hội nhập, dành cho người nước ngoài ở Thành phố mang tên Bác Hồ, bạn bè quốc tế được trải nghiệm, hòa mình vào Tết Việt, để cùng thấm đẫm văn hóa Việt, tinh thần Việt, cốt cách Việt.

Lễ hội “Xuân quê hương” chào đón kiều bào về quê đón Tết, tổ chức thường niên từ nhiều năm nay, đã trở thành một lễ hội văn hóa. Tết Đinh Dậu, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã vào Thành phố Hồ Chí Minh dự Lễ hội “Xuân quê hương” với bà con kiều bào. Trong không khí thắm tình đoàn kết, nhiều bà con lần đầu tiên về quê hương đón Tết sau nhiều năm xa cách, đã tâm sự với Chủ tịch nước rằng, họ rất bất ngờ và xúc động khi được chào đón trong vòng tay thân ái của tình quê hương. Sống ở xứ người từ lâu, mải mê làm ăn không có điều kiện về thăm quê, nghe những thông tin thiếu khách quan về tình hình đất nước từ một số đài, báo nước ngoài, họ đã không khỏi hoài nghi, lo lắng. Vậy nhưng khi được trực tiếp chứng kiến những đổi thay của đất nước, được hòa mình vào không khí Xuân quê hương, ai ai cũng cảm động, hạnh phúc dâng trào. Dù có đi trăm hướng ngàn phương cũng không đâu nồng ấm như chính đất nước mình. Tình cảm, ý thức nguồn cội và môi trường chính trị, kinh tế, xã hội thuận lợi ở quê hương đã khiến làn sóng tìm về nước đầu tư phát triển kinh tế của kiều bào ngày càng nhiều. Lượng kiều hối ngày càng tăng. Kiều bào khắp nơi trên thế giới là bộ phận khăng khít không thể tách rời của dân tộc. Càng hiểu về đất nước càng thêm yêu quê hương. Niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong lòng kiều bào ngày càng được củng cố, bồi đắp!

Bà Hương, một doanh nhân kiều bào khá thành đạt ở Béc-lin (Đức) kể rằng, ngay giữa lòng thành phố xa xôi này, ngọn lửa từ bầu nhiệt huyết Bộ đội Cụ Hồ vẫn cháy rực. Bà cùng nhiều kiều bào từng một thời xung phong vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu giải phóng dân tộc, đã kết lại dưới mái nhà chung Hội Cựu chiến binh Trường Sơn ở Béc-lin. Hội vừa là nơi sinh hoạt để anh chị em cùng nhau nuôi dưỡng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, vừa là cầu nối để thúc đẩy các hoạt động đầu tư, từ thiện hướng về quê hương. Gần nửa thế kỷ trôi qua, những chàng trai, cô gái mười tám, đôi mươi năm nào, giờ đã sang chân dốc bên kia đời người, nhưng hào khí của một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai…” thì vẫn thế, bất chấp quy luật hà khắc của thời gian.

Giáo sư Trần Ngọc Thêm, một trong những chuyên gia văn hóa hàng đầu, tâm sự với chúng tôi rằng, ý thức và lòng tự tôn dân tộc của người Việt Nam ta rất đáng ngưỡng mộ. Càng ở xa Tổ quốc, ý thức ấy càng cao. Thế nên có những gia đình, dòng tộc kiều bào, dù đã phát triển đến đời thứ tư, thứ năm, hậu duệ vẫn không quên gốc rễ. Dù trong hoàn cảnh nào, họ cũng biết cách tự tỏa sáng để khẳng định giá trị của người Việt. Bản sắc, truyền thống dân tộc là sợi bấc của ngọn đèn, giúp cho mỗi người tự sáng.

Đất nước ta đang trải qua giai đoạn khó khăn. Mà thực tế thì muôn đời nay, chưa có giai đoạn nào dân tộc mình hết thử thách. Con đường phát triển, hội nhập của dải đất hình chữ “S” bên bờ Biển Đông đã và đang phải đối mặt với nhiều phong ba, bão táp, nhưng ai ở trên con thuyền ấy cũng cảm thấy ấm lòng, vững tin. Lịch sử hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã chứng minh một chân lý, càng những lúc khó khăn, thách thức, dân tộc ta càng tỏa sáng tinh thần, khí phách và bản lĩnh…

Cơn lũ quét qua, trên đồng đất phù sa của bà con miền Trung, lúa vụ mùa đã mướt xanh màu mạ non. Các nếp nhà đã dựng lại trên nền đất cũ. Áo ấm, bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ… đã hiện hữu trong mỗi gia đình. Sẽ phải mất nhiều thời gian để hàng ngàn hộ gia đình bị thiệt hại do lũ lụt ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, nhưng những gì chúng ta được chứng kiến sức vươn dậy sau lũ của bà con từ sự tiếp sức, nguồn động lực của Đảng, Nhà nước và quân, dân cả nước, đã khẳng định niềm tin, quyết tâm, lòng nhân ái, nghĩa tình trong hai tiếng đồng bào!

Máy bay hạ cánh. Bước xuống cầu thang máy bay, dòng người phơi phới đón làn gió Xuân mát lành từ biển thổi tới. Tết đang về! Những nụ cười rạng rỡ, những lời hỏi han tíu tít, những vòng tay ôm nhau thật chặt của người thân đón người thân. Không khí Tết đoàn viên, sum họp không chỉ ở trong mỗi gia đình dưới làn khói hương trầm thơm ngát, mà ở ngay giây phút hội ngộ đầu tiên. Dù ở đâu, lúc nào, phút hội ngộ là tình thân tự sáng…

Đường băng thênh thang. Kết thúc một cuộc hành trình cũng là lúc bắt đầu một cuộc hành trình mới. Năm Bính Thân kết thúc cũng là thời khắc khởi đầu năm mới Đinh Dậu. Chúng ta vững tin theo Đảng, tương lai rộng mở như đường băng phía trước để đất nước, dân tộc cất cánh hội nhập. Trong thời khắc cuối cùng của năm cũ, chợt nhớ câu thơ được học từ mái trường phổ thông “Đời rạng rỡ mỗi con người tự sáng” (Tố Hữu). Xuân quê hương đã rạng rỡ trên mọi nẻo đường, góc phố trên đất nước thân yêu. Mỗi người dân nước Việt hãy tự bật một que diêm. Sợi bấc của ngọn đèn truyền thống tổ tiên, dân tộc và tương lai đất nước sẽ giúp ta tự sáng…

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top