Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 06:52:07

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi)

Ngày đăng: 23/05/2018

Chiều 22-5, tiếp tục chương trình kỳ họp, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận tại hội trường về một số nội dung trong dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi).

Trước đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, có một số ý kiến đại biểu đề nghị làm rõ về căn cứ quy định phòng thủ quân khu. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Võ Trọng Việt nêu rõ: Dự thảo Luật quy định phòng thủ quân khu là thể chế Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị. Mặc dù quân khu không phải là cấp hành chính, song có vị trí, vai trò chiến lược trong phòng thủ đất nước để bảo vệ từng vùng, miền, hướng chiến lược. Quân khu có chức năng, nhiệm vụ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ; giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý Nhà nước về quốc phòng trên địa bàn. Khi có chiến sự, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh quân khu lãnh đạo, chỉ đạo và chỉ huy thống nhất lực lượng vũ trang chiến đấu bảo vệ địa phương; đồng thời, quân khu mới có đủ lực lượng, phương tiện để thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng mà cấp tỉnh, cấp huyện không giải quyết được. Thực tế cho thấy các quân khu đã đóng góp quan trọng vào các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày báo cáo trước Quốc hội.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định “tình trạng khẩn cấp về quốc phòng” tại dự thảo Luật để phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và thống nhất với một số luật ban hành gần đây chỉ quy định về “tình trạng khẩn cấp”. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Võ Trọng Việt cho biết: Dự thảo Luật quy định “tình trạng khẩn cấp về quốc phòng” nhằm thể chế Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị; cụ thể khoản 13 Điều 70 Hiến pháp năm 2013; kế thừa Điều 31 Luật Quốc phòng hiện hành, thống nhất với Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, Luật Dân quân tự vệ năm 2009 và Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2014. Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp chưa điều chỉnh tình trạng khẩn cấp về quốc phòng. Thực tế cho thấy, các bộ, ngành, địa phương, lực lượng vũ trang đã xây dựng hệ thống văn kiện, kế hoạch và tổ chức huấn luyện, diễn tập về “tình trạng khẩn cấp về quốc phòng” là phù hợp.

Về bảo đảm tài sản phục vụ quốc phòng (Điều 32), một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn về việc quản lý và sử dụng đất quốc phòng, đất phục vụ quốc phòng để bảo đảm cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, khắc phục những vi phạm về quản lý và sử dụng đất quốc phòng. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Võ Trọng Việt nhấn mạnh: Dự thảo Luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc về quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó có đất quốc phòng. Những quy định cụ thể đã được Luật Đất đai năm 2013 và pháp luật có liên quan điều chỉnh.

Thảo luận về dự thảo luật, đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) bày tỏ sự nhất trí cao đối với dự thảo luật, cho rằng dự thảo luật đã được nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, phản ánh đúng quan điểm sửa đổi luật là tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Về nguyên tắc hoạt động của Bộ Quốc phòng (Điều 4), đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá cao dự luật đã lồng ghép tính bình đẳng về giới, thể hiện ở quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, do đặc điểm của Luật Quốc phòng là luật khung, làm cơ sở cho các luật chuyên ngành thuộc lĩnh vực quốc phòng như Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, Luật Công nhân và Viên chức Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ Quân sự, Luật Công an nhân dân, Luật Dân quân tự vệ… Do vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới trong nguyên tắc hoạt động quốc phòng vì đây là cơ sở quan trọng để cụ thể hóa được những quy định về bình đẳng giới trong các luật khác thuộc lĩnh vực quốc phòng.

Đại biểu tán thành về quy định kết hợp quốc phòng với kinh tế – xã hội và kinh tế – xã hội với quốc phòng (Điều 16) của dự thảo luật, cho rằng quy định này đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đại hội XII của Đảng về kết hợp quốc phòng với kinh tế – xã hội và kinh tế – xã hội với quốc phòng. “Dự thảo đã quy định nguyên tắc, chính sách lớn về sự kết hợp 2 chiều giữa quốc phòng với kinh tế-xã hội, thể hiện sự gắn kết xuyên suốt giữa hai lĩnh vực này, có sự thống nhất trong quản lý điều hành của Nhà nước, nhằm củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng và phát triển kinh tế-xã hội”, đại biểu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo đại biểu, nhằm tạo hành lang pháp lý để các bộ, ngành địa phương có cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện, khắc phục được những thiếu sót bất cập về sự kết hợp giữa quốc phòng với kinh tế – xã hội và kinh tế – xã hội với quốc phòng trong thời gian vừa qua, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung để cụ thể hóa một số chính sách. Đó là chính sách đặc thù riêng cho nam, nữ quân nhân công tác ở biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn; nghiên cứu việc mở rộng tuyển sinh, đào tạo đối tượng trong hệ thống giáo dục quốc phòng là nữ giới.

Đại biểu Tô Ái Vang phát biểu thảo luận.

Cùng quan tâm đến vấn đề kết hợp quốc phòng với kinh tế – xã hội và kinh tế – xã hội với quốc phòng, đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) thống nhất với quan điểm quân đội nên làm kinh tế quốc phòng, bởi lẽ quân đội làm kinh tế là thực hiện 3 chức năng: Là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất, đã được ghi vào các văn kiện Đảng, Nhà nước; được Đảng, Nhà nước, nhân dân, nhiều chuyên gia nước ngoài thừa nhận tính hiệu quả của quân đội khi tham gia lao động, xây dựng kinh tế gắn với quốc phòng-an ninh; hiện thực hóa quy định “dựng nước phải đi đôi với giữ nước” của dân tộc; là cụ thể hóa hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần làm ra của cải, vật chất để nâng cao đời sống cho bộ đội, tu bổ nơi ở, nơi làm việc, củng cố trận địa, thao trường, bãi tập, làm cho quân đội ta mạnh lên, góp phần củng cố tiềm lực quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Đại biểu dẫn chứng: Các đoàn kinh tế quốc phòng khu vực biên giới là những cán bộ, chiến sĩ sống cùng nhân dân, là lực lượng tuần tra biên giới, giúp các địa phương thực hiện phân giới cắm mốc, bảo vệ cột mốc đường biên, phối hợp với biên phòng các địa phương giữ gìn an ninh biên giới, tạo ra những khu tập thể tập trung ở khu vực biên giới, khi đất nước có chiến tranh thì đó là những khu phòng thủ để bảo vệ Tổ quốc. Hay là doanh nghiệp của lực lượng công binh xây dựng các hệ thống ngầm, các đường ngầm thủy điện phục vụ phát triển kinh tế; lực lượng hải quân ở Tân cảng đã góp phần trong xây dựng phòng thủ ở Trường Sa, họ vừa làm kinh tế nhưng sẵn sàng làm nhiệm vụ vận tải chiến lược trên Biển Đông. Hay Tổng công ty Bay hoạt động kinh tế lao động thường xuyên trên Biển Đông, trực tiếp khẳng định chủ quyền của đất nước trên Biển Đông, trực tiếp bảo vệ nhà giàn, giàn khoan dầu khí, hoạt động không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác, đạt hiệu quả cao về kinh tế, mang lại mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia láng giềng. Đó là Tập đoàn công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel) “đi tắt đón đầu”, với trình độ khoa học công nghệ quân sự tiên tiến, đã phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, trang bị vũ khí cho quân đội; hoặc nhà máy Z121 trực tiếp sản xuất sản phẩm quốc phòng, vừa phục vụ phát triển kinh tế, vừa làm nhiệm vụ quốc phòng…

Đại biểu tỉnh Sóc Trăng khẳng định: Phát triển kinh tế-xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng-an ninh và hoạt động đối ngoại là một trong những vấn đề có tính quy luật trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, khẳng định tính đúng đắn về lý luận và thực tiễn xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đại biểu Trần Văn Mão (đoàn Nghệ An) tán thành với quy định kết hợp quốc phòng với kinh tế – xã hội và kinh tế – xã hội với quốc phòng trong dự thảo luật, góp phần củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, theo đại biểu, trong thời gian qua, nội dung này cũng có những vấn đề cần quan tâm. Đó là, việc pháp luật đất đai không cho phép các tổ chức cá nhân nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Việt Nam, vì thế, các doanh nghiệp cá nhân nước ngoài đã thuê đất để thực hiện kinh doanh, thậm chí cả ở những vị trí nhạy cảm về quốc phòng-an ninh, gây hệ lụy nguy hiểm. “Vậy các dự án này đã đáp ứng được quy định về an ninh-quốc phòng hay chưa? Vấn đề kết hợp quốc phòng phù hợp với chiến lược về bảo vệ Tổ quốc như thế nào”, đại biểu đặt câu hỏi và cho rằng vấn đề này cần nghiên cứu, bổ sung cho cụ thể, phù hợp, chặt chẽ, bảo đảm an ninh-quốc phòng.

(Theo QĐND Online)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top