Thứ bảy Ngày 27 Tháng 04 Năm 2024, 10:02:57

Lực lượng vũ trang Quân khu trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc

Ngày đăng: 17/02/2019

QK2 – Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, cách mạng Việt Nam chuyển sang thời kỳ mới, thời kỳ tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong niềm hân hoan đất nước thống nhất, Lực lượng vũ trang Quân khu Tây Bắc vừa tham gia xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, tập trung khôi phục và phát triển kinh tế, nhanh chóng khắc phục hậu quả nặng nề do chiến tranh tàn phá; tập trung vào vùng biên giới, nơi xung yếu, vừa huấn luyện, công tác và sẵn sàng chiến đấu.

Ngày 30/4/1977, tập đoàn phản động Pôn pốt – Iêng Xa ri gây chiến tranh trên biên giới Tây Nam nước ta. Cuối năm 1977 và đầu năm 1978, tình hình biên giới phía Bắc diễn biến ngày càng phức tạp, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Quân khu khẩn trương xây dựng kế hoạch tác chiến phòng thủ và bảo vệ biên giới.

Để hoàn chỉnh thế bố trí chiến lược mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 21/6/1978, Quân khu 2 được thành lập  tách từ Quân khu 1 ra theo Sắc lệnh số 62/LCT của Chủ tịch nước. Theo đó, địa bàn Quân khu 2 gồm 5 tỉnh (ngày nay là 9 tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu), với diện tích 65.157km2; có đường biên giới chung với Trung Quốc dài 765,5km và Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào là 610km; là quân khu có vị trí chiến lược quan trọng trên hướng Bắc và Tây Bắc Tổ quốc.

Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quân khu dâng hương, hoa và viếng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia huyện Vị Xuyên, Hà Giang.

Ngay sau khi thành lập, Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Quân khu đã khẩn trương và chủ động triển khai những nhiệm vụ trước mắt và lâu dài; vừa xây dựng vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Quân khu đã tập trung chỉ đạo, thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách như: Phối hợp với các Tỉnh uỷ ra nghị quyết lãnh đạo, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho nhân dân và lực lượng vũ trang chuẩn bị mọi mặt đối phó với âm mưu, thủ đoạn của đối phương trên tuyến biên giới phía Bắc. Tập trung mọi nỗ lực để củng cố và xây dựng thế trận phòng thủ; khẩn trương rà soát lại quyết tâm tác chiến phòng thủ từ cấp cơ sở đến Quân khu. Củng cố kiện toàn ổn định tổ chức biên chế, tăng cường công tác huấn luyện chiến đấu; đồng thời xây dựng và phát triển lực lượng 3 thứ quân cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, tự vệ và dân quân du kích đáp ứng yêu cầu cuộc chiến đấu mới.

Ngày 17/2/1979, Trung Quốc tiến công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc của Việt Nam. Trên địa bàn Quân khu 2, đối phương đã huy động rất lớn về lực lượng và phương tiện, vũ khí, trang bị tiến công vào các tỉnh Lai Châu (nay là Điện Biên và Lai Châu), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai, Yên Bái) và Hà Tuyên (tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang ngày nay). Ngay khi bước vào cuộc chiến đấu, LLVT Quân khu đã kiên cường tổ chức trận địa phòng ngự, chống lại nhiều đợt tiến công của đối phương, nhiều trận đánh quyết liệt thể hiện cao độ tinh thần và ý chí quyết chiến quyết thắng của LLVT Quân khu trong chiến đấu giành giật từng điểm cao với đối phương. Góp phần vào thắng lợi của lực lượng vũ trang, nhân dân các tỉnh hăng hái giúp bộ đội tiếp tế vũ khí, đạn, trang bị và lương thực, thực phẩm, vận chuyển thương binh, tử sĩ… Trước sức tiến công và phản công mạnh mẽ của quân và dân ta, đồng thời bị dư luận tiến bộ trên thế giới phản đối lên án, từ ngày 05 đến ngày 18/3/1979, Trung Quốc tổ chức rút quân về bên kia biên giới; tuy nhiên họ vẫn chiếm giữ nhiều điểm cao và khu vực có giá trị quan trọng về quân sự trên khu vực biên giới. Tiếp đó, đối phương đẩy mạnh âm mưu phá hoại ta về nhiều mặt.

Từ cuối tháng 3/1979, chấp hành chỉ thị, mệnh lệnh của Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, cùng với cấp ủy, chính quyền các tỉnh, sự tích cực của cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang cũng như đồng bào các dân tộc, ta đã khắc phục, vượt qua khó khăn, từng bước làm thất bại các thủ đoạn phá hoại của đối phương, triển khai thế trận chiến tranh nhân dân phòng thủ bảo vệ Tổ quốc ngày càng vững chắc.

Từ tháng 4 năm 1984 đến tháng 1 năm 1987, các cuộc xung đột trên tuyến biên giới phía Bắc mang tính cục bộ, đối phương đẩy mạnh hoạt động tác chiến mức độ cao tập trung vào hướng Hà Giang. Trước những hành động của đối phương, Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo LLVT khẩn trương, tập trung mọi mặt cho các đơn vị phòng ngự trên hướng, khu vực trọng yếu, tổ chức lại các đơn vị LLVT, duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu và nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu.

Ngày 2 tháng 4 năm 1984, đối phương dùng hoả lực pháo binh bắn phá mật độ cao, ác liệt vào các điểm tựa, cụm điểm tựa của ta ở Vị Xuyên, Yên Minh tỉnh Hà Tuyên. Sau khi bắn phá, đối phương tổ chức đánh chiếm nhiều khu vực và điểm cao thuộc huyện Vị Xuyên, Hà Tuyên và chuyển vào phòng ngự, tăng cường xây dựng trận địa, tổ chức lại thế trận thành từng cụm cứ điểm lấn sâu sang đất ta, có chỗ tới 2km.

Trong giai đoạn này, LLVT Quân khu đã phối hợp với các đơn vị chủ lực của Bộ và địa phương tu sửa, nâng cấp các tuyến đường cơ động… Đến năm 1987, khu vực phòng ngự ở bắc Vị Xuyên đã trở thành một khu vực liên hoàn, vững chắc, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, có khả năng đánh bại các cuộc tiến công lấn chiếm của đối phương; đồng thời, tổ chức nhiều đợt tiến công, phản công đối phương, từng bước khôi phục lại các điểm tựa bị địch lấn chiếm ở bắc Vị Xuyên.

Đến tháng 3/1989, đối phương ngừng tiến công quân sự ở khu vực Vị Xuyên và từng bước rút quân khỏi một số điểm đã chiếm đóng. Lúc này, LLVT Quân khu tập trung phối hợp cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương củng cố thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, xây dựng tỉnh thành khu vực phòng thủ vững chắc theo tinh thần Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị. Xây dựng các đơn vị bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, phối hợp chặt chẽ với bộ đội biên phòng, tổ chức nhân dân địa phương đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm an ninh chính trị; đồng thời giúp đỡ nhân dân khôi phục sản xuất, làm tốt công tác hậu phương, chính sách quân đội và khắc phục hậu quả chiến tranh…

Qua 10 năm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, đặc biệt là cuộc chiến đấu căng thẳng, quyết liệt ở Vị Xuyên – Hà Giang, LLVT Quân khu  cùng với đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã tỏ rõ quyết tâm cao, dũng cảm chiến đấu hy sinh, vượt qua mọi khó khăn thử thách, anh dũng, kiên cường trong chiến đấu và giành thắng lợi, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biên giới, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Từ năm 1991 đến nay, quan hệ ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc chính thức được bình thường hóa. Thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Thường vụ Đảng uỷ – Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo các đơn vị phối kết hợp tốt với đơn vị và chính quyền các tỉnh biên giới của bạn tổ chức các hội nghị về đường biên hai nước theo quan điểm “bốn tốt”, cùng giữ vững an ninh chính trị, trật tự tuyến biên giới, tạo điều kiện cho hai nước phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng. Đồng thời, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội đối với thương binh và gia đình liệt sĩ, người có công; dò gỡ bom mìn trả lại màu xanh của hàng nghìn ha đất đai và phục vụ nhiệm vụ cắm mốc biên giới, tổ chức tìm và quy tập hàng nghìn mộ liệt sĩ… 

Chiến sĩ thuộc Bộ CHQS tỉnh Hà Giang tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại điểm cao 685.

Trong giai đoạn mới, LLVT Quân khu không ngừng phát huy truyền thống “Quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng và những bài học kinh nghiệm quý báu từ cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, tập trung xây dựng LLVT ba thứ quân vững mạnh, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tin cậy, trung thành của cấp ủy, chính quyền, nhân dân trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện đột phá về công tác tổ chức lực lượng, huấn luyện, xây dựng chính quy và chấp hành kỷ luật, xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu “tinh, gọn, mạnh, cân đối, đồng bộ”. Trong đó, đẩy mạnh xây dựng lực lượng thường trực theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, phù hợp với đặc điểm địa bàn. Coi trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bảo vệ chính trị nội bộ, kiên quyết không để xảy ra “tự diễn biến, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu, đảm bảo cho LLVT Quân khu có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống. Mặt khác, Quân khu tiếp tục phối hợp với các địa phương và lực lượng có liên quan, tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo tình hình liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục tham mưu cho các địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quốc phòng; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế – xã hội với quốc phòng, an ninh, đối ngoại; đẩy mạnh xây dựng khu vực phòng thủ theo quy hoạch, lộ trình đã xác định, nhất là trên địa bàn trọng điểm, biên giới… Bám sát quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, thực hiện tốt công tác đối ngoại quốc phòng, đóng góp tích cực vào củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với các địa phương bên kia biên giới nước bạn Lào, Trung Quốc, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, phát triển, tạo hành lang bảo vệ vững chắc các khu vực phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa… Cùng với đó, lực lượng vũ trang Quân khu tiếp tục phát huy vai trò xung kích, nòng cốt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đặc biệt, vận động quần chúng, tham gia xây dựng cơ sở chính trị, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai,… thiết thực xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó quân – dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc hơn nữa, tạo động lực, sức mạnh tổng hợp để LLVT Quân khu cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược trong giai đoạn mới.

               Thiếu tướng TRẦN NGỌC TUẤN                                              
Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Phó Chính ủy Quân khu 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.