Thứ bảy Ngày 27 Tháng 04 Năm 2024, 06:26:03

Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự

Ngày đăng: 18/12/2023

QK2 – Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng (CTQP) và khu quân sự (KQS) vừa được Quốc hội khoá XV thông qua tại kỳ họp thứ 6. gồm 6 chương 34 điều quy định về quản lý, bảo vệ CTQP và KQS; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; chế độ, chính sách trong hoạt động quản lý, bảo vệ CTQP và KQS.

Luật quy định rõ: Quản lý, bảo vệ CTQP và KQS là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, là trách nhiệm của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó Quân đội nhân dân làm nòng cốt. Kết hợp quản lý, bảo vệ CTQP và KQS với phát triển kinh tế – xã hội, gắn phát triển kinh tế – xã hội với quản lý, bảo vệ CTQP và KQS.

Bộ đội biên phòng Hà Giang phối hợp với các lực lượng tuần tra tăng cường công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự trên tuyến biên giới.

Quản lý, bảo vệ CTQP và KQS phải thống nhất theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt; bảo đảm bí mật, an toàn, đúng mục đích, công năng sử dụng, phù hợp với từng loại, nhóm CTQP và KQS.

Chính sách của Nhà nước trong quản lý, bảo vệ CTQP và KQS bao gồm: Bảo đảm nguồn lực cho quản lý, bảo vệ CTQP và KQS, ưu tiên địa bàn chiến lược, trọng điểm về quốc phòng, CTQP và KQS đặc biệt quan trọng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, phòng thủ bảo vệ Tổ quốc. Nhà nước có chế độ, chính sách phù hợp cho các lực lượng quản lý, bảo vệ CTQP và KQS; có chế độ, chính sách phù hợp để bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị tác động, ảnh hưởng do hoạt động quản lý, bảo vệ CTQP và KQS. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại vào hoạt động quản lý, bảo vệ CTQP và KQS.

Theo chức năng nhiệm vụ, mục đích sử dụng, CTQP và KQS phân thành 4 loại gồm: Loại A, loại B, loại C và loại D; đồng thời theo tính chất quan trọng và yêu cầu quản lý, bảo vệ, CTQP và KQS được phân thành 4 nhóm gồm: Nhóm đặc biệt, Nhóm I, Nhóm II và Nhóm III.

Luật Quản lý, bảo vệ CTQP và KQS cũng quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm như sau: Chiếm đoạt, chiếm giữ, lấn chiếm, xâm nhập trái phép; phá hoại, làm hư hỏng kiến trúc, kết cấu, trang thiết bị của CTQP và KQS; thu thập trái phép, chiếm đoạt, hủy hoại, làm lộ bí mật hồ sơ, tài liệu, thông tin CTQP và KQS; sử dụng trái phép, sai mục đích; chuyển mục đích sử dụng, phá dỡ CTQP và di dời KQS trái quy định của pháp luật; xây dựng, khai thác, đặt thiết bị làm ảnh hưởng đến kiến trúc, kết cấu, công năng sử dụng, an toàn, bí mật của CTQP và KQS; cản trở, chống đối việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng quản lý, bảo vệ hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ CTQP và KQS; lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao trong quản lý, bảo vệ CTQP và KQS để trục lợi, xâm hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Luật Quản lý, bảo vệ CTQP và KQS có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.

  VIỆT CƯỜNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.