Chủ nhật Ngày 28 Tháng 04 Năm 2024, 03:37:41

Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2023): Về vùng Đất lửa tri ân

Ngày đăng: 25/07/2023

QK2 – Tháng 7 – Tháng tri ân, Trung tướng Phạm Đức Duyên, Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Quân khu 2 cùng đoàn công tác đã trở về với mảnh đất lửa linh thiêng, huyền thoại Quảng Trị, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ. Tham gia đoàn công tác có Đại tá Khổng Đình Tám, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu. Đoàn đã tổ chức dâng hương, dâng hoa tri ân tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc…

Trung tướng Phạm Đức Duyên, Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Quân khu cùng đoàn công tác dâng hoa các Anh hùng liệt sỹ trên dòng sông Thạch Hãn.

Sau một hành trình dài nhưng không ai cảm thấy mệt mỏi bởi khi đặt chân đến đây, ai cũng thấy bồi hồi, xúc động, lắng đọng trong không gian linh thiêng bao trùm và dường như bất tử. Cả thị xã trầm mặc trong khói hương tiếc thương những người đã khuất. Tại nơi đây, hơn 50 năm về trước, ta và địch đã giằng co từng mét đất, từng ngôi nhà. Hàng nghìn chiến sĩ đã ngã xuống trong những trận chiến khốc liệt. Máu xương của các anh đã tan vào đất mẹ. Có lẽ cũng bởi linh hồn các anh đã hòa quyện với đất trời nên Thành cổ được ví như một nghĩa trang không có nấm mồ, chỉ có một đài tưởng niệm trung tâm được mô hình hóa thành ngôi mộ chung cho những người con đã anh dũng hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc.

Trong không khí trang nghiêm và xúc động, đoàn công tác đại diện cho thế hệ cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu hôm nay đã đặt vòng hoa, dâng hương và dành phút mặc niệm tưởng nhớ công lao to lớn của các Anh hùng liệt sỹ đã hi sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Vòng hoa mang dòng chữ "Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đời đời nhớ ơn Anh hùng liệt sỹ" hoà quyện giữa làn khói nghi ngút, từng người lặng lẽ thắp nén hương thơm thành kính dâng lên các Anh hùng liệt sỹ. Để có được ngày hòa bình, hạnh phúc hôm nay, biết bao máu xương của các lớp cha anh đã phải đánh đổi và mãi mãi nằm lại trên mảnh đất này. Họ đã nằm xuống tô thắm truyền thống bất khuất, kiên cường của dân tộc. Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng tên đất, tên người Quảng Trị đã đi vào sử sách.

Rời Thành cổ, chúng tôi đến với dòng sông Thạch Hãn, dòng sông đã đi vào huyền thoại gắn liền với chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị. Nơi đây, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng đã ngã xuống. Sông Thạch Hãn trở thành nơi an nghỉ vĩnh hằng của các anh. Đoàn công tác chúng tôi bơi thuyền ra giữa bến sông. Theo lời kể của bác lái đò, dòng sông này linh thiêng lắm “Vào mùa nước lũ, thường là tháng 7, tháng 8 hằng năm, sông Thạch Hãn trở nên dữ tợn. Ngày trước bộ đội ta vượt sông không chỉ đội bom đạn của giặc mà còn phải vật lộn với dòng nước xoáy. Nhiều người đã bị bom rơi, nước cuốn trôi… Đặc biệt, ngày 16/9/1972, ngày cuối cùng của 81 ngày đêm, sau khi nhận lệnh cấp trên cơ động toàn bộ lực lượng sang bờ Bắc của sông, hàng trăm chiến sĩ và thương binh sau nhiều ngày ngâm mình trong nước, đói rét đã không còn đủ sức để chống chọi với dòng nước lũ và nằm lại nơi đáy sông này". Chả thế mà giờ đây cạnh dòng sông Thạch Hãn lại có nhiều đài tưởng niệm như thế. Nhận đóa hoa Đăng, đồng chí Chính uỷ Quân khu thành kính thả trôi theo dòng nước. Đoá hoa trôi chầm chậm hoà chung tiếng chuông nguyện hồn như một lời nguyện cầu, gửi đến linh hồn những người chiến sĩ đã nằm lại trên dòng sông. Sông Thạch Hãn mềm mại hẳn đi khi từng bông hoa được các thành viên trong đoàn thả trôi theo dòng nước nó như một sợi dây vô hình kết nối giữa người đã mất và những người đang sống. Các thành viên trong đoàn, ai cũng xúc động, nghẹn ngào không ai bảo ai đều đứng nghiêm thực hiện nghi lễ chào điều lệnh.

“Đò lên Thạch Hãn,…ơi chèo nhẹ

Dưới sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”.

Tiếp tục hành trình, đoàn công tác đến với Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc – Những nơi quy tụ hài cốt của hàng vạn liệt sỹ đến từ nhiều vùng quê trên cả nước. Cả khu nghĩa trang là một màu trắng, màu trắng của những mộ phần, màu trắng của cái nắng gay gắt tháng tri ân, màu trắng của khói hương nghi ngút khiến lòng người không khỏi nghẹn ngào. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những đau thương mất mát để lại vẫn chưa thể xóa nhòa bởi hàng ngàn phần mộ liệt sỹ trải dài hun hút tưởng chừng như vô tận. Mỗi thành viên trong đoàn đều thành kính thắp hương, tưởng nhớ sự hy sinh lớn lao của lớp lớp cha anh, họ đã ngã xuống để giành lại độc lập cho dân tộc, thống nhất non sông đất nước. Chiến tranh đã qua đi, nhưng những giọt nước mắt biết ơn của thế hệ hôm nay vẫn không ngừng rơi trước tượng đài liệt sỹ. Tất cả trở thành nơi chiêm bái, dâng hương tưởng niệm các vong linh Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh. Mỗi thế hệ chúng ta hôm nay luôn nhớ ơn các Anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc. Sự hy sinh cao cả ấy đã tô thắm trang sử vàng chói lọi về truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc, giữ cho non sông gấm vóc mãi trường tồn.

Bài, ảnh: TRƯỜNG DŨNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.