Thứ ba Ngày 30 Tháng 04 Năm 2024, 05:33:55

Hồi sinh sự sống nơi dải đất biên cương

Ngày đăng: 07/11/2023

Bài 2: Lên núi săn… “tử thần"

Đã 7 giờ 30 phút, bộ đội trang bị đầy đủ, sẵn sàng đi thực hiện nhiệm vụ nhưng Thảo vẫn ngồi trầm ngâm bên chén trà nóng trong lán chỉ huy, ánh mắt nhìn xa xăm. Tôi băn khoăn hỏi Thảo đang có điều gì trăn trở, sao vẫn chưa cho bộ đội đi thực hiện nhiệm vụ. Hướng ánh mắt về thung lũng mây trắng phía xa, Thảo nói:

– Gió đang thổi ngược Bắc, chỉ chút nữa thung lũng mây phía xa sẽ di chuyển về phía đơn vị. Đợi mây tan, bộ đội đi làm mới bảo đảm an toàn được anh ạ.

Chưa cảm nhận hết ý tứ trong câu nói của Thảo nhưng tôi không hỏi thêm mà lặng lẽ quan sát. Quả thật, chỉ độ 20 phút sau sương trắng ùn ùn kéo đến rất nhanh, phủ đặc cả đỉnh núi. Đứng cách khoảng chục mét là không nhìn rõ người. Đợi sương tan, mặt trời ló rạng, đoàn quân bắt đầu rùng rùng di chuyển đi bắt “tử thần” trong lòng đất.

Tính theo đường chim bay thì từ doanh trại đơn vị tới điểm cao 845 dài chưa tới 2km nhưng lên được đến đỉnh núi lại là một hành trình gian nan. Bộ đội phải đi xuống phía thung lũng, vượt qua con suối. Nước suối ngập sâu, đá lởm chởm. Các chiến sĩ vừa đi, vừa dò từng bước. Tuy nhiên, khó khăn hơn là vượt dốc lên đỉnh núi. Đất Hà Giang, đá chồng đá. Đá rất sắc, chỉ sơ ý quệt tay chân vào cạnh đá là đứt da chảy máu ngay. Đã vậy, đường lên đỉnh 845 có đoạn rất dốc, bộ đội phải bò bằng cả chân và hai tay. Vừa đi, Thảo vừa nhắc các chiến sĩ bước chân phải bình tĩnh, chắc chắn, tránh trượt ngã hoặc vấp phải đá để lăn về phía sau. Người đi sau bước theo bước chân người đi trước, đây là nguyên tắc bất di bất dịch của bộ đội công binh trong thực hiện nhiệm vụ rà phá bom, mìn, vật liệu nổ. Đến bây giờ tôi mới hiểu hết ý câu nói ban nãy của Thảo. Vượt dốc núi mà gặp sương mờ ẩm ướt, vừa hạn chế tầm nhìn lại dễ trơn trượt gây nguy hiểm.

Gần một giờ đồng hồ vượt suối, trèo đèo, lên tới điểm cao 845, các chiến sĩ đều ướt đẫm mồ hôi. Sau khi quán triệt nhiệm vụ, chỉ huy bộ đội về các vị trí rà phá bom mìn, Thảo quay lại giới thiệu với chúng tôi, lần đầu đặt chân lên điểm cao, bộ đội phát hiện thấy những khóm gừng mọc tươi tốt. Nhiều ý kiến cho rằng, khóm gừng xanh tốt chắc hẳn có bàn tay chăm bón của người dân, như vậy nơi đây hẳn là khu đất sạch, dễ dàng thực hiện nhiệm vụ.

Trung tá Nguyễn Văn Thảo (thứ 2 từ phải sang) hướng dẫn bộ đội rà phá bom, mìn, vật nổ.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm rà phá bom mìn ngoài thực địa và trực giác nhạy cảm của người chỉ huy, Thảo chấn chỉnh ngay tâm lý chủ quan của bộ đội, nhắc mọi người càng phải cẩn trọng hơn. Quả thật, khi rà phá mở đường mọi người mới tá hỏa, đây không phải bãi trồng trọt của người dân mà là trận địa, được cấu trúc hoàn chỉnh gồm hầm trú ẩn, giao thông hào, ụ súng, hầm cá nhân, khu vực bếp nấu ăn… Chúng tôi đang trò chuyện thì nhận được thông báo Thượng úy QNCN Lê Tuấn Anh phát hiện một ổ mìn và lựu đạn.

Đứng từ xa quan sát, chúng tôi thấy Tuấn Anh tập trung cao độ, đôi tay uyển chuyển, nhẹ nhàng dùng thuốn chọc xuống lớp đất, sau đó, dùng xẻng hớt từng lớp đất mỏng mỗi lần khoảng 1cm, dần lồ lộ ra lổn nhổn lựu đạn lẫn mìn. Ngay tại thời điểm đó, tai tôi ù đặc, không gian như im lặng, quánh lại. Tuấn Anh nhẹ nhàng nâng từng quả lựu đạn ra khỏi lòng đất. Mỗi lần nhấc một quả, anh lại sử dụng chiếc vam nhỏ trong túi công tác bên cạnh sườn vô hiệu hóa chốt nổ. Bất chợt có quả mìn MN-79 hiện ra, nét mặt Tuấn Anh vốn đã căng thẳng lại càng trở nên nghiêm trọng. Mồ hôi túa ra, mặt ướt như giội nước. Quan sát tình hình, Thảo nhẹ nhàng lại gần, một mặt động viên Tuấn Anh, đồng thời, sử dụng các dụng cụ vô hiệu hóa quả mìn.

Sau hơn một giờ đồng hồ rà phá liên tục, Thảo và Tuấn Anh vô hiệu hóa 26 quả lựu đạn cùng 20 quả mìn MN-79. Về vị trí giải lao, Tuấn Anh và Thảo bỏ mũ bảo hiểm ra, mặt đỏ như gấc, tóc ướt đẫm mồ hôi. Tôi hỏi cảm giác của hai người. Họ tươi cười nói rằng, dù đã trải qua hàng nghìn lần dò gỡ mìn, nhưng mỗi lần lại có nỗi lo, kịch tính không giống nhau. Lần này thì đặc biệt nguy hiểm. Trải qua phong hóa hàng chục năm nhưng nhiều quả lựu đạn và mìn vẫn còn rất mới, chỉ cần bất cẩn, sơ suất một chút là mất cả tính mạng.

– Mỗi lần gỡ mìn là một lần đối mặt với “tử thần”, khi đó Thảo nghĩ gì? – Tôi hỏi thêm.

– Mỗi lần chạm phải mìn tôi đều thấy lạnh sống lưng. Có lẽ, nỗi lo sợ làm tôi tỉnh táo, bắt tôi phải bình tĩnh suy nghĩ hơn. Đã có những đồng đội của tôi khi thực hiện nhiệm vụ bị tai nạn mìn nổ, cụt chân, tay, mù mắt và cả hy sinh nữa. Gian khổ, hiểm nguy là vậy, nhưng nếu mình từ chối, công việc sẽ dành cho ai? – Thảo nhẹ nhàng đáp.

Hơn 15 giờ, gió lạnh, sương dần kéo xuống hạn chế tầm nhìn, rừng núi dần trở nên thâm u, Thảo lệnh cho bộ đội thu dọn đồ đạc về doanh trại. Trên đường xuống núi, Thảo khẽ nói với tôi:

– Ở đây, khi đi rà phá gặp cả ổ mìn, lựu đạn diễn ra khá thường xuyên. Mới thực hiện nhiệm vụ hơn 3 tháng, rà phá trên diện tích rất khiêm tốn mà đơn vị đã rà phá được hơn 1.000 quả mìn, lựu đạn các loại. Chiến trường nơi đây quá ác liệt. Thời gian tới là những ngày dài nguy hiểm của tôi và các đồng đội.

Sương lạnh tràn xuống nhanh, trời âm u. Dự báo đêm nay có mưa…

Bài, ảnh: HÀ AN – MINH CHÂU

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.