Thứ ba Ngày 30 Tháng 04 Năm 2024, 12:46:23

Hồi sinh sự sống nơi dải đất biên cương

Ngày đăng: 08/11/2023

Bài 3: Hội chứng ám ảnh tiếng nổ

Mưa rừng tạt liên hồi như muốn xé toạc những tấm bạt ni-lông che phủ lán tạm của các đội rà phá vật cản Sư đoàn 316 đang đóng quân trên lưng chừng núi xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Gió rít từng hồi lùa qua khe vách trống làm chúng tôi dù đắp chăn bông mà bàn chân vẫn cảm nhận lạnh giá. Hơn 1 giờ sáng nhưng Trung tá Nguyễn Văn Thảo, Đội trưởng Đội rà phá vật cản Sư đoàn 316 vẫn trằn trọc không ngủ. Hỏi ra tôi mới biết, không chỉ riêng Thảo mà đại đa số cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đều bị hội chứng ám ảnh tiếng nổ nên chỉ nghe tiếng sấm thì cũng giật mình, trong lòng cũng dấy lên cảm giác lo lắng, bất an.

4 giờ sáng, ngoài trời vẫn mưa rả rích, Thảo trở dậy ngồi trầm ngâm bên ấm trà nóng. Rừng núi tĩnh mịch. Nơi đây, ở những điểm cao còn biết bao trận địa, chứng tích của chiến tranh đã bị đất đá, cây xanh bao phủ. Từng mét đất, dưới rễ cây, hốc đá ẩn giấu bom, mìn, lựu đạn, vật nổ. Thời bình mà công việc rà phá bom, mìn của các chiến sĩ công binh nguy hiểm như những người lính trên chiến trường!

Khoác thêm chiếc áo, đi về phía Thảo, tôi hỏi chuyện:

– Thảo làm công việc nguy hiểm này, đã có lúc nào cảm thấy lo sợ không?

– 12 năm làm nhiệm vụ này, nói chưa có thời khắc nào lo sợ thì không đúng. Tôi bắt đầu từ năm 2011, tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Nơi đây từng là mặt trận ác liệt trong chiến tranh, lượng bom, mìn, vật nổ sót lại trong lòng đất vô cùng lớn, nhiều chủng loại. Nếu quá trình xử lý không cẩn trọng, có thể phải trả giá bằng tính mạng.

Chợt nét mặt Thảo ngưng lại để những kỷ niệm ùa về. Thảo xúc động kể:

– Lần đầu bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ cũng là lần tôi được trải nghiệm cảm giác “chết hụt”.

Năm đó, vùng đất mà đơn vị Thảo đảm nhiệm rà phá bom, mìn, vật nổ tại một địa phương khác cũng thuộc huyện Vị Xuyên, lượng mìn sót lại nhiều không kể siết. Theo lời Thảo thì đơn vị đo không tính bằng số quả mà phải tính bằng mét khối. Nhất là các đường giao thông hào, lô cốt, một bước cũng có thể giẫm phải mìn. Mìn bố trí tầng tầng, lớp lớp. Có những vị trí cảm giác như cả túi mìn, đạn dược đổ xuống đất, gồm cả đạn cối 60, cối 82, mìn 652A, K58, PPM2, MD82B… Sợ nhất là mìn 652B có cấu tạo mà chỉ cần nghiêng mặt mìn là gây nổ, không có cơ hội để gỡ. Nhiều vị trí bom, mìn còn sót lại sâu dưới lòng đất đến 1,5m. Có ngày kỷ lục một chiến sĩ gỡ được gần 200 quả bom, mìn, vật nổ các loại.

Kiểm tra, phân loại lượng bom, mìn, vật nổ thu được sau quá trình rà phá.

Một lần, Thảo theo lối đi đã được làm sạch để lên bãi mìn. Khi bước đến cạnh một gốc cây bỗng vang lên dưới chân tiếng nổ trầm đục. Giữa lúc trời quang, mọi người đang hăng say làm việc, tiếng nổ khiến tất cả đều kinh hãi. Thảo ngã vật ra đất… Sau vài giây trấn tĩnh, anh nhìn xuống chân không thấy có vết máu, không có dấu hiệu bị thương. Không tin vào mắt mình, Thảo quay xuống sờ nắn bàn chân. Sự may mắn hy hữu trong đời. Quả mìn Thảo giẫm phải chỉ nổ kíp do chưa liên kết với thân mìn. Thoát chết! Ngay hôm đó, anh xuống bản mua một con lợn mổ khao bộ đội.

Sau sự cố, phân tích, rút kinh nghiệm, nguyên nhân đã được làm rõ. Thì ra, dù lối đi đã được bộ đội dò tìm kỹ, nhưng quả mìn này lại bị rễ cây vầu mọc trùm kín nên bộ đội hay chính Thảo đã dùng mũi dao cắt rễ, vạch đất cũng không thể phát hiện ra. Sau lần “chết hụt” đó, Thảo rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu, đặc biệt là tính cẩn thận và tỉ mỉ trong công việc của mình.

Nghe Thảo kể chuyện, tôi hỏi: “Đơn vị đi rà phá bom, mìn nhiều lần, đã bao giờ xảy ra mất an toàn chưa?”. Thoáng một nét buồn, Thảo chậm rãi: “Lượng bom, mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh còn nhiều, do phong hóa, xê dịch của môi trường theo thời gian, luôn tiềm ẩn nguy hiểm nên mất mát, hy sinh là điều khó tránh khỏi”. Ngay trong năm 2011, Thảo may mắn thoát nạn thì hai đồng đội của Thảo đã để lại một phần thân thể nơi thực địa. Một đồng chí bị mìn nổ cụt chân, một đồng chí bị giảm thị lực mắt 80%. Thảo còn nhớ mãi, chính anh là người trực tiếp cõng đồng đội đi cấp cứu. Vừa chạy, Thảo vừa khóc gọi tên đồng đội, nói chuyện để bạn không bị lịm đi do mất máu.

Lúc này, mắt Thảo đã rớm lệ. Nhưng chuyện đáng buồn hơn là vào năm 2020, khi đơn vị thực hiện nhiệm vụ rà phá bom, mìn, vật nổ ở điểm cao 685, thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, trong quá trình dọn và phát thực bì, Binh nhất Bàn Văn Thủy vô tình chạm vào ngòi nổ cối 60 gây nổ. Đồng chí Thủy hy sinh tại chỗ. Đồng chí Hoàng Văn Huỳnh lúc đó đang làm nhiệm vụ cách đồng chí Thủy 4,5m bị chấn thương nặng. Hỏng mắt bên phải, dập nát và phải cắt bỏ 1/3 cẳng chân trái.

Kể đến đây Thảo bật khóc. Tiếng khóc xót xa như thấu tận rừng xanh biên cương. Và cũng từ thời điểm đó đến nay, Thảo bị mắc hội chứng ám ảnh tiếng nổ. Thảo quán triệt bộ đội, dù ở vị trí nhà ở hay trên thực địa cũng phải hết sức chú ý, tránh gây tiếng nổ dù là rất nhỏ. Có tình huống cần gây nổ phải báo trước với Thảo. Bởi nếu bất thình lình nghe tiếng nổ, Thảo và nhiều người sẽ rơi vào tâm trạng hốt hoảng, lo lắng.

Bài, ảnh: HÀ AN – MINH CHÂU

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.