Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 04:55:14

Hành lang pháp lý để tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc

Ngày đăng: 22/05/2018

Theo chương trình tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV sẽ xem xét, thông qua Dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi). Trung tướng Nguyễn Duy Nguyên, Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ (Bộ Tổng Tham mưu), Phó tổ trưởng Thường trực Tổ biên tập Dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi) có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về những phát triển mới của dự thảo luật lần này.

Phóng viên (PV): Đề nghị đồng chí khái quát kết quả xây dựng Dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi)?

Trung tướng Nguyễn Duy Nguyên: Kể từ sau Kỳ họp thứ tư (Quốc hội khóa XIV), thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Bộ Quốc phòng, Ban soạn thảo đã phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và an ninh (QPAN) của Quốc hội và cơ quan, tổ chức liên quan thống nhất tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật và báo cáo UBTVQH. Đồng thời, gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học và tổ chức tọa đàm. Ngày 11-1-2018, tại phiên họp lần thứ 20, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án luật. Ngày 3-2, Bộ Quốc phòng đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những thay đổi lớn về quan điểm, nội dung chính sách so với tờ trình, Dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi) Chính phủ trình (Báo cáo số 1342/BC-BQP). Đến nay, UBTVQH đã chỉ đạo Ủy ban QPAN của Quốc hội, Bộ Quốc phòng, Ban soạn thảo, hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ năm.

PV: Những quy định, bổ sung, phát triển mới của Dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi) là gì, thưa đồng chí?

Trung tướng Nguyễn Duy Nguyên: So với luật hiện hành và dự thảo luật được Chính phủ trình tại kỳ họp trước, dự thảo luật lần này quy định đầy đủ, toàn diện hơn về quốc phòng của đất nước, nhất là các hoạt động quốc phòng, nhằm đáp ứng hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Dự thảo luật lần này có 15 quy định thể hiện sự phát triển mới, cụ thể ở những vấn đề sau:

Dân quân tự vệ quận Long Biên trong diễn tập khu vực phòng thủ năm 2017. Ảnh: LÊ HỒNG.

Chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, LLVT nhân dân, công nghiệp QPAN phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quy định mới về công nghiệp QPAN, không tách rời nhau; phát triển QPAN phải trong một chỉnh thể thống nhất, do Nhà nước quản lý, điều hành, phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, nhất là Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22-3-2018 của Ban Chấp hành Trung ương và Điều 68, Hiến pháp năm 2013. Bổ sung quy định về phòng, chống chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng, phù hợp với Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Quốc phòng Việt Nam và Kết luận số 31-KL/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Quân sự Việt Nam. Quy định mới về phòng thủ quân khu để phù hợp với Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”, tạo hành lang pháp lý, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong xây dựng và hoạt động phòng thủ quân khu thời gian qua, phù hợp với thực tiễn xây dựng và phát triển lịch sử hơn 70 năm của các quân khu. Quy định khu vực phòng thủ Thủ đô Hà Nội phù hợp với tính chất, nhiệm vụ đặc thù của Thủ đô Hà Nội, phù hợp với Luật Thủ đô. Bổ sung quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, nhất là bình đẳng giới, phù hợp với Điều 14, Hiến pháp năm 2013. Bổ sung quy định xây dựng tiềm lực đối ngoại vào trong xây dựng tiềm lực của khu vực phòng thủ. Bổ sung quy định: Dự án đầu tư xây dựng ở địa bàn trọng điểm về quốc phòng phải có tính lưỡng dụng, sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhu cầu quốc phòng, là phù hợp với quan điểm của Đảng về Chiến lược Quốc phòng Việt Nam và Chiến lược Quân sự Việt Nam. Bổ sung quy định về ban chỉ huy quân sự (CHQS) bộ, ngành Trung ương, để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ban CHQS bộ, ngành Trung ương. Bổ sung quy định về hạn chế quyền con người, quyền công dân trong thực hiện Lệnh thiết quân luật, giới nghiêm để phù hợp với Điều 14, Hiến pháp năm 2013. Bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ Quân đội nhân dân, nhằm luật hóa vấn đề này. Bổ sung quy định về bảo đảm nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính, tài sản phục vụ quốc phòng, bảo đảm phục vụ quốc phòng trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại theo hướng toàn diện hơn, thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan. Quy định về nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng trong duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, các cửa khẩu, hải đảo, vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để thống nhất với Luật Biên giới quốc gia, Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân; phù hợp với 7 nghị quyết và kết luận của Trung ương về nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển. Bổ sung quy định về nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ, đối ngoại quốc phòng, kết hợp quốc phòng với kinh tế-xã hội và kinh tế-xã hội với quốc phòng; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về quốc phòng, phòng thủ dân sự. Luật hóa một số quy định tại một số văn bản dưới luật về QPAN, phòng thủ dân sự vào trong dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi).

PV: Những vấn đề lớn mà đồng chí nêu có ý nghĩa như thế nào đối với sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc?

Trung tướng Nguyễn Duy Nguyên: Phải khẳng định rằng Luật Quốc phòng (sửa đổi) có ý nghĩa rất quan trọng tạo hành lang pháp lý cho sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Bởi vậy, dự thảo luật có nhiều nội dung bổ sung và phát triển mới, nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật có liên quan; đồng thời, phù hợp với thực tiễn đất nước trong tình hình mới. Vì thế, những quy định về chính sách Nhà nước về quốc phòng; nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phòng thủ quân khu và những quy định mới phát triển nêu trên… là những vấn đề cốt lõi mang tính nguyên tắc, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, cần được thảo luận kỹ lưỡng để nâng cao tiềm lực quốc phòng đất nước, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 PV:  Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top