Thứ bảy Ngày 27 Tháng 04 Năm 2024, 01:06:29

Bác dành muôn vàn tình thân yêu cho bộ đội

Ngày đăng: 14/05/2020

QK2 – Sinh thời, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cách mạng, dù bận trăm công nghìn việc, Bác vẫn dành tình cảm, quan tâm chăm lo giáo dục, rèn luyện các thế hệ cách mạng, trong đó có cán bộ chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Người luôn dành tình cảm thân thương, ấm áp cho mọi cán bộ, chiến sĩ, từ tổng tư lệnh đến binh nhì, binh nhất.

Các đại biểu Quân đội tham quan Lán Nà Nưa, nơi Bác Hồ sống và làm việc tại Tân Trào, Tuyên Quang.

Bản Di chúc thiêng liêng của Người trước lúc đi xa thấm đẫm niềm tin sắt son, tình cảm sâu nặng và tình thương yêu vô bờ dành cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Người căn dặn và gửi gắm những thông điệp cho thế hệ mai sau. “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”.

Có nhiều câu chuyện về Bác thật xúc động với tình cảm giản dị mà thể hiện tình thương yêu vô bờ bến của Bác đối với bộ đội. Vào cuối những năm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác cùng Trung ương Đảng làm việc tại Chiến khu Việt Bắc. Một đêm, trong điều kiện thời tiết giá rét, một chiến sĩ đi tuần đêm nhiễm lạnh bị ho. Biết chuyện, Bác lấy chiếc áo trấn thủ của mình đưa cho người chiến sĩ ấy mặc, người chiến sĩ ấy không dám nhận, nhưng Bác ân cần nói: “Chú cứ giữ lấy mà mặc. Bác đã có áo khác”. Rồi Bác tự tay khoác chiếc áo vào vai khiến người chiến sĩ trẻ ấy vừa bối rối, vừa cảm động.

Một lần, vào mùa hè năm 1967, Bác Hồ nhìn thấy các chiến sĩ phòng không 14,5mm trực chiến trên nóc hội trường Ba Đình giữa cái nắng hầm hập như thiêu như đốt. Bác nhờ thư kí Vũ Kỳ lên thăm anh em. Trên đó có một tổ súng phòng không 14,5mm, nhưng công sự, ụ cát còn sơ sài, địch bắn vào rất dễ hy sinh. Trời nắng nóng, chỉ đứng một lúc đã thấy hoa mắt chóng mặt. Người thư ký tìm hiểu xong về báo cáo Bác, Bác liền gọi ngay cho Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng: “Sao các chú không lo đủ nước uống cho các chiến sĩ trực phòng không? Nghe nói ụ súng trên nóc hội trường Ba Đình rất sơ sài, chú phải lo sửa ngay để đảm bảo an toàn cho chiến sĩ trong chiến đấu!”. Sau đó, Bác bảo thư ký đi lấy sổ tiết kiệm của Người xem, còn tất cả 25.000 đồng, tương đương với khoảng 60 lượng vàng, là nhuận bút mà các báo trả cho Bác. Bác liền thông báo Bộ Tổng Tham mưu: “Đó là quà của Bác tặng để mua nước ngọt cho anh em chiến sĩ trực phòng không uống, không phải chỉ cho những chiến sĩ ở Ba Đình, mà cho tất cả các chiến sĩ đang trực chiến trên mâm pháo ở khắp miền Bắc. Nếu số tiền đó không đủ thì yêu cầu địa phương nào có bộ đội phòng không trực chiến góp sức vào cùng lo!”. Sự quan tâm chăm sóc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với lực lượng phòng không, đã tiếp thêm sức mạnh giúp những người lính gìn giữ bầu trời vượt qua được một mùa hè nóng bỏng nhất, để đi đến thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Trong suốt những năm trên cương vị Chủ tịch nước, từ 1945 đến lúc đi xa, Bác Hồ đã dành nhiều tâm sức cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, giáo dục cán bộ chiến sĩ từ việc lớn đến việc nhỏ. Đối với bộ đội các ngành, hầu như ngành nào, quân binh chủng nào Bác cũng quan tâm chỉ đạo nhiệm vụ chuyên môn, sát thực. Đối với các cấp chỉ huy, Bác yêu cầu: “Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ tổng tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt”. Bác giáo dục những người làm công tác hậu cần: “Phải làm thế nào một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải, phải đi thẳng đến chiến sĩ”. Với người làm công tác tham mưu, Bác dạy: “Muốn thắng địch phải biết địch biết ta, nắm chắc ý định cấp trên, có kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể. Phải có mưu trí sáng tạo”. Bác yêu cầu đội ngũ cán bộ chính trị: “Đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn”. Với chiến sĩ quân y, Bác dặn dò: “Một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền”. Với bộ đội vận tải, Bác dạy: “Xe, xăng là mồ hôi, nước mắt, xương máu của nhân dân. Các chú phải chăm sóc xe, yêu xe như con, quý xăng như máu”. Với người công tác trong ngành tình báo, Bác chỉ ra: “Tình báo là một khoa học. Người làm tình báo ắt phải có 4 đức tính: Bí mật – cẩn thận – khôn khéo – kiên nhẫn”. Bộ đội công binh, Người giáo dục: “Quân đội ta ví như cái mác. Bộ binh như mũi mác, công binh như cán mác. Cán có chắc, mũi có sắc, thì mác mới đâm được giặc”. Với bộ đội thông tin, Người khẳng định: “Công tác thông tin liên lạc là một công tác rất quan trọng, nó như thần kinh, mạch máu của con người”. Với cán bộ phóng viên báo chí Quân đội, Người chỉ dạy: “Nói những điều thật thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị, vẽ dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác”.

Tư tưởng của Bác, tình thương yêu bao la của Bác mãi mãi là tài sản quý báu của người Cha thân yêu đối với mọi thế hệ cán bộ, chiến sĩ. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta mãi khắc sâu, ghi nhớ lời Bác dạy, mãi xứng danh với danh hiệu thân thương “Bộ đội Cụ Hồ” mà Nhân dân đã dành tặng cho, trở thành tài sản vô giá, mang giá trị văn hóa cao đẹp của thời đại Hồ Chí Minh trong Quân đội.

VIỆT LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.