Thứ ba Ngày 30 Tháng 04 Năm 2024, 03:02:00

65 năm Chiến thắng Chân Mộng – Trạm Thản

Ngày đăng: 17/11/2017

Trạm Thản (Phù Ninh, Phú Thọ) là nơi đã diễn ra trận đánh lịch sử Chân Mộng – Trạm Thản ngày 17-11-1952. Đây là trận đánh quyết định bẻ gãy cuộc hành quân Lo-ren của thực dân Pháp, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng trong Chiến dịch Tây Bắc.
Để cứu nguy cho tuyến phòng thủ Tây Bắc, thực dân Pháp đã mở nhiều cuộc tấn công càn quét lên vùng tự do, trong đó có tỉnh Phú Thọ để cướp bóc, vơ vét của cải của nhân dân và bắt thanh niên đi lính. Trong những cuộc tấn công đó, đáng chú ý nhất là vào thời điểm cuối năm 1952, địch đã mở cuộc hành quân mang tên Lo-ren do Tư lệnh quân Pháp ở Bắc Bộ, Tướng Đờ Li-na-rét lập kế hoạch và chỉ huy, huy động hơn 30.000 quân đánh lên Phú Thọ – Yên Bái nhằm kéo chủ lực ta phải quay về giữ căn cứ, để giảm nhẹ áp lực của chúng ở Tây Bắc không bị uy hiếp.

Cựu chiến binh Trung đoàn 36 kể chuyện chiến thắng Chân Mộng – Trạm Thản.

Ở các vị trí dã chiến dọc theo Quốc lộ số 2, chúng cho quân xây dựng công sự, móc nối với bọn phản động địa phương xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, đồng thời ra sức càn quét triệt phá làng mạc, cướp bóc làm thiệt hại nhiều tài sản của Nhà nước và nhân dân. Tại xã Hoa Lư (là xã Liên Hoa và Trạm Thản ngày nay), giặc Pháp đã đóng quân tại làng Thản 12 ngày đêm, lập vành đai trắng, xây dựng 3 lô cốt. Sau khi phân tích đánh giá tình hình, phán đoán âm mưu và hành động của địch, chỉ huy Trung đoàn 36 tổ chức lực lượng chặn đánh địch ở nhiều nơi buộc chúng phải tìm cách rút lui. Nhằm chặn đánh địch trên đường rút quân, Trung đoàn hạ quyết tâm phải phục kích chặn đánh địch tại khu vực Chân Mộng – Trạm Thản.
Chân Mộng – Trạm Thản là khu vực lý tưởng trên đường số 2. Hai rặng núi và đồi thắt lại hai đầu bọc kín một cái thung lũng hẹp và dài gần 4 km, những cánh rừng già lấn đến ven đường cái, những nương sắn xanh um mọc la liệt trên các vạt đồi là tấm màn ngụy trang kín đáo che chở cho bộ đội mai phục. Nhưng chính nơi đây địch cắm ba cứ điểm Vân Mộng, Chân Mộng, Năng Yên án ngữ các ngả đường đi tới mà Trung đoàn 36 chỉ có một đêm để dàn thế trận. Dựa vào sức dân, 2 trung đội du kích của xã Hoa Lư với nhiệm vụ phối hợp chiến đấu và dẫn đường cho bộ đội, 1 trung đội làm nhiệm vụ tải thương, nấu cơm, thu dọn chiến trường, trận đánh đã diễn ra với thế trận hoàn toàn nghiêng về quân ta. Ngày 17-11-1952, quân Pháp từ Đoan Hùng rút về xuôi theo đường quốc lộ số 2. Dân quân du kích xã cùng các lực lượng vũ trang trong huyện và bộ đội chủ lực đã bí mật bố trí phục kích trên các sườn đồi. Đoàn xe giặc dài gần 3 km dần dần lọt vào trận địa phục kích của ta. Từ trên đồi cao, quân ta đồng loạt nổ súng, ném lựu đạn vào đội hình bộ binh và xe tăng địch, chiếc xe đi đầu trúng đạn và bốc cháy tạo thành chướng ngại vật khiến các xe sau không thoát được. Trong khi quân địch đang lúng túng thì từ hai bên sườn đồi, hàng trăm chiến sĩ của ta xông ra bất ngờ khiến cho quân địch dẫm đạp lên nhau bỏ chạy.
Trận đánh kết thúc, quân ta tiêu diệt và bắt sống hơn 400 tên lính và sĩ quan, phá hủy 44 xe cơ giới (có 17 xe thiết giáp), thu 1 xe tăng còn nguyên vẹn và nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng. Chiến thắng Chân Mộng – Trạm Thản là chiến thắng mở đầu đợt hai của chiến dịch Tây Bắc, trong đó có sự phối hợp nhịp nhàng giữa mặt trận Phú Thọ và mặt trận Sông Đà. Đây là trận chiến đấu oanh liệt, phá hủy được nhiều xe cơ giới nhất ở Đông Dương kể từ ngày đầu cuộc kháng chiến, Trung đoàn 36 đã giành chiến thắng giòn giã ở đường số 2, Chân Mộng – Trạm Thản khi phối hợp với du kích địa phương giáng một đòn bất ngờ và rất mạnh trong việc thu hút phần lớn máy bay địch về phía mặt trận ấy, nhờ đó mà ở sông Đà, quân đội ta có điều kiện thuận lợi được thảnh thơi, chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc vượt sông, chuẩn bị cho chiến thắng của Chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Sau trận đánh, chính quyền xã huy động dân quân du kích địa phương cùng bộ đội thu dọn chiến trường, đồng thời tổ chức họp rút kinh nghiệm trận đánh, đề ra phương án phòng ngừa địch có thể quay lại trả đũa. Chỉ đạo lực lượng dân quân du kích ngày đêm canh gác, làm tốt công tác phòng gian, bảo mật, giữ gìn an ninh trật tự.
65 năm đã qua đi, trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, giờ đây trên quê hương Trạm Thản đã có biết bao nhiêu đổi thay, tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn ngày một có những bước phát triển. Bên cạnh nông nghiệp, các ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh dịch vụ đã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cơ chế thị trường, các chỉ tiêu đều cơ bản đạt, nhiều chỉ tiêu vượt cao so với kế hoạch, góp phần đưa đời sống, vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện.
Bài, ảnh: MẠNH TƯỜNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.