Thứ ba Ngày 30 Tháng 04 Năm 2024, 12:01:08

“Vua vận tải” trên chiến trường Điện Biên Phủ

Ngày đăng: 10/04/2024

QK2 – Lịch sử thế giới từng ghi nhận chiếc xe đạp đầu tiên ra đời năm 1817 do một nam tước người Đức chế tạo. Tuy nhiên với Việt Nam, xe đạp du nhập vào chủ yếu từ nước Pháp. Cùng với quá trình xâm lược, đặt ách cai trị, “khai thác thuộc địa”, “khai hóa văn minh”, thực dân Pháp mang theo nhiều sản phẩm, đồ dùng phục vụ đời sống từ nền văn minh công nghiệp Pháp, trong đó có chiếc xe đạp. Chẳng thế mà có khá nhiều bộ phận của chiếc xe đạp được phiên âm theo tiếng Pháp như: Ghi-đông (thanh tay lái); pê-đan (bàn đạp); xăm (ruột bánh xe); gác-đờ-bu (bộ phận chắn lốp); gác-đờ-xên (bộ phận chắn xích); Phóc-ba-ga (yên phụ sau) cùng với các xích, líp, van, bu-long, vít, bơm xe… đã được “Việt hóa” trở thành từ quen thuộc trong đời sống.

Đoàn xe đạp thồ phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 (Ảnh: TƯ LIỆU)

Trong suốt gần trăm năm đô hộ nước ta, văn hóa giao thông từ chiếc xe đạp mà Pháp du nhập vào Việt Nam nhanh chóng trở thành phương tiện đi lại thiết yếu với nhiều tầng lớp trong xã hội. Tuy nhiên, thực dân Pháp không thể ngờ, trong cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ, mà cụ thể là Chiến dịch Điện Biên Phủ, những chiếc xe đạp ấy lại góp phần đánh bại giặc Pháp trên chiến trường, vốn coi phương tiện vận chuyển người, tiếp tế hàng hóa bằng hàng không là chủ yếu.  

Để vận chuyển một khối lượng tài sản lớn khoảng 30.000 tấn vật chất,  ta đã huy động 628 xe ô tô, 2.600 thuyền các loại và hơn 1 vạn con ngựa thồ cùng 21.000 xe đạp thồ. Nhân dân và chiến sĩ ta đã cải tiến chiếc xe đạp thô sơ thông thường thành chiếc xe đạp thồ. Để xe thồ được tối đa hàng hóa, những chiếc xe đạp thông thường được tháo yên, lắp thêm giá bằng sắt, gỗ hoặc tre ở bánh sau. Khung xe có thể được gia cố thêm bằng cách gắn thêm các miếng sắt, gỗ hay tre. Khi xe đã chất đầy hàng, một thanh gỗ hoặc tre được gắn vào ghi-đông bên trái, trục đứng của yên xe được cắm thêm một chiếc gậy cho người dễ điều khiển xe, tăng lực để đẩy xe tiến về phía trước hoặc hãm xe lại khi xuống dốc.

Xe đạp thồ thô sơ, nhưng phù hợp với sức người bền bỉ, dễ vận chuyển qua những đoạn đường nhỏ, luồn lách khó đi, địa hình hiểm trở, đường sá hư hỏng. một chiếc xe đạp thồ có thể thồ từ 2-3 tạ. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Ma Văn Thắng (dân công tỉnh Phú Thọ) được coi là “kiện tướng” khi lập kỷ lục vận chuyển trên 3,5 tạ/chuyến. Ông Cao Văn Tỵ (dân công tỉnh Thanh Hóa) vận chuyển được 3,2 tạ/chuyến.

Xe đạp thồ trở thành phương tiện vận tải đặc biệt, được coi là “Vua vận tải” ở chiến trường Điện Biên Phủ; là biểu tượng của nghị lực, tinh thần và sức sáng tạo của quân – dân Việt Nam, được ghi vào lịch sử chiến tranh nước nhà và thế giới như một điều kỳ diệu.

Huấn luyện vận tải bộ ở Sư đoàn 316. (Ảnh: VŨ NGUYỄN)

Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, hơn một vạn chiếc xe đạp tiếp tục được huy động. Nhờ phương tiện ấy đã vô hiệu hóa tính cơ động và hiện đại của hỏa lực Mỹ bằng cách di chuyển về đêm, qua những cung đường mòn nhỏ hẹp, uốn lượn khúc khuỷu mà không gây tiếng động, dễ ẩn nấp khi bị lộ mục tiêu.

Vận tải bằng xe thồ trở thành nghệ thuật riêng có của ngành vận tải quân sự và dân sự, đến nay, vẫn được các đơn vị quân đội nghiên cứu, vận dụng vào chương trình huấn luyện cho bộ đội.

VIỆT LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.