Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 12:06:22

Về với nước non Cao Bằng

Ngày đăng: 23/12/2016

Ngược Quốc lộ 3, qua thành phố Thái Nguyên và Bắc Kạn, chúng tôi đến với Cao Bằng, nơi cội nguồn Cách mạng. Chuyến đi lần này, trong lòng chúng tôi mong muốn được chứng kiến sự đổi thay của vùng quê yên tĩnh là châu Nguyên Bình xưa – nơi có khu rừng Trần Hưng Đạo, mà ở đó có 34 chiến sỹ đầu tiên của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đứng tuyên thệ dưới cờ cách đây 72 năm tròn. Ngoài mục đích đó, chúng tôi còn muốn tìm lại người anh, người đồng chí, đồng đội hơn 30 năm trước đã cùng công tác và chiến đấu trên tuyến biên giới Hoàng Liên Sơn – “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”. Hai đồn Phay Khắt và Nà Ngần là hai chiến công đầu tiên của Quân đội ta hiện ra trước mắt chúng tôi. Không gian vắng lặng, rừng xanh bạt ngàn, tiếng vọng từ buổi hình thành một đội quân cách mạng thổi bùng ký ức trong chúng tôi về mảnh đất lịch sử này. Hai năm trước, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐNDVN, Khu di tích được Nhà nước và Quân đội trùng tu, tôn tạo khang trang, sạch đẹp. Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh cả của Quân đội ta được xây dựng với kiến trúc hiện đại, uy nghi, bề thế trên lưng chừng đồi. 103 cây kim giao được trồng dọc đường vào cũng đã vươn cao, xanh tốt. Sau khi thắp nén hương thơm tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng tôi vào thăm khu rừng nơi các chiến sỹ cách mạng tuyên thệ và nơi ăn nghỉ của các chiến sỹ Việt Nam giải phóng quân. Nhà bia có tứ diện ghi dấu ấn buổi đầu thành lập đội quân cách mạng. Đi sâu vào khoảng 20m là vị trí 2 lán năm xưa nơi các anh ăn, nghỉ. Hai cây sấu già vẫn còn đó và cho rất nhiều trái thơm rụng đầy xung quanh gốc. Mái nhà đơn sơ, nhỏ hẹp nhưng cũng chính từ nơi đây, đội quân cách mạng của chúng ta đã từng bước trưởng thành lớn mạnh, góp phần cùng toàn dân đứng dậy làm cuộc cách mạng “long trời, lở đất”, giành chính quyền về tay nhân dân và tham gia “Trường kỳ kháng chiến” giải phóng dân tộc; đồng thời làm tròn nghĩa vụ quốc tế với hai nước bạn Lào, Cămpuchia.

Trường Đại học Chính trị dâng hương tại Khu mộ đồng chí Nông Văn Dền (Kim Đồng). Ảnh: P.LƯƠNG

Trường Đại học Chính trị dâng hương tại Khu mộ đồng chí Nông Văn Dền (Kim Đồng). Ảnh: P.LƯƠNG

Bồi hồi, xúc động rời khu Di tích, chúng tôi đến thăm người anh, người bạn cũ, đang sinh sống tại thị trấn Nguyên Bình. Sau 33 năm gặp lại, tay bắt, mặt mừng niềm vui không kể xiết. Anh là Thượng úy Chu Văn Hòa, nguyên là lái xe Trường Sơn trong những năm tháng chống Mỹ, cứu nước. Năm 16 tuổi anh đã xung phong vào bộ đội để vào Nam chiến đấu giải phóng quê hương. Câu chuyện về cuộc đời mình, anh kể tôi nghe từ năm 1981 đến giờ tôi vẫn nhớ như in. Sinh ra trên miền quê hương cách mạng, truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ đi trước như đã ngấm vào trong máu thịt anh từ nhỏ. Mối thù giặc Mỹ reo rắc đau thương trên đất nước ta thôi thúc lòng anh viết đơn tình nguyện và khai tăng tuổi để được vào bộ đội. Năm 1967, anh tạm biệt quê hương, lên đường đi chiến đấu. Là người ít nói, tính tình cẩn thận, anh được trên tuyển chọn và cho học lớp lái xe cấp tốc. Sau 45 ngày luyện rèn, anh được cấp bằng lái xe hạng Trung xa, rồi cùng chiếc xe GAZ trở hàng hóa quân sự dọc tuyến đường Trường Sơn. Mùa hè năm 1970, anh cùng đoàn quân vào thẳng Tây Nguyên chiến trường B3 ác liệt. Quá trình phục vụ ở chiến trường, trong một lần cứu xe khỏi mưa bom giặc Mỹ anh bị thương. Sau đó đồng đội đã đưa anh về tuyến sau để điều trị.
Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, anh được trở ra ngoài Bắc vừa an dưỡng vừa điều trị vết thương tại Đoàn 235. Tình yêu và hạnh phúc đã đến với anh ở nơi quê hương Vĩnh Phú thân thương này. Sau khi tốt nghiệp khóa học một năm tại trường Sĩ quan Lục quân, với lòng nhiệt tình, ham học hỏi anh đã tiếp tục được học thêm nghề chiếu phim. Chiếc xe điện ảnh đã cùng anh rong ruổi trên khắp các địa bàn, nơi nào có bộ đội đóng quân là xe đến phục vụ.
Ngày 15/5/1978, Sư đoàn 345 được thành lập, anh cũng là một trong những người đầu tiên có mặt trong đội hình của Sư đoàn. Chiến tranh biên giới nổ ra, anh được tăng cường phục vụ cho trạm phẫu tiền phương của Sư đoàn tại khu vực thị xã Cam Đường. Trước thế giặc mạnh trạm phẫu phải lùi về tuyến sau để làm nhiệm vụ cấp cứu, điều trị thương binh. Trong tình thế cấp bách, một mình anh đã không quản ngại vác chiếc máy phát điện nặng khoảng 60kg trên quãng đường gần 3km về đến ga Pom Hán an toàn. Tinh thần quả cảm và sự quên mình cứu tài sản đơn vị làm chúng tôi hết sức khâm phục người anh cả, người đồng chí của mình. Ngôi nhà tranh, vách nứa nhỏ bé nắm dưới sườn đồi là ngôi nhà chung anh em chúng tôi cần kề bên nhau trong những ngày gian khó nhất của đời lính. Bên chén rượu say nồng, chúng tôi cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa, nhớ lại những người đồng đội đã ngã xuống để cho biên cương mãi bình yên. Ngày ấy “Có những bữa thịt ấm chân răng”, nhưng “Cũng có hôm ăn toàn muối trắng”. Những lời nói, những việc làm gương mẫu của anh đã thôi thúc tôi rèn luyện, phấn đấu trưởng thành và trở thành cán bộ cao cấp trong Quân đội.
Để có cuộc hội ngộ của anh em chúng tôi ngày hôm nay phải kể đến công lao và mối quan hệ của Tổng biên tập Báo Cao Bằng, Hoàng Mỹ Hảo. Trong bữa tiệc mừng Báo Quân khu Một tròn 70 tuổi mới đây, tôi ngồi cùng với các Tổng biên tập các cơ quan báo chí trên địa bàn. Qua câu chuyện của anh Chu Văn Hòa, quê hương Nguyên Bình, tôi muốn Hoàng Mỹ Hảo tìm giúp. Không ngờ chỉ ít phút sau, Tổng biên tập Hảo đã tìm ra người anh của chúng tôi. Chúng tôi cất công tìm kiếm anh cả chục năm trời; nhờ vả không biết bao người có cả nhà báo Hoàng Oanh (Báo Cao Bằng), Công an tỉnh, bạn bè… Đây thực sự là điều kỳ diệu ngoài sự mong đợi của tôi.
Chia tay anh và “Nước non Cao Bằng”, chúng tôi xuôi về Hà Nội. Trên đường trở về chúng tôi xốn xang bao ý nghĩ cùng nhiều điều còn trăn trở đối với người anh của chúng tôi. Anh bây giờ sống một mình cô quạnh, vết thương cũ thường xuyên tái phát. Ngày trước vết thương này chưa đủ tỷ lệ để anh làm thẻ thương binh, giờ đây muốn giám định lại, anh không còn thứ giấy tờ nào cả. Quan trọng nhất là anh vẫn lạc quan, yêu đời, vẫn mang đậm chất lính Trường Sơn. Chúng tôi hy vọng một ngày nào đó, điều kỳ diệu sẽ đến với anh.
THÀNH LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.