Thứ bảy Ngày 27 Tháng 07 Năm 2024, 08:54:10

Tự mãn – “căn bệnh” cần chữa trị kịp thời

Ngày đăng: 06/04/2022

QK2 – Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc cán bộ, đảng viên phải khiêm tốn, tuyệt đối tránh kiêu ngạo, tự mãn. Người từng viết: “Không kiêu ngạo. Kẻ kiêu ngạo thì xa lánh nhân tâm quần chúng và tạo cho mình kẻ thù. Người cách mạng mẫu mực phải khiêm tốn, khoan hòa, lượng thứ, can đảm khi sa cơ, bình tĩnh khi thắng thế, không bao giờ được quên rằng cuộc đời mình và sự nghiệp của mình thuộc về toàn nhân loại chứ không thuộc về mình”.  

Phút giải lao trên thao trường của chiến sĩ Tiểu đoàn 19, Bộ Tham mưu Quân khu.

Người tự mãn dễ có biểu hiện xem thường người khác, thậm chí với cả những người hơn tuổi. Họ cho rằng ý kiến, quan điểm, việc làm của mình luôn hơn người khác. Khi nhận diện một vấn đề, một sự việc nào đó họ thường hay phiến diện, đại khái, lấn át người chân thành, thẳng thắn, thật thà. Những người này thường tỏ thái độ trịch thượng, bảo thủ, độc đoán, gia trưởng. Khi mình có chút thành tích thì thổi phồng, tâng bốc và nếu người khác có thành tích thì thờ ơ, xem thường. Khi có sai sót, khuyết điểm không dám nhận về phần mình mà đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Người tự mãn thường thích khen thưởng hơn là bị phê bình, nhắc nhở. Tự mãn là bạn của kiêu căng, tự đại nhưng đối lập với người có đức tính khiêm nhường, cầu thị.

Những cán bộ, đảng viên “mắc bệnh” tự mãn thường nảy sinh nhiều vấn đề trong cuộc sống và công tác. Vì từ căn bệnh này sẽ dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tham ô, hối lộ, biến của công thành của riêng và rất dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo. Khi đạt được mục đích vào một vị trí, chức vụ nào đó, nhất là chủ trì thì “tận dụng” hết công suất để kiếm chác, đem lại những danh lợi cho người thân, họ hàng, cánh hẩu. Bằng mọi cách sàng lọc, cân, đo, đong, đếm để bản thân và người thân quen có lợi. Nhất là hiện nay mạng xã hội rất bổ biến nên những người mắc bệnh tự mãn rất dễ bộc lộ. Họ sẵn sàng khoe khoang của cải, tài sản, bằng cấp, chức vụ, thành tích đạt được.

Thực tiễn trong những năm gần đây cho thấy có không ít cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao đã mắc phải “căn bệnh” tự mãn, kiêu căng. Khi là một cán bộ, công chức bình thường thì khiêm nhường, cầu tiến, nhưng khi được cơ quan, đơn vị tín nhiệm bầu hoặc được bổ nhiệm vào vị trí chủ chốt, quan trọng nào đó thì nảy ra tính tự mãn, kiêu căng, xa rời quần chúng, xem thường cấp dưới. Muốn mọi người phải xu nịnh, phục dịch, cung phụng mình. Hoặc khi đạt được bằng cấp, học hàm, học vị nào đó, người mắc bệnh này sẽ cho rằng mình không cần phải học tập, rèn luyện thêm gì nữa, cứ thế mà hưởng thụ.

Trái ngược với người có “căn bệnh” tự mãn, thực tế cũng đã chứng minh có rất nhiều những cán bộ, đảng viên dù giữ trọng trách cao nhưng rất khiêm nhường, tích cực học tập, rèn luyện, sống hòa đồng với quần chúng nhân dân. Thấu hiểu và sẵn sàng chia sẻ, có biện pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập cho người dân. Nhiều cán bộ, đảng viên phải trải qua những thời khắc vô cùng khó khăn, khắc nghiệt trong các cuộc chiến tranh nhưng vẫn kiên định, khiêm nhường, chịu khó lắng nghe góp ý của nhân dân. Trong cuộc sống đời thường nhiều người xuất thân trong điều kiện, hoàn cảnh vô cùng khó khăn nhưng biết khiêm nhường học hỏi, tự vươn lên trong cuộc sống, tự khẳng định mình và cống hiến tài năng của mình cho đất nước trên lĩnh vực mà họ đang làm việc. Dù đã đạt được những thành tích cao song họ vẫn khiêm tốn học hỏi, coi như mình chưa đạt được gì, chỉ là người mới bắt đầu khởi nghiệp.

Trong hơn 2 năm qua cả nước ta đã phải căng mình phòng, chống dịch Covid-19, nhằm giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân. Đã có rất nhiều cán bộ, đảng viên dù phải đương đầu với hiểm nguy của dịch bệnh nhưng vẫn miệt mài, âm thầm cống hiến mà không đòi hỏi gì ở tổ chức. Nhất là những người trên tuyến đầu chống dịch như ngành y, Quân đội, Công an… Họ sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì, dù phải gác lại công việc, tình cảm riêng tư để xa nhà làm nhiệm vụ cả năm trời. Dù đã đạt được những kết quả đáng kể trong công tác phòng, chống dịch, nhưng các chiến sĩ trên tuyến đầu không một phút lơ là, tự mãn với những gì đã đạt được

Tự mãn là rào cản lớn nhất của thành công. Để loại khỏi “căn bệnh” tự mãn là điều rất khó khăn vì nó như một loại virus luôn lẩn khuất trong mỗi con người và sẵn sàng bung ra khi cần thiết. Để giảm tác hại của “căn bệnh” tự mãn gây ra, trong các cơ quan, đơn vị cần phải có biện pháp theo dõi, giúp đỡ người đó với nhiều hình thức, biện pháp. Thông qua trò chuyện, tâm sự để góp ý, khuyên nhủ; kể những câu chuyện, việc làm, những con người có đức tính khiêm tốn, khiêm nhường ngay trong cơ quan, đơn vị mình để người đó học tập, noi theo. Mỗi tổ chức Đảng nên cẩn trọng khi quy hoạch, điều động, bổ nhiệm cán bộ, nhất là các vị trí chủ chốt, không nên dùng những người có tính tự mãn, hiếu thắng, “gió chiều nào che chiều ấy”, khoe mẽ trình độ bằng cấp nhưng lại thấp kém về đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật. Cùng với việc đào tạo kiến thức chuyên môn nghiệp vụ hệ thống trường học các cấp cần quan tâm bồi dưỡng, giáo dục về đạo đức cách mạng, về truyền thống lịch sử, văn hóa, văn hiến của dân tộc, nhất là với thế hệ trẻ.

 Phát biểu ra mắt Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ngày 1/2/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng mới được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành: “Tuyệt đối không được chủ quan, không được tự mãn, không được kiêu ngạo và càng phải khiêm tốn, học tập, làm mọi công việc để xứng đáng với sự tin cậy của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân”.

Vẫn biết con người “nhân vô thập toàn”, không ai toàn diện, hoàn hảo được hết. Nhưng tính tự mãn sẽ phá hủy tất cả kết quả, dần làm băng hoại đạo đức và giá trị cốt lõi con người. Những ai mắc “căn bệnh” tự mãn, ngoài việc tổ chức cần quan tâm, giúp đỡ thì trước hết và quan trọng nhất là người đó phải tự sửa, tự soi lại mình để khắc phục căn bệnh này càng sớm càng tốt.

Bài, ảnh: DUY TUẤN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.