Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 07:55:13

Tỉnh táo trước luận điệu xuyên tạc chống phá hoạt động ngoại giao của Việt Nam

Ngày đăng: 14/04/2018

Lâu nay, mỗi dịp diễn ra các hoạt động ngoại giao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ ta với các nước trên thế giới, nhất là các nước lớn thì các thế lực thù địch, phản động lại tăng cường, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động chống đối, tuyên truyền xuyên tạc, vu khống Việt Nam mất dân chủ, nhân quyền, qua đó kêu gọi chính phủ các nước tạo áp lực, sức ép đối với Việt Nam trên phương diện ngoại giao.

Ngày 15 tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn cán bộ cấp cao nước ta thực hiện chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Australia. Một số kẻ phản động, cơ hội chính trị lưu vong ở Úc đã kích động, lôi kéo một số người Việt Nam ở nước ngoài tham gia tụ tập đông người để phản đối chuyến thăm và viết bài xuyên tạc, bôi nhọ, nhằm hạ thấp uy tín, danh dự của lãnh đạo nước ta.

Gần đây hơn, trước, trong và sau chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước ta, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, bất mãn với chế độ cũ lại cấu kết với nhau, núp bóng, mượn danh một số tổ chức quốc tế, trong đó có tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) có trụ sở tại Pháp, để đấu tranh cho cái mà họ gọi là “dân chủ”, “nhân quyền” ở Việt Nam. Họ đã kêu gọi Chính phủ Pháp lên tiếng với Tổng Bí thư Đảng ta về việc Việt Nam trấn áp các nhà báo và blogger độc lập. Họ cho rằng, kể từ năm 2017, có hơn 20 nhà báo công dân đã bị bắt, bị trục xuất hoặc bị kết án chỉ vì cố gắng cung cấp thông tin cho công chúng, từ đó họ kêu gọi các đại diện của Pháp phải đặt vấn đề về nhân quyền trong chương trình làm việc với đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước ta. Một vài thành phần còn tụ tập trên đường phố, dùng cờ của chế độ ngụy quyền Sài Gòn cũ cùng với biểu ngữ để tung hô, kêu gọi, cổ súy cho cái gọi là dân chủ, nhân quyền. Theo dõi những hình ảnh ấy trên mạng thấy rằng, đó chỉ là màn dựng sơ sài, vụng về của khoảng hơn chục người, sau đó quay phim và cho đó là biểu tình phản đối. Một số cá nhân thông qua mạng Internet và các báo, đài thiếu thiện chí với Việt Nam, tung ra những luận điệu xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền, tự do báo chí của Việt Nam, xuyên tạc mục đích các hoạt động đối ngoại của Nhà nước; bịa đặt, dựng lên những câu chuyện hết sức nhảm nhí hòng bôi nhọ danh dự cán bộ cấp cao của Đảng ta.

Có thể nói, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch đối với Đảng, Nhà nước ta trước, trong, sau các hoạt động ngoại giao cấp cao của Việt Nam với các nước trên thế giới không phải là hình thức, biện pháp mới, thực chất đã trở nên vô duyên, nhàm chán và lạc lõng trước thực tế diễn ra.

Trước hết, cần khẳng định, những chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ nêu trên là những chuyến thăm theo đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

Hơn nữa, về yêu sách đòi giải quyết vấn đề nhân quyền ở Việt Nam của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) không đúng sự thật. 20 người mà họ gán cho cái danh “nhà báo tự do”, “blogger độc lập” đều là những người vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam, đã bị kết án tù như Nguyễn Văn Đài, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh… Việc vi phạm pháp luật bị xử lý theo quy định của pháp luật là tất yếu diễn ra ở tất cả các quốc gia trên thê giới, đó là lẽ thường tình.

Mặt khác, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Australia là theo lời mời của Thủ tướng Malcolm Turnbull, đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Chuyến thăm của Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng đến Paris theo lời mời của Tổng Thống Pháp Emanuel Macron, nhân dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ Pháp – Việt và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược. Mọi hoạt động ngoại giao đều được diễn ra theo kênh ngoại giao chính thức. Trên mọi phương diện, mọi chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ ta đều thành công tốt đẹp, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao. Về chuyến thăm của Tổng Bí thư đến Pháp, ông Jean-Baptiste Lemoyne, Quốc vụ khanh Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp từng phát biểu từ đầu năm 2018 tại  Đại sứ quán Pháp: “Chúng tôi rất mong chờ chuyến thăm vào mùa xuân năm nay của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam”. Chính trong dịp Tổng Bí thư Đảng ta đang thực hiện hoạt động ngoại giao của Pháp, tờ báo Les Echos đã dẫn lời Tổng thống Pháp Emanuel Macron, nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ phải hiện diện nhiều hơn nữa ở Việt Nam” và thông báo sẽ đi thăm Việt Nam vào năm 2019, một đất nước mà theo ông có những thành tích kinh tế ấn tượng. Tờ báo còn dẫn lời của Tổng thống Pháp chia sẻ trên blog Twitter cá nhân: “Nụ cười mà bạn gửi đi sẽ quay lại với bạn. Sau một thời kỳ lịch sử dài, Pháp và Việt Nam mỉm cười và cùng tiến bước về một tương lai sẻ chia”.

Tuyên bố chung nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến Cộng hòa Pháp gồm 29 điểm, từ việc thống nhất tái khẳng định coi trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau; đến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản phù hợp với mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc và phù hợp với những cam kết quốc tế mà hai bên cùng tham gia ký kết; việc chống khủng bố; hoạt động của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu; Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), vai trò của ASEAN; các hoạt động hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa giữa hai quốc gia. Kết quả chuyến thăm đánh dấu một giai đoạn mới trong việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt – Pháp. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã mời Tổng thống Cộng hòa Pháp thăm Việt Nam. Tổng thống Macron đã nhận lời mời… Đấy là kết quả thực chất của hoạt động ngoại giao, diễn ra không phục thuộc vào những yêu sách về dân chủ, nhân quyền mà các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá.

Đấy chỉ là hai trong số các các hoạt động ngoại giao lớn của nước ta diễn ra gần đây. Dù các thế lực thù địch, phản động chống phá thì vẫn thành công tốt đẹp. Thế mới biết, yêu sách lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do báo chí của các thế lực thù địch chỉ là nói càn. Chúng ta cần tỉnh táo trước những luận điệu xuyên tạc đó.

ĐỨC ĐÀO

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.