Chủ nhật Ngày 28 Tháng 04 Năm 2024, 04:32:51

Tiếp lửa truyền thống

Ngày đăng: 27/03/2024

QK2 – 70 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng ngọn lửa cách mạng vẫn luôn rực cháy trong mỗi cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Đến hôm nay, ở mỗi bản làng, những người chiến sĩ Điện Biên năm xưa vẫn như những bông hoa rừng tỏa hương giữa đời thường.

Một ngày cuối tháng Ba chúng tôi tìm đến nhà của Thiếu tướng Lò Văn Nhài, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh Chính trị Quân khu. Đón chúng tôi bên ấm trà nóng, Thượng tá QNCN Lò Thị Hương, con dâu của ông hồ hởi cho biết: “Ông nhà em vui lắm khi biết các anh về thăm, ông mặc quân phục từ rất sớm và bảo con cháu làm công tác chuẩn bị đón tiếp đoàn”. Giáp hiên nhà, Vị tướng già trên ngực áo lung linh huân, huy chương. Ở tuổi 89, bước chân có phần chậm chạp, nhưng ánh mắt vẫn rực cháy và nụ cười đã làm gương mặt ông thêm phúc hậu.

Thiếu tướng Lò Văn Nhài kể chuyện Chiến thắng Điện Biên Phủ cho các con, cháu, chắt.

Sau những lời thăm hỏi thân tình và đầy kính trọng, cùng với những món quà của đoàn công tác dành cho gia đình, chúng tôi được nghe ông kể về những câu chuyện, kỷ niệm sâu sắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 70 năm. Chuyện những năm 1953, ông và đồng đội trinh sát nắm rõ tình hình dân bản nghe lời kẻ xấu ngày chốn lên núi mang theo vũ khí, tối về làng bắn giết người và các loại vật nuôi. Bọn Phỉ ngày đó đứa nào mặt cũng đằng đằng sát khí, chúng sẵn sàng giương súng bắn vào bất cứ mục tiêu nào chúng nghi là có cán bộ, hoặc bộ đội, du kích. Đã có nhiều trận đối đầu với chính quyền của ta và những trận đấu không cân sức ấy đã để lại những tổn thất to lớn… Câu hỏi đặt ra với ông là làm thế nào để giúp bà con mình không nghe xúi dục của bọn phản động mà bỏ nương rẫy lên núi trở thành người phản cách mạng, phản dân tộc. Trước những đau thương đó mà con tim ông đau nhói, thôi thúc ông lao vào tuyên truyền, vận động bà con bằng tiếng của các dân tộc anh em.  Khi đồng bào đã hiểu âm mưu, bản chất xấu xa của phỉ thế là đồng loạt ở các bản vợ gọi chồng, cha gọi con, người thân gọi người thân cùng nhau xuống núi, cúi đầu nộp vũ khí, rồi tình nguyện theo cách mạng đi vận chuyển thóc, lúa, hàng hóa ra mặt trận.

Đến hôm nay, những câu chuyện này và rất nhiều những câu chuyện khác đã đi vào lịch sử, nhưng ông vẫn muốn kể cho con cho cháu nghe. Ông bảo, muốn giữ nước phải xây dựng được “Thế trận lòng dân”, chỉ có khi lòng dân đã tin Đảng, tin chính quyền, dân sẽ làm theo. Trong giai đoạn hiện nay, muốn lòng dân vững chắc thì cán bộ, đảng viên phải nêu gương tốt, phải nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, dân làm theo. Đồng bào là thế đấy, phải lấy việc làm là chính, từ việc làm tạo niềm tin cho đồng bào.

Tiếp câu chuyện chúng tôi, ông Đinh Văn Đăng, 90 tuổi, là đồng đội chiến đấu của Thiếu tướng Lò Văn Nhài khẳng định: Tướng Nhài từ khi mới là tiểu đội phó, ông đã toát lên đức tính cương trực, cương quyết nhưng cũng rất yêu thương đồng đội. Tướng Nhài rất giỏi công tác địch vận. Ông Đinh Hồng Yêu, 80 tuổi, nguyên Chỉ huy phó Chính trị Ban CHQS huyện Phù Yên, nghỉ hưu năm 1989, chia sẻ: Thiếu tướng Lò Văn Nhài là một vị tướng giàu lòng nhân ái, luôn hết lòng với anh em đồng đội. Về đời thường, ông luôn mẫu mực, thực sự là một vị tướng của nhân dân. Tuy trên người còn nhiều vết thương, nhưng ông vẫn luôn mong muốn ngọn lửa cách mạng sẽ mãi rực cháy cho thế hệ hôm nay và mai sau; làm sao để tinh thần, trách nhiệm nêu gương của cán bộ từ thôn bản trở lên phải là niềm đau đáu, thường trực trong mỗi người.

Chị Lò Thị Khuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Tường Thượng, huyện Phù Yên (Sơn La) bộc bạch: “Vợ chồng Thiếu tướng Lò Văn Nhài thực sự là tấm gương về phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ (vợ ông – bà Lò Thị Phông – một cựu dân công hỏa tuyến). Ở đâu, làm việc gì, ông bà cũng lo cho dân bản, thường xuyên giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt là trước các kỳ Đại hội Đảng và bầu cử Hội đồng nhân dân, cấp ủy, chính quyền các cấp lại đến xin ý kiến của ông về những chủ trương, giải pháp, qua đó giúp địa phương có tầm nhìn, nhất là trong hoạch định về phát triển kinh tế, xã hội; củng cố quốc phòng – an ninh.

Chia tay gia đình Thiếu tướng Lò Văn Nhài, chúng tôi đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Đoàn Thị Diệp, ở tổ 10, phường Đức Thắng, thành phố Sơn La. Mẹ có chồng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp năm 1951 và hai con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ năm 1968. Ở cái  tuổi 107 nhưng mẹ Diệp vẫn khá minh mẫn. Mẹ bảo chồng và con mẹ hy sinh chẳng còn nỗi đau nào hơn, nhưng vì dân, vì nước thì sự hy sinh ấy là niềm tự hào của dân tộc và mẹ còn gắng để sống, để nhìn đất nước đổi mới đi lên.

Cũng ở thành phố Sơn La, trò chuyện với chúng tôi, thương binh ¼ Bùi Thị Mai Thu tự hào kể về nhiệm vụ và những thành tích cá nhân, cũng như bối cảnh bà bị thương, nhưng lại nghẹn ngào khi nói về sự hy sinh của đồng đội trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Bà bảo xót xa và thắt đau từng khúc ruột mỗi khi nhìn thấy đồng đội hy sinh, nhất là những đồng đội bị thương nặng, chết dần trong đớn đau giữa mưa bom, bão đạn, thật là tàn khốc. Bà mong muốn truyền lại và đặt rất nhiều niềm tin ở thế hệ hôm nay, phải sống sao cho xứng với những mất mát to lớn của thế hệ cha, ông; phải hiểu sâu sắc hơn về cái giá của sự hòa bình.

Chia tay Sơn La, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, trong tôi vẫn vẹn nguyên những câu chuyện tiễu phỉ thời đánh Pháp; những nhọc nhằn trong cuộc sống của nhiều thương, bệnh binh, gia đình chính sách. Đậm in những nụ cười đôn hậu, hiền hòa của Mẹ Việt Nam Anh hùng, của những thương binh nặng. Cho dù cuộc sống vẫn còn muôn vàn khó khăn, nhưng trong họ đều có chung một nỗi niềm là làm thế nào để thế hệ hôm nay phải sống sao không uổng máu xương của lớp người đi trước, phải khát vọng cống hiến, cống hiến thật nhiều hơn nữa cho Tổ quốc ngày thêm phồn vinh.

Sau 70 năm, những con người đã góp phần làm nên lịch sử, cho Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam, hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng, đúng như cố nhà thơ Tố Hữu đã viết. Tuy nhiên, cuộc sống thường nhật của một số thương binh, gia đình chính sách vẫn còn đó những khó khăn. Để tiếp tục giúp đỡ những đối tượng chính sách có cuộc sống bằng, hoặc tốt hơn ở nơi mình đang sống, dịp  Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ năm nay, Đảng, Nhà nước ta đã có chủ trương và kêu gọi đồng bào cả nước tiếp tục đồng lòng, chung sức quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực; quan tâm, chăm lo thật tốt cho các đối tượng chính sách… Qua đó tiếp lửa truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, cùng nhau tiếp thêm ý chí, niềm tin trong sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Bài, ảnh: TRUNG HIẾU

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.