Thứ bảy Ngày 04 Tháng 05 Năm 2024, 09:09:07

Tiếng hò động viên chiến sĩ “chân đồng vai sắt”

Ngày đăng: 23/04/2024

QK2 – Ngay từ thuở nhỏ, các thế hệ thiếu nhi Việt Nam biết đến Nhạc sĩ Hoàng Vân bởi ông là tác giả của hàng loạt các ca khúc nổi tiếng như:  “Em yêu trường em”, “Con chim vành khuyên”, “Mùa hoa phượng nở”, “Ca ngợi Tổ quốc” và sau này là ca khúc “Đường lên đỉnh núi” – Ca khúc chủ đề của Chương trình "Đường lên đỉnh Olympia"… Rồi lớn lên và trưởng thành, tham gia cách mạng, nhiều người yêu âm nhạc qua các thế hệ lại được biết đến Hoàng Vân qua các ca khúc nổi tiếng của ông, trở thành bài hát truyền thống của các địa phương, các ngành như “Quảng Bình quê ta ơi”, “Tôi là người thợ mỏ”, “Bài ca xây dựng”, “Bài ca người giáo viên nhân dân”, “Tình ca Tây Nguyên.”, “Hát về cây lúa hôm nay”, “Tình yêu của đất và nước”… Trong Quân đội, nhất là lực lượng pháo binh, không ai không biết đến ca khúc “Hò kéo pháo”. Với ca khúc này, người nhạc sĩ tài hoa ấy lấy cảm hứng và hoàn thành ngay trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nơi ông đã trực tiếp tham gia chiến đấu 70 năm về trước.

Cụm tượng đài kéo pháo vào trận địa tại xã Nà Nhạn, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Thuở sinh thời, nhạc sĩ Hoàng Vân từng tâm sự, khi quân và dân ta chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông chưa phải là nhạc sĩ chuyên nghiệp, được điều động về làm chính trị viên đội văn công của Sư đoàn 312. Khi làm nhiệm vụ có mặt tại các trận địa, ông đã được mắt thấy, tai nghe các chiến sĩ pháo binh đẫm mồ hôi trong sương đêm rét mướt cuối mùa đông, đầu mùa xuân năm 1954, kéo những khẩu pháo nặng vượt qua những núi cao, đèo dốc hiểm trở trong bí mật. Rồi khi pháo kéo được vào trận địa thì chiến dịch có sự thay đổi phương phâm từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Từ sự thay đổi đó buộc bộ đội ta phải kéo pháo từ trận địa bí mật ra ngoài để đảm bảo an toàn. Kéo được pháo vào đã muôn trùng vất vả, khó khăn, kéo pháo ra lại gian khổ gấp bội phần bởi lúc này quân địch thường xuyên “ném bom, nhả đạn”, cùng với đó là tư tưởng phần nào bị ảnh hưởng.

Người cán bộ chính trị Hoàng Vân còn được bộ đội kể cho nghe câu chuyện pháo thủ Nguyễn Văn Chức lao cả thân mình vào bánh pháo để “cứu” pháo khỏi tuột xuống vực, chiến sĩ Tô Vĩnh Diện hy sinh thân mình chèn pháo…  Hình ảnh các chiến sĩ pháo binh luôn hiển hiện tâm trí ông. Trong một đêm rất lạnh, nằm trong hầm tối trùm chăn kín chân vì muỗi vàng đốt như ong châm,  tiếng đập cánh, tiếng gà gáy rất gần… Ông xúc động mở sổ tay ghi những cảm hứng âm nhạc đầu tiên xuất hiện. Khi cảm xúc thực trào dâng, “Hò kéo pháo” hoàn thành, được Hoàng Vân lấy que ghim lên vách hầm như một bài báo tường. Ngay sau khi bài hát ra đời, lập tức được các thành viên của đội văn công mang đi phục vụ “thắp” thêm lòng quyết tâm chiến đấu và tăng thêm sức mạnh cho các chiến sĩ, dân công ngay bên các khẩu pháo, chiến hào.

70 năm qua đi, nhạc sĩ Hoàng Vân đã về cõi vĩnh hằng, nhưng sự nghiệp và kho tàng âm nhạc đồ sộ của ông để lại còn mãi. “Hò kéo pháo”, tiếng hò động viên tinh thần không chỉ với bộ đội pháo binh “chân đồng vai sắt, đánh giỏi bắn trúng”, mà còn là lời động viên, thôi thúc toàn thể cán bộ, chiến sĩ mỗi lúc vượt khó khăn, bằng tinh thần đoàn kết, quyết tâm thì núi cao nào cũng có thể vượt qua và giành thắng lợi.

VIỆT LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.