Chủ nhật Ngày 05 Tháng 05 Năm 2024, 01:35:52

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thượng tướng Song Hào (20-8-1917​ / 20-8-2017)

Ngày đăng: 15/08/2017

THƯỢNG TƯỚNG SONG HÀO CH ĐẠO

GIÀNH CHÍNH QUYN TỈNH TUYÊN QUANG, HÀ GIANG

Thiếu tướng Phạm Đức Duyên,

Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Phó Chính ủy Quân khu

Thượng tướng Song Hào, nguyên Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị kiêm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. – Người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà chính trị, quân sự xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Giai đoạn 1947-1950, cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang Quân khu 2 rất vinh dự và tự hào được Thượng tướng Song Hào trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy, dìu dắt trên các cương vị là Chính ủy Liên khu 10, Bí thư Quân khu ủy; Chính ủy Khu Tây Bắc và Trưởng ban Cán sự bộ đội tình nguyện vùng Thượng Lào. Trước đó, Thượng tướng Song Hào được tổ chức Đảng giao phụ trách giành chính quyền ở hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Từ phải sang, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Song Hào, Thiếu tướng Vũ Xuân Chiêm, Thượng tướng Hoàng Văn Thái bàn kế hoạch giải phóng Tây Nguyên năm 1975 (ảnh tư liệu) .

Từ phải sang, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Song Hào, Thiếu tướng Vũ Xuân Chiêm, Thượng tướng Hoàng Văn Thái bàn kế hoạch giải phóng Tây Nguyên năm 1975 (ảnh tư liệu) .

Là người sớm giác ngộ cách mạng, đồng chí Song Hào đã nỗ lực dâng hiến cả tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Từ đầu năm 1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án và giam cầm, đày ải, tra tấn ở nhiều nhà tù khét tiếng, nhưng đồng chí đã cùng nhiều đảng viên kiên trung luôn giữ vững khí tiết cách mạng, tích cực tham gia các cuộc đấu tranh, biến ngục tù của kẻ thù thành nơi rèn luyện, học tập và trau dồi đạo đức, lý tưởng cộng sản. Năm 1943, được chỉ định làm Bí thư chi bộ tại nhà tù Chợ Chu, đồng chí cùng tập thể chi bộ chủ động móc nối liên lạc với tổ chức đảng ngoài nhà tù để hoạt động. Đến tháng 10/1944, được sự chỉ đạo của Đảng, đồng chí tổ chức vượt ngục khỏi nhà tù Chợ Chu về vùng Tuyên Quang, Thái Nguyên hoạt động và được Xứ ủy Bắc Kỳ phân công làm Bí thư phân khu Nguyễn Huệ (bao gồm: tả ngạn sông Cầu, một phần tỉnh Thái Nguyên và một phần tỉnh Bắc Cạn và toàn bộ hai tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang).

Trước thực tế phong trào đấu tranh của phân khu tuy đã lên, nhưng chưa đều khắp; đồng chí Song Hào đã cùng Ban chỉ huy phân khu xác định phải phân tán lực lượng, tập trung quân số sang châu Sơn Dương (nay là huyện Sơn Dương, Tuyên Quang), dựa vào cơ sở đã có để tuyên truyền giác ngộ quần chúng, mở rộng cơ sở cách mạng.

Quán triệt đường lối khởi nghĩa vũ trang của Đảng và Khu ủy, với trọng trách là Bí thư Phân khu ủy, đồng chí Song Hào luôn đặc biệt chú trọng nhiệm vụ xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang. Những ngày đầu phong trào còn mỏng, chưa có “chỗ đứng”, phải nằm rừng, ngủ suối, dùng măng nứa, củ mài, nước suối cầm hơi. Đêm xuống bản làng, ngày đợi từng người lên nương rẫy để gặp gỡ, làm quen, rồi tuyên truyền giác ngộ. Với phương hướng hoạt động đúng đắn, cùng sự nỗ lực vượt bậc của đồng chí Song Hào và các đồng chí cán bộ nòng cốt, nên phong trào đấu tranh ngày càng phát triển mạnh mẽ thanh thế cách mạng ngày càng lớn, sẵn sàng đón đợi chỉ thị khởi nghĩa của Đảng.

Để kịp thời đáp ứng nhiệm vụ và thời cơ khởi nghĩa, tháng 2/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập đội Cứu quốc quân 3, đồng chí Song Hào được chỉ định làm chính trị viên. Sự ra đời của đội Cứu quốc quân 3 đã tạo điều kiện cho cơ sở cách mạng các nơi phát triển đều và rộng khắp. Cả châu Sơn Dương và vùng Chợ Chu (Định Hóa, Thái Nguyên) đã trở thành vùng căn cứ cách mạng rộng lớn, vững chắc.

Đầu tháng 3-1945, trước tình hình bọn tổng lý, kỳ hào, quan lại, binh lính địch ở các vùng gần thị xã, huyện lỵ của Tuyên Quang đã hoang mang cực độ. Nhận thấy thời cơ khởi nghĩa đã đến, mặc dù chưa nhận được chỉ thị của Xứ ủy, nhưng ngày 10-3 đồng chí Song Hào đã triệu tập và chủ trì cuộc họp Phân khu ủy phân khu Nguyễn Huệ tại khu rừng Khuôn Kẹn (xã Tân Trào) và quyết định: Thời cơ đã đến, cần nhanh chóng cướp lấy chính quyền và chọn xã Thanh La (nay là xã Minh Thanh/Sơn Dương) làm điểm để chỉ đạo, với tư tưởng phải chắc thắng để gây thanh thế.

Sau khi chỉ đạo xã Thanh La giành được chính quyền thắng lợi, Phân khu uỷ tổ chức khuếch trương chiến quả, cướp chính quyền ở các địa phương khác. Tại Phượng Liễn, quân Pháp có đầy đủ vũ khí hiện đại và rất ngoan cố; nếu tiến công, địch sẽ điên cuồng chống cự, nhân dân không thể tránh khỏi thiệt hại. Bằng sự am hiểu nghệ thuật quân sự và thấu hiểu những hy sinh mất mát của nhân dân; đồng chí Song Hào cùng tập thể Phân khu uỷ quyết định “nới rộng vòng vây” lừa địch rút chạy, thừa cơ bắt sống hoặc tiêu diệt ở ngoài làng. Đúng nhận định, sáng ngày 12-3 địch bỏ chạy, nhưng đã bị lực lượng của ta trừng trị thích đáng. Nhận thấy địch đang hoang mang, tan rã tới cực điểm, Phân khu ủy kịp thời chỉ đạo giành được chính quyền ở huyện Sơn Dương (châu Sơn Dương hoàn toàn giải phóng và đổi tên thành châu Tự Do). Tiếp đó, giành chính quyền thắng lợi ở châu Định Hoá/Thái Nguyên và châu Chiêm Hóa, Na Hang/Tuyên Quang.

Lĩnh hội chủ trương của Hội nghị quân sự Bắc Kỳ (4-1945). Phân khu Nguyễn Huệ dưới sự lãnh đạo của đồng chí Song Hào và Phân khu uỷ phong trào giải phóng ngày càng mãnh liệt hơn. Đến đầu tháng 6-1945, chính quyền mới đã được thiết lập ở hầu hết tỉnh Tuyên Quang (trừ thị xã) và nhiều huyện, xã thuộc các tỉnh lân cận.

Hội nghị cán bộ Trung ương (giữa tháng 6-1945) quyết định thống nhất các phân khu thuộc 6 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang thành Khu giải phóng; và Tân Trào được chọn làm trung tâm căn cứ địa Khu giải phóng.

Từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945, Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng họp ở Nà Lừa, Sơn Dương, họp bàn về khởi nghĩa cách mạng. 23 giờ ngày 13-8, Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc hạ lệnh Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc. Ngay trong đêm ngày 15-8, đồng chí Song Hào được giao nhiệm vụ về Tuyên Quang phụ trách khởi nghĩa ở các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái và Hà Giang.

Ngày 16-8, đồng chí Song Hào cùng Tỉnh ủy Tuyên Quang họp Quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa, gồm 4 đồng chí, do đồng chí Song Hào làm Chủ tịch. Kế hoạch khởi nghĩa theo phương châm: Đánh địch bằng cả quân sự, chính trị và binh vận; tùy tình hình để đẩy mạnh hoạt động quân sự hay địch vận, hoặc song song cả hai.

Ngày 17-8, ta nhanh chóng giành thắng lợi ở trại bảo an và chiếm các công sở, tên tỉnh trưởng bù nhìn vội vã đầu hàng. Tuy vậy, trận tiến công doanh trại quân Nhật diễn ra rất quyết liệt và kéo dài, do lực lượng địch đông (hơn một tiểu đoàn), có súng cối, sơn pháo và tường cao, hào sâu. Trước tình hình trên, đồng chí Song Hào và Uỷ ban khởi nghĩa tỉnh quyết định: Tuyên bố thành lập Ủy ban nhân dân lâm thời thị xã và toàn tỉnh Tuyên Quang; đồng thời, chuyển toàn bộ lực lượng mở nhiều đợt tiến công mãnh liệt quân Nhật, đến sáng ngày 21-8, Tuyên Quang hoàn toàn được giải phóng.

Trong lúc đó, ở Hà Giang tình hình vô cùng khó khăn. Thực tế, khi cả nước tiến hành tổng khởi nghĩa, do không nhận được chỉ đạo và thiếu chuẩn bị nên Hà Giang đã bỏ lỡ thời cơ khởi nghĩa. Vì vậy, bọn thổ phỉ và Việt Nam Quốc dân đảng lợi dụng chính quyền cách mạng của ta chưa vững chắc, tiến hành đàn áp, bắt bớ, giam cầm quần chúng cứu quốc và cơ sở Việt Minh… Không khí tang thương lan tràn khắp thị xã. Trước tình hình đó, Đảng quyết tâm phải nhanh chóng giành chính quyền ở Hà Giang. Được tổ chức phân công, đồng chí Song Hào đã hành quân gấp lên Hà Giang phụ trách giành chính quyền. Từ ngày 23-9-1945, kẻ thù chính của nhân dân ta là thực dân Pháp, nhưng ở Hà Giang kẻ thù trực tiếp, nguy hiểm là bọn Việt Nam Quốc dân đảng và tay sai.

Đầu tháng 10-1945, Trung ương Đảng giao nhiệm vụ cho Ban chỉ đạo liên tỉnh Hà Giang-Tuyên Quang-Thái Nguyên và đồng chí Song Hào (Xứ ủy viên Bắc Kỳ) trực tiếp chỉ đạo giải phóng Hà Giang. Dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo liên tỉnh, đặc biệt là vai trò cá nhân của đồng chí Song Hào, trong tháng 11/1945, ta đã giải phóng phần lớn tỉnh Hà Giang (chỉ trừ thị xã Hà Giang).

Tại thị xã Hà Giang, bọn Quốc dân đảng đã lừa bịp, mua chuộc và thu phục được lực lượng khố đỏ phục vụ mục đích phản động của chúng. Qua nghiên cứu tình hình, đồng chí Song Hào cùng cấp uỷ Hà Giang xác định: Phải tiến hành đấu tranh bền bỉ, kiên trì với địch bằng tuyên truyền vận động cách mạng, triệt để lợi dụng và lôi kéo thu phục từng bộ phận lực lượng địch về với cách mạng, hoặc trung lập chúng để tập trung mũi nhọn đấu tranh vào kẻ thù chính. Từ đó chủ trương: Vận động giác ngộ chính trị lực lượng lính khố đỏ về với cách mạng, sau đó thanh toán bọn Việt Nam Quốc dân đảng.

Cuộc “chiến đấu chính trị thầm lặng”, đấu trí giữa ta và lực lượng tay sai của Việt Nam Quốc dân đảng diễn ra hết sức kiên trì, nhẫn nại, nhưng kiên quyết. Sau khi cảm hoá được lực lượng lính khố đỏ, ngày 8-12-1945, ta chỉ đạo làm binh biến; toàn bộ chỉ huy và binh lính Việt Nam Quốc dân đảng bị bắt và tiêu diệt, ta thu hàng tấn vũ khí, đạn dược các loại… Ngày 25-12-1945, Uỷ ban hành chính lâm thời tỉnh Hà Giang được thành lập. Những ngày sau đó, đồng chí Song Hào tiếp tục được Xứ ủy Bắc Kỳ giao phụ trách các tỉnh: Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu nhanh chóng ổn định tình hình và giữ vững chính quyền cách mạng.

Mặc dù thời gian gắn bó của Thượng tướng Song Hào với quân và dân tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang không dài, nhưng vào thời điểm bước ngoặt lịch sử. Thắng lợi của hai tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang trong Cách mạng tháng Tám – 1945 bắt nguồn từ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, trong đó có nhiều cống hiến quý báu của đồng chí Thượng tướng Song Hào. Trên cương vị của mình, đồng chí đã góp phần rất quan trọng để phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang đập tan bộ máy chính quyền bù nhìn và bè lũ cướp nước, phản động; xây dựng nên chính quyền dân chủ nhân dân, góp phần vào thắng lợi của Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 trên phạm vi cả nước, cũng như bảo vệ chính quyền cách mạng, xây dựng tiềm lực chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược sau này.

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thượng tướng Song Hào (1917 – 2017). Lực lượng vũ trang và cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc trên địa bàn Quân khu 2, xin bày tỏ tình cảm và lòng tri ân sâu sắc tới Thượng tướng Song Hào – Người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà chính trị, quân sự xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam về những công lao đóng góp và tình cảm mà đồng chí đã dành cho chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang trên địa bàn Quân khu. Lực lượng vũ trang Quân khu 2 mãi mãi trân trọng ghi nhớ, nguyện tiếp bước con đường cách mạng vẻ vang của Đảng mà đồng chí Thượng tướng Song Hào đã lựa chọn và cống hiến.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.