Thứ bảy Ngày 27 Tháng 04 Năm 2024, 01:39:40

Sắt son niềm tin với Đảng

Ngày đăng: 30/04/2020

QK2 – Trong một ngày cuối tháng Tư rực nắng, chúng tôi có dịp tìm về xã Phượng Vĩ, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ), nơi có người anh hùng nổi danh những chiến công lưu trong sổ sách, nhưng lại thầm lặng, kín tiếng ở ngoài đời suốt hơn 40 năm kể từ ngày đất nước thống nhất. Thế nhưng, hình ảnh về các trận chiến bên đồng đội cùng những vết thương trên cơ thể vẫn luôn hằn sâu trong tâm trí của người cựu binh năm xưa.

Trung tướng Khuất Duy Tiến trao kỷ niệm chương của Sư đoàn 320 tặng CCB Nguyễn Xước Hiện tại nhà riêng (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Đó chính là Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Xước Hiện, nổi danh một thời là “Chiến sĩ diệt xe tăng” và “Dũng sĩ đường số 7” trong trận đánh then chốt của Chiến dịch Tây Nguyên mùa xuân lịch sử 1975. Chỉ với 5 quả đạn B41, người Phó Tiểu đội trưởng tiểu đội hỏa lực của Đại đội 3, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 năm xưa đã tiêu diệt 4 xe tăng M48, 1 xe bọc thép M113…; đồng thời, cùng 2 đồng đội trong tổ chiến đấu đã mưu trí gọi hàng, bắt sống hàng chục tên lính ngụy, lập lên chiến công “kép” của trận đánh huyền thoại tại Cheo Reo, đường 7 (tỉnh Gia Lai) ngày 19/3/1975, mà báo chí phương Tây gọi là “Trận truy kích lớn nhất Đông Dương”.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 được xây dựng từ tiền của các cơ quan, ban ngành, nhà hảo tâm ở địa phương và anh em đồng đội đơn vị cũ quyên góp, hộ trợ, đon đả bên tách chà mời khách, ông Hiện bộc bạch: Năm nay, kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, chúng tôi dự định tới thăm lại chiến trường xưa và thắp hương tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh, thế nhưng do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên ý nguyện đó phải tạm gác lại. Thay vào đó là chúng tôi ở nhà tự làm mâm cơm để thắp hương kính báo tổ tiên đã phù hộ cho mình được bình an trở về và tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh, nằm lại nơi chiến trường, không được hưởng niềm vui của ngày chiến thắng”.

Trò chuyện với người anh hùng, xoay quanh những ký ức về cuộc chiến của 45 năm trước, đã cho chúng tôi hiểu rõ hơn tinh thần yêu nước và ý chí chiến đấu kiên cường mà ông và các đồng đội đã trải qua trong những năm tháng ác liệt nhất của chiến tranh.

Nguyễn Xước Hiện sinh ra và lớn lên trong một gia đình công giáo. Do nhà nghèo, đông anh em lên mới học tới lớp 3 trường làng, cậu bé Hiện đã phải nghỉ học theo các anh chị để phụ giúp, san sẻ với gia đình về gánh nặng mưu sinh. Tròn 20 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 9/1972, chàng thanh niên Nguyễn Xước Hiện xung phong lên đường nhập ngũ, sau hàng loạt “mánh lới” giắt gạch vào lưng quần chỉ vì người nhỏ bé, gầy còm chưa được đủ 40 cân. “Ngày đó, anh em bạn bè của mình cũng lên đường nhập ngũ hết rồi. Mình thì chẳng đui què, mẻ sứt gì chỉ mỗi lỗi nhẹ cân quá; lần nào khám cũng bị trả về. Tới lần thứ tư đi khám tuyển, tôi giắt viên gạch vào lưng quần thì đủ cân, nhưng khi xuống huyện khám lại thì lại bị đánh tụt. Họ bảo tôi về nhà nhưng lần này tôi quyết không về. Cuối cùng họ đành phải chấp thuận và phát quân phục cho tôi, thế là tôi cũng được nhập ngũ” – ông Hiện cười hóm hỉnh nhớ lại.

Sau 3 tháng huấn luyện ở Bắc Thái, đầu năm 1973, Nguyễn Xước Hiện được điều động vượt Trường Sơn, phiên vào chiến đấu trong đội hình Đại đội 3, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, Mặt trận Tây Nguyên. Ngay sau bổ sung về đơn vị, ông đã được tham gia các trận đánh chống lấn chiếm ở Làng Dịt, Đồi 30, Đường 20, và Lệ Ngọc, Làng Siêu… Xuất thân trong gia đình nông dân chịu khó, chịu khổ từ bé nên trong bất kỳ cuộc hành quân chiến đấu nào ông Hiện cũng luôn xốc vác và giúp đỡ đồng đội. Khẩu B41 do ông phụ trách luôn là chỗ dựa vững tin trong mỗi trận đánh tiêu diệt hỏa điểm của địch.

“Mỗi trận, mỗi chiến công đều có mất mát, hy sinh, phải đánh đổi bằng máu xương của đồng đội và chính mình. Với tôi, đã từng tham gia rất nhiều trận đánh ở mọi thời điểm trong ngày, lúc rạng sáng, lúc nửa đêm, hay trưa, tối, chiều muộn… không thể nhớ hết được, trong đó trận đánh trên Đường số 7 tại Cheo Reo, thuộc tỉnh Phú Bồn (nay là thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) trong đó có Chiến dịch Tây Nguyên mùa xuân 1975 lịch sử”, ông Hiện bắt đầu câu chuyện với tôi về trận đánh lớn nhất đời mình như thế.

Ngày 10/3/1975, sau khi ta giải phóng Buôn Ma Thuột, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút khỏi Tây Nguyên, co cụm về đồng bằng duyên hải. Ngay sau đó, toàn bộ lực lượng còn lại của quân địch ở Tây Nguyên, chủ yếu là Quân đoàn 2 tháo chạy, hình thành một đạo quân lớn rút về Tuy Hòa theo Đường số 7 qua Cheo Reo. Vì vậy, thung lũng Cheo Reo trở thành mồ chôn quân giặc.

Theo lệnh của trên, Trung đoàn 64 và Trung đoàn 48 của Sư đoàn 320 phải nhanh chóng tiếp cận và bao vây toàn bộ Cheo Reo, Phú Bồn để chặn đường rút lui của địch. Suốt một đêm vượt qua núi đá hiểm trở và chạy tắt 8km đường rừng, sáng 18/3/1975, Đại đội 3, Tiểu đoàn 7 của Nguyễn Xước Hiện được lệnh chốt chặn tại cầu Cây Sung, nam Cheo Reo. Khi đó, đoạn Đường số 7 từ cầu Sông Bờ đến cầu Cây Sung dài 4km tập trung hàng trăm xe thiết giáp và hàng chục nghìn lính địch cùng hành trăm xe quân sự đang hành quân. Do bị Tiểu đoàn 9 của Trung đoàn 64 đánh vào đội hình trên cầu Sông Bờ, hàng chục xe tăng và xe thiết giáp của địch mở đường máu điên cuồng bắn phá và rút chạy. Lúc này, lực lượng quân ta vừa đến nơi chỉ có Tiểu đoàn 9 và Tiểu đoàn 7, nhưng phải tổ chức chiến đấu chống lại 3 liên đoàn biệt động quân, 2 chiến đoàn xe tăng thiết giáp và hàng trăm khẩu pháo của địch. Đại đội 3 của Hiện chốt chặn tại cầu Cây Sung quyết không cho địch chạy thoát về phía biển Tuy Hòa.

Địch nhận rõ chốt chặn hiểm ấy nên sáng 19/3, chúng tổ chức nhiều đợt tấn công với hàng nghìn lính cùng hàng chục xe tăng tràn vào trận địa Đại đội 3. Lúc này, đại đội có 44 súng AK, 8 khẩu B40 và 2 khẩu B41 quyết tâm chặn địch để tiêu diệt. Có lúc địch dùng 51 xe, trong đó có 15 xe tăng đánh tràn vào các chốt. Xe tăng chúng đè lên cả hầm chốt của các chiến sĩ của ta. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Tiểu đội phó Nguyễn Xước Hiện dẫn 3 chiến sĩ mới lần đầu ra trận chặn xe tăng địch. Chỉ trong buổi sáng 19/3 đáng nhớ ấy, khẩu B41 của Hiện đã bắn 5 quả đạn đều trúng mục tiêu, làm 4 xe tăng M48 của địch bốc cháy, 1 xe M113 chở đầy lính lao xuống sông sau khi bị anh bắn quả đạn thứ 5 tiêu diệt nốt. Phấn khởi noi gương xạ thủ Hiện, Đại đội 3 lao vào tiêu diệt địch nhưng quân địch liều lĩnh cho xe làm sập cầu. Trận chiến đấu càng quyết liệt hơn. Hết đạn B41, Hiện dùng súng AK của một đồng đội đã hy sinh tiêu diệt bộ binh địch, đuổi chúng ra tận bờ sông Ba. Cho tới chiều 19/3, anh đã tiêu diệt 20 tên và bắt sống tại trận 10 tên địch. Suốt một ngày đánh địch, cơm không kịp ăn, nước bi đông cạn khô, mặt mũi đen sạm khói súng, Nguyễn Xước Hiện cùng đại đội tiêu diệt hàng trăm tên địch và tiêu diệt hơn 10 xe tăng tại cầu Cây Sung. Toàn bộ ý đồ rút về duyên hải của quân đoàn 2 địch bị phá sản hoàn toàn. Đó là điểm sáng chói trong trận chiến đấu then chốt thứ ba của Chiến dịch Tây Nguyên 1975. Sau trận này, Nguyễn Xước Hiện được công nhận danh hiệu Dũng sĩ diệt xe cơ giới cấp ưu tú, Dũng sĩ diệt địch cấp ưu tú, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì ngày 15/4/1975.

Những ngày sau, Hiện cùng đơn vị đánh vào thị xã Củng Sơn, Phú Túc và ngày 1/4/1975 tiến công địch ở Hòn Một, Tuy Hòa. Tại đây, anh bị trúng mảnh pháo vào đầu nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu cùng đồng đội cho đến trận đánh cuối cùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với Tổ quốc, cuối năm 1977, Nguyễn Xước Hiện xuất ngũ trở về địa phương, anh tham gia dân quân xã, là hội viên Hội Cực chiến binh xã Phượng Vĩ. Di chứng từ những ngày lăn lộn nơi chiến trường ác liệt khiến sức khỏe ông ngày một giảm sút, kinh tế gia đình kiệt quệ. Cuộc sống của anh gặp nhiều bất hạnh, nhưng chưa bao giờ ông kêu ca, chán nản. Người vợ ông cưới trước khi lên đường nhập ngũ đã không đợi ông về mà bỏ đi với người khác. Năm 1979, ông gá nghĩa với chị Nguyễn Thị Nghĩa, người xã bên – người vợ đã tần tảo, chịu thương, chịu khó cùng anh vượt qua bao nỗi bất hạnh, từ đứa con đầu tiên đến 5 đứa tiếp sau đều mất sau khi sinh…  Vợ chồng ông đau xót mà không hiểu tại sao. Mãi sau này ông mới biết, mình bị ảnh hưởng bởi nhiễm chất độc hóa học trong những năm tháng chiến đấu trên chiến trường miền Nam, Tây Nguyên.

Thế rồi mới đây, anh em đồng đội đơn vị cũ tìm được địa chỉ, đích thân Trung tướng Khuất Duy Tiến về thăm, trao Kỷ niệm chương Sư đoàn 320 và xúc tiến việc làm thủ tục đề nghị Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho ông thì dân làng mới ngỡ ngàng biết quê hương mình có một người con anh hùng nhưng khiêm tốn, giản dị đến vậy. Cảm thông với hoàn cảnh gia đình anh, năm 2015, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê đã trực tiếp đứng ra vận động các cơ quan, đoàn thể cùng sự giúp đỡ của đồng đội trước đây đã xây tặng gia đình ông căn nhà tình nghĩa khang trang. Ngày 26/7/2017, Bộ Tư lệnh Quân khu đã có quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp hằng tháng cho ông. Giáo xứ Phượng Vĩ đã lấy tấm gương ông để giáo dục cho cộng đồng về tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu, lòng quả cảm cho giáo dân tin tưởng, biết ơn Đảng, Quân đội đã rèn luyện lên một người con yêu nước, biết hy sinh, xả thân vì Tổ quốc. 

Ghi nhận những chiến công và sự hy sinh cống hiến đối với Tổ quốc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, năm 2018, Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân đối với Nguyễn Xước Hiện. Đó là phần thưởng xứng đáng, lẽ ra được nhận từ lâu, thế nhưng ông luôn khiêm nhường, cho rằng: “Đảng, Nhà nước đưa tôi đi đánh giặc, rồi lại đưa tôi về quê thế này là tốt lắm rồi. Thành tích của mình đã thấm vào đâu so với hy sinh, mất mát của bao liệt sỹ, thương binh. Được sống, trở về lành lặn thế này là may mắn và hạnh phúc lắm rồi…”. Đây chính là phẩm chất cao đẹp của những người lính anh hùng, của một quân đội anh hùng, luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, giành độc lập, tự do cho dân tộc mà không mưu cầu lợi ích cá nhân – một trong những nhân tố quan trọng, quyết định làm lên chiến thắng lịch sử vẻ vang của dân tộc 45 năm về trước, mà Đảng, Nhà nước, đồng đội và quê hương không bao giờ quên.

Bài, ảnh: VŨ VIẾT DƯƠNG 

 

 

 

 


 

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.