Thứ bảy Ngày 27 Tháng 07 Năm 2024, 09:37:53

Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân

Ngày đăng: 18/04/2022

QK2 – Giữ vững, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” luôn có mối quan hệ thống nhất biện chứng với xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, bảo đảm quân đội luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; là nhân tố quan trọng tạo thành sức mạnh tổng hợp hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Để giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, mỗi cán bộ, đảng viên cần hiểu sâu sắc những câu chuyện về việc làm bình dị mà cao quý của các vĩ nhân, tiêu biểu nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Kỳ 1: Từ câu chuyện Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Sống giản dị và tiết kiệm sẽ mang lại giá trị vật chất cho những người thiếu thốn hơn. Khi ta biết tiết kiệm ta sẽ luôn hạnh phúc, với những gì mình đang có và phát triển lòng yêu thương con người. Tại sao Bác Hồ lại sống tiết kiệm? Tại sao Đại tướng Võ Nguyên Giáp giỏi lại không kiêu ngạo, không lợi ích cá nhân?…

Đại tá La Văn Cầu, Anh hùng LLVT Nhân dân kể chuyện chiến đấu với chiến sĩ Trung đoàn 174 (Sư đoàn 316).

 

BÀI HỌC VỀ TÍNH TIẾT KIỆM

Bác Hồ luôn là tấm gương sáng về việc thực hành tiết kiệm. Áo của Bác rách, có khi vá đi vá lại nhiều lần, Bác mới chịu thay áo mới. Còn chiếc áo gối màu xanh của Bác, dù rách tươm tất nhưng Bác vẫn dùng, vì theo Bác nó vẫn còn dùng được.

Khi còn ở Việt Bắc, có một lần Bác đi công tác về trễ. Bác ghé qua văn phòng để nghỉ lại một thời gian ngắn, nhưng vì quá mệt mỏi, Bác không ăn cơm được. Lúc này một cán bộ chăm sóc Bác đề nghị cô bếp nấu một bát cháo nóng để Bác ăn. Nghe vậy, Bác bảo cô hãy nấu cháo cho Bác bằng cơm nguội, vừa mau chín, vừa tiết kiệm được gạo, khỏi phải phí cơm thừa.

Nhiều lần khác, Bác không đồng ý tổ chức lễ kỷ niệm sinh nhật mình như một sự kiện lớn trong năm. Thay vào đó, Bác bảo rằng, giấy mực và tiền bạc dùng để tuyên truyền về sinh nhật Bác, thì nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các em học sinh vào năm học mới.

Khi Bác có tuổi mắt giảm thị lực, hãng Thông tấn xã Việt Nam không in các bản tin hai mặt theo yêu cầu của Bác nữa mà in một mặt gửi đến Bác dễ đọc hơn. Sau khi xem xong, những tin cần thiết Bác giữ lại, những bản tin khác Bác yêu cầu tận dụng mặt giấy còn lại để làm phong bì hoặc làm giấy viết.

Các đồng chí cấp dưới thầm cảm phục đức tính tiết kiệm và tinh thần luôn lo nghĩ cho dân, cho nước của Bác dù là việc nhỏ nhất. Tinh giản nhu cầu cá nhân phục vụ lợi ích chung của đồng bào luôn được Bác ưu tiên chọn lựa. Lối sống tiết kiệm giản dị của Bác đã và sẽ mãi là tấm gương sáng về nhân cách sống để các thế hệ học tập. Ở mỗi cương vị, chức trách được giao, mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta hãy soi lại những hành động và lời nói của mình, xem mình đã thật sự tiết kiệm cho cơ quan, đơn vị mình được bao nhiêu?…

ĐẠI TƯỚNG BÌNH DỊ

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người vô cùng liêm chính, công tư và phân minh. Nhờ lập nhiều chiến công cho đất nước nên con cháu ông được quan tâm, hưởng nhiều đặc ân. Như có được vị trí quan trọng ở cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, khi nhận được tin, ông đều từ chối và luôn để cho con cháu tự nỗ lực, phấn đấu như bao người khác. Đại tướng từng nói “Làm vậy chỉ tăng sự ỷ lại. Chứ làm gì còn chịu tu dưỡng, học hành, phấn đấu. Rồi liệu có làm nên việc hay không?”

Rồi khi lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và người trong dòng họ muốn xây nhà thờ họ Võ bằng gỗ lim quý giá, Đại tướng liền can ngăn “Đừng làm như thế rồi trở thành tiền lệ, khiến ai làm nhà thờ cũng khai thác gỗ, rồi lợi dụng việc khai thác đó để tư lợi cá nhân. Nên tốt nhất là làm gỗ vườn”. Cuối cùng nhà thờ của họ Võ được làm bằng gỗ mít, vừa giản dị nhưng cũng thật uy nghiêm.

Đặc biệt nhất là khi Đại tướng về quê, không bao giờ ông đi xe tới trước cổng nhà, mà chỉ dừng ở ngoài xa rồi đi bộ vào nhà. Vì ông muốn được gặp gỡ, nắm tay, thăm hỏi và ôm hôn bà con xóm làng, những người quý mến ông. Chính những hành động thể hiện lối sống cao đẹp ấy đã tạo nên hình ảnh bình dị và gần gũi của Đại tướng tài ba Võ Nguyên Giáp.

Bài học rút ra qua câu chuyện này, đó là cho dù bản thân có đạt được thành tích cao đến mấy, có tài giỏi đến đâu thì cũng không nên kiêu ngạo, tranh công, lợi dụng quyền thế để phục vụ lợi ích cá nhân. Thay vào đó chúng ta nên giản dị, gần gũi, chân thành, yêu thương và chia sẻ với những người xung quanh. Có như thế mọi người mới kính trọng và thân tâm được an nhàn.

Bài, ảnh: CAO XUÂN

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.