Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 07:41:19

Những mái ấm trên đỉnh Si Pa Phìn

Ngày đăng: 28/11/2016

Được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng ủy, chỉ huy Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 379 (KT-QP 379), Bộ CHQS tỉnh Điện Biên, hàng chục cán bộ, nhân viên quê ở miền xuôi, hiện đang công tác tại đơn vị đã quyết định đưa vợ con lên lập nghiệp nơi biên cương Tổ quốc, trở thành láng giềng gần gũi của bà con bản Nậm Chim, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.

Hết giờ làm việc buổi chiều, Thiếu tá QNCN Nguyễn Trọng Loan, nhân viên Phòng Hậu cần-kỹ thuật, Đoàn KT-QP 379 trở về ngôi nhà nhỏ thân thuộc của mình ở bản Nậm Chim. Hôm nay anh rất vui, bởi con gái lớn là cháu Nguyễn Thị Bích Phượng, sinh viên năm thứ ba Khoa Giao thông đường bộ, Trường Đại học Giao thông vận tải về thăm nhà. Vừa nhìn thấy bố, cô sinh viên chạy ào ra, reo vui: “Bố ơi! Con được nghỉ học giữa kỳ nên về nhà với bố mẹ và em trai”.

Mái ấm hạnh phúc của gia đình Thiếu tá QNCN Nguyễn Trọng Loan. 

Mái ấm hạnh phúc của gia đình Thiếu tá QNCN Nguyễn Trọng Loan.

Cả nhà anh Loan quây quần cùng làm bữa cơm chiều cuối tuần trong không khí đầm ấm, vui vẻ. Người mổ gà, người nhặt rau, người nấu nướng, sắp xếp bát đũa… tiếng nói cười rôm rả. Vừa làm, cô con gái vừa kể cho bố mẹ nghe về kết quả học tập ở trường của mình; còn Nguyễn Anh Tuấn, học sinh Trường THCS Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ cũng khoe vừa được nhà trường chọn vào đội tuyển tham gia kỳ thi học sinh giỏi Toán cấp thành phố. Chị Cà Thị Hồng Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Si Pa Phìn, vợ Thiếu tá QNCN Nguyễn Trọng Loan, vui vẻ tâm sự: “Cách đây 5 năm, gia đình tôi được Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KT-QP 379 tạo điều kiện cho mượn đất của đơn vị và hỗ trợ 20 triệu đồng làm nhà, giúp chúng tôi giải quyết được vấn đề nhà ở, vừa có điều kiện chăm lo việc học tập của các cháu. Từ khi có nơi ở ổn định, vợ chồng tôi càng yên tâm công tác, gắn bó với công việc”.

Được biết, Thiếu tá QNCN Nguyễn Trọng Loan quê ở xã Văn An, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, còn chị Thảo quê ở xã Chợ Giã, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Trước đây, cuộc sống của anh chị hết sức khó khăn, vất vả. Các con học ở ngoài thành phố, chị Thảo dạy học bên quê ngoại ở Bắc Kạn, anh Loan phải chạy đi chạy lại “một chốn bốn quê” với quãng đường cả nghìn cây số, khiến kinh tế gia đình chẳng khi nào có tích lũy. Từ khi được đơn vị cho mượn đất, hỗ trợ làm nhà, chị Thảo cũng xin chuyển công tác từ Bắc Kạn về Điện Biên để có điều kiện chăm sóc gia đình, lo cho các con ăn học, cuộc sống gia đình cũng vì thế mà từng bước được cải thiện.

Tại gia đình Trung úy QNCN Nguyễn Tiến Dũng, lái xe Phòng Hậu cần-kỹ thuật của đoàn, chúng tôi cũng được chứng kiến không khí đầm ấm, hạnh phúc. Anh Dũng quê ở xã Tử Đà, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Vợ anh là chị Lê Thu Loan, giáo viên Trường THCS xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Sau khi anh Dũng được đơn vị tạo điều kiện cho mượn đất, hỗ trợ xây nhà, chị Loan cũng quyết định chuyển công tác về Trường THCS xã Tân Phong, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên để được gần chồng, cùng nhau xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc.

Một mái ấm nữa phải kể đến là trường hợp của vợ chồng Trung úy QNCN Ngô Huy Phong, nhân viên thông tin Phòng Tham mưu-kế hoạch và Thượng úy QNCN Giàng Thị Tâm, y sĩ Bệnh xá quân dân y Đoàn KT-QP 379. Trước đây, khi chưa có điều kiện làm nhà, vợ chồng anh phải thuê nhà ngoài trung tâm xã, cách đơn vị hàng chục cây số, cuộc sống gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, cũng giống như các gia đình quân nhân khác ở bản Nậm Chim, được chỉ huy đơn vị quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ về nhà ở, nên kinh tế đã dần ổn định, hai vợ chồng đều yên tâm công tác, xác định gắn bó lâu dài với đơn vị.

Trao đổi với Đại tá Dương Mạnh Hùng, Phó đoàn trưởng Đoàn KT-QP 379, chúng tôi được biết, phần lớn đội ngũ cán bộ, nhân viên đang công tác tại đơn vị đều quê ở xa, điều kiện kinh tế còn nhiều vất vả, ít có điều kiện chăm lo cho gia đình. Một số cán bộ, nhân viên suốt cả năm chỉ có thể sắp xếp thời gian về thăm nhà một đến hai lần, bởi mỗi lần đi lại rất tốn kém. Những khó khăn đó ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng của bộ đội, khiến Đảng ủy, chỉ huy đoàn rất trăn trở; đã tiến hành họp bàn và đề nghị trên tạo điều kiện cho số quân nhân đã có gia đình, quê ở xa, được mượn đất của đơn vị làm nhà ở. Trong quá trình xây dựng nhà, đơn vị hỗ trợ mỗi gia đình quân nhân từ 15 đến 20 triệu đồng. Tính đến cuối năm 2016, khu gia đình quân nhân của đơn vị đã có hơn 20 hộ sinh sống.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, các quân nhân sau khi có điều kiện hợp lý hóa gia đình đều yên tâm công tác, xác định tốt nhiệm vụ, gắn bó lâu dài với đơn vị; nhiều đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được các cấp khen thưởng. Đặc biệt, các gia đình quân nhân ở Nậm Chim luôn tham gia tích cực vào các phong trào chung ở khu dân cư. Một số hoạt động ở địa phương được các gia đình quân nhân thực hiện tốt, luôn gương mẫu, đi đầu, là hạt nhân đoàn kết, tích cực trong tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc trên địa bàn chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh ở khu dân cư, xây dựng đơn vị vững mạnh, địa bàn an toàn.

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top