Thứ bảy Ngày 27 Tháng 04 Năm 2024, 03:16:46

Những dấu ấn trong quan hệ quốc phòng Việt – Pháp

Ngày đăng: 12/04/2018

Việt Nam từng là thuộc địa của Pháp trong gần 100 năm. Ngày 12-4-1973, hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Năm 2013, hai nước nâng quan hệ lên đối tác chiến lược. Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ Việt-Pháp, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh có bài viết đề cập những dấu ấn trong quan hệ quốc phòng Việt Nam-Pháp.

Sau 45 năm (1973-2018), quan hệ hai nước đã có sự phát triển mạnh mẽ về chất, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, quan hệ quốc phòng có những dấu ấn riêng, là một trong những trụ cột trong quan hệ giữa hai nước. Điều đó không phải ngẫu nhiên.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, với truyền thống nhân văn và tầm nhìn chiến lược, Việt Nam đã đối đãi nhân đạo, trao trả hàng ngàn tù binh, bệnh binh, cùng Pháp ký kết Hiệp định Geneve lập lại hòa bình, mong muốn xây dựng quan hệ hữu nghị lâu dài. Việt Nam nhìn nước Pháp không chỉ bằng ký ức đô hộ, chiến tranh, mà còn thấy những dấu ấn văn hóa, kiến trúc và đội ngũ trí thức, khoa học được đào tạo ở Pháp… Không ít người Pháp ngày càng thấu hiểu hơn về lịch sử, truyền thống, văn hóa của dân tộc Việt Nam và có những hành động hướng về tương lai. Cộng hòa Pháp là nơi diễn ra cuộc “đàm phán marathon” kéo dài gần 5 năm (từ tháng 5-1968 đến tháng 1-1973) để ký kết Hiệp định Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam. Trong những năm Việt Nam bị bao vây, cấm vận, Pháp là nước phương Tây duy nhất vẫn duy trì quan hệ văn hóa, khoa học, kỹ thuật với Việt Nam.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chứng kiến lễ ký văn kiện hợp tác Việt-Pháp Ảnh: Phạm Phong

Trong 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 5 năm quan hệ đối tác chiến lược, Pháp luôn là đối tác quan trọng của Việt Nam. Các mối quan hệ Việt-Pháp trong khuôn khổ song phương cũng như đa phương, phát triển ngày càng phong phú, đa dạng. Ở góc độ kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, y tế… Pháp là nhà tài trợ song phương hàng đầu châu Âu cho Việt Nam. Ở góc độ chính trị, ngoại giao, năm 1993, Tổng thống Pháp là nguyên thủ phương Tây đầu tiên thăm chính thức Việt Nam kể từ khi Việt Nam giành được độc lập năm 1954. Cho đến nay, đã có 11 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước. Mỗi chuyến thăm là một dấu mốc quan trọng để tăng cường quan hệ giữa hai nước. Đặc biệt, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng theo lời mời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ ngày 25 đến 28-3-2018 thể hiện sự tôn trọng, tin cậy của Pháp đối với thể chế chính trị của Việt Nam; tạo động lực mới, bước nhảy vọt trong quan hệ đối tác chiến lược Việt-Pháp.

Trong chuyến thăm này, nhìn lại quá khứ, Tổng thống và các nhà lãnh đạo Pháp chân thành bày tỏ: Lịch sử quan hệ hai nước có lúc thăng trầm, Pháp đã gây ra những vấn đề đáng tiếc, nhưng chưa bao giờ hai nước quay lưng lại với nhau. Pháp cũng có vấn đề trong quá khứ với một số nước tương tự như với Việt Nam và đã bỏ nhiều công sức, tiền của để xây dựng mối quan hệ mới, nhưng hiệu quả mang lại rất thấp. Pháp tự hào quan hệ với Việt Nam là thành công, hiệu quả nhất, trở thành một hình mẫu trong quan hệ quốc tế, dựa trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, tuân thủ luật pháp quốc tế, vì lợi ích của mỗi nước, quan hệ của hai nước và lợi ích chung của khu vực, thế giới. Đặc biệt, Pháp rất coi trọng, đánh giá cao kết quả hội đàm giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam; cho rằng sau 5 năm xác lập quan hệ đối tác chiến lược, đây là thời điểm hai bên có thể trao đổi thẳng thắn, đầy đủ và thực chất các vấn đề chiến lược mà hai bên cùng quan tâm. Các nhà chính trị, nghiên cứu quốc tế đánh giá chuyến thăm và kết quả hội đàm giữa lãnh đạo cao nhất hai nước là dấu mốc quan trọng đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt-Pháp phát triển toàn diện lên một tầm cao mới; đóng góp cho hòa bình, an ninh, ổn định của khu vực và thế giới.

Thông thường, do sự phức tạp, nhạy cảm, nhất là giữa các nước có thể chế chính trị khác nhau, đã từng xảy ra xung đột vũ trang, chiến tranh, quan hệ quân sự, quốc phòng dễ bị chi phối bởi sự cảnh giác, đề phòng, thường đi sau quan hệ kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục… và ít được đề cập rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng kể từ khi Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao, nhất là từ năm 2013, quan hệ quốc phòng giữa hai nước được xây dựng, củng cố, thể hiện sự tin cậy, trở thành một trong những trụ cột trong quan hệ đối tác chiến lược. Quan hệ quốc phòng Việt Nam và Pháp tận dụng kết quả quan hệ của các lĩnh vực khác, đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho quan hệ trên các lĩnh vực khác phát triển thuận lợi.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp cho rằng thời điểm hiện nay, quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước mới đầy đủ và thực sự thực chất, bởi chiến lược mà không có an ninh thì thiếu thực chất (an ninh quốc gia của Pháp và các nước phương Tây có vai trò, vị trí như khái niệm bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam, trong đó quốc phòng, an ninh giữ vai trò nòng cốt). Thông qua các cuộc đối thoại chiến lược quốc phòng, hai bên đã thể hiện sự tương đồng về nhiều vấn đề an ninh của khu vực, thế giới; trong đó có vấn đề tự do, an ninh hàng hải, hàng không ở Biển Đông, vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, chống khủng bố và giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp chủ quyền bằng biện pháp hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế… Là một quốc gia thuộc khu vực Thái Bình Dương, có nhiều nước là thuộc địa cũ, có lợi ích chiến lược ngày càng cao ở khu vực, Pháp coi châu Á-Thái Bình Dương là một trọng điểm chiến lược, khẳng định tăng cường sự hiện diện lâu dài, tiếp tục phát huy quan hệ, hợp tác kinh tế, văn hóa, ngoại giao, đồng thời đẩy mạnh quan hệ, hợp tác về quốc phòng, an ninh. Pháp đánh giá cao vai trò, uy tín của Việt Nam đối với khu vực, coi Việt Nam là một “đầu cầu”, là mấu chốt để gia tăng quan hệ, nối dài lợi ích chiến lược với ASEAN và khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Pháp hoan nghênh sự ủng hộ cũng như sáng kiến thiết thực của Việt Nam đối với mong muốn của Pháp sớm được tham gia chính thức vào cơ chế ADMM+, gia tăng sự hiện diện của Pháp vì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tiếp nối kết quả hợp tác những năm trước, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên khẳng định mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ, hợp tác quốc phòng trong tổng thể quan hệ đối tác chiến lược; tăng cường đối thoại chiến lược, mở rộng nội dung hợp tác quốc phòng với những hình thức mới, sự tin cậy cao. Hai bên hoan nghênh việc tàu quân sự Pháp thăm xã giao hoặc ghé đậu kỹ thuật tại Việt Nam. Tăng cường hợp tác giữa các tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, nghiên cứu sản xuất phương tiện trang bị lưỡng dụng; tiếp tục hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, mở rộng hợp tác nghiên cứu về các bệnh nhiệt đới, điều trị bệnh hiểm nghèo. Pháp sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam triển khai các phái bộ gìn giữ hòa bình tại địa bàn các nước nói tiếng Pháp.

Các văn bản ký kết và phương hướng hợp tác quốc phòng thời gian tới đã cụ thể hóa nội dung định hướng trong hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam và Pháp, phù hợp với quan điểm, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời thể hiện sự tin cậy, bước phát triển trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước, sự cởi mở trong hợp tác quốc phòng của Pháp. Phát biểu tại Điện Élysée ngày 27-3-2018 khi đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định: Chúng ta cùng gắn kết với nhau trong việc tôn trọng luật pháp quốc tế cũng như tự do hàng hải. Việc nước Pháp là một cường quốc hàng hải trong khu vực, cũng như Pháp có khả năng hỗ trợ tự chủ chiến lược của các đối tác là một yếu tố quan trọng về mặt này. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp bày tỏ: Không chỉ là đối tác chiến lược mà trong tương lai, Pháp mong muốn là “đối tác chiến lược tin cậy”, sát cánh với Việt Nam khi thuận lợi cũng như lúc khó khăn. Điều đó một lần nữa khẳng định giá trị của quan hệ đối tác chiến lược, vai trò quan trọng của đối ngoại nói chung, đối ngoại quốc phòng nói riêng, nhằm củng cố lòng tin chiến lược, đan xen lợi ích chiến lược, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế rộng rãi, ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, thực hiện bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Kết quả quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp trong các lĩnh vực nói chung, trong lĩnh vực quốc phòng nói riêng thể hiện sự tin cậy, thiện chí, thực chất và sự tôn trọng của Pháp với Việt Nam; minh chứng điều mà lãnh đạo cấp cao của Pháp bày tỏ: Chính phủ Pháp thay đổi theo từng giai đoạn, nhưng quan hệ Pháp-Việt Nam không thay đổi. Cơ sở của mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam và Pháp là đường lối chính trị đúng đắn, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, hài hòa giữa lợi ích quốc gia-dân tộc với lợi ích chung của khu vực, thế giới; là vị thế địa chiến lược, uy tín quốc tế của Việt Nam; sự tôn trọng, tuân thủ luật pháp quốc tế trong giải quyết các vấn đề tồn đọng của lịch sử, các mâu thuẫn, tranh chấp chủ quyền.

Nhận thức đúng đắn, đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của hợp tác quốc phòng Việt Nam-Pháp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trên cơ sở đường lối, quan điểm đối ngoại của Đảng, chúng ta cần triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả Đề án “Hội nhập quốc tế về quốc phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; các thỏa thuận về hợp tác quốc phòng trong chuyến thăm của  Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các văn kiện ký kết trong chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam tại Pháp vào thời gian tới.

Thượng tướng NGUYỄN CHÍ VỊNHỦy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng   

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top