Thứ ba Ngày 16 Tháng 04 Năm 2024, 05:00:01

Nhìn chức danh mà… chấm điểm

Ngày đăng: 30/10/2017

Mới đây, tôi có dịp gặp lại người bạn cũ hiện đang là cán bộ chính trị đơn vị X. Sau một hồi chuyện trò thân mật, hỏi thăm tình hình sức khỏe, gia đình, bạn tôi hồ hởi chia sẻ về kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị: “Đơn vị tiếp tục đạt danh hiệu huấn luyện giỏi, 100% cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, xác định tốt nhiệm vụ, bảo đảm tuyệt đối an toàn”. Như chưa “yên tâm”, anh bạn lấy trên bàn làm việc kết quả kiểm tra các mặt công tác của đơn vị vừa được trên gửi về. Trong đó, danh sách kiểm tra nhận thức chính trị năm của cán bộ, QNCN, hạ sĩ quan, chiến sĩ khiến tôi khá tò mò. Cụ thể, 100% cán bộ chủ trì kết quả đều đạt giỏi. Quân số còn lại chủ yếu… khá, khá cứng… hiếm mới có đồng chí cán bộ, nhân viên đạt giỏi. Nhìn bảng điểm “vàng” của đội ngũ cán bộ chủ trì đơn vị X, tôi chân thành chia vui với bạn. Tuy nhiên, cậu hồn nhiên bảo: “Chuyện đó chẳng có gì lạ đâu, điểm kiểm tra nhận thức chính trị năm nào cũng cơ bản như vậy . Lãnh đạo, chỉ huy đơn vị thì… đương nhiên phải đạt giỏi, nếu không làm sao nói được cấp dưới”.
Từ chia sẻ của người bạn thân thời học viên, tôi mới vỡ lẽ, thì ra đã thành thông lệ, quá trình chấm điểm kiểm tra chính trị hằng năm, những người “cầm cân nảy mực” các cấp bao giờ cũng “lưu tâm” đến đội ngũ cán bộ chủ trì các đơn vị. Những bài viết tốt, đủ điều kiện đạt giỏi thì không có gì phải bàn, còn bài nào yếu quá, thậm chí chỉ đạt điểm trung bình, thì “trên” bao giờ cũng chỉ đạo viết lại, cố gắng làm sao đủ điều kiện nâng lên giỏi. Đấy là chưa kể, số cán bộ chủ trì thường nằm trong danh sách bình bầu thi đua cuối năm, nếu điểm kiểm tra không “giỏi” thì coi như “công toi” một năm phấn đấu.
Kế hoạch kiểm tra chính trị hằng năm nhằm đánh giá thực chất nhận thức, năng lực của cán bộ, đảng viên, HSQ-CS trên các mặt công tác, đồng thời trang bị thế giới quan, phương pháp luận khoa học, bồi dưỡng lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội cho quân nhân. Vì vậy, nội dung kiểm tra cần được đánh giá một cách khách quan, toàn diện, không phân biệt cán bộ chủ trì hay cán bộ, nhân viên bình thường khác, không nên nhìn chức danh để cho điểm. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ chủ trì càng phải nghiêm túc trong thực hiện nội dung kiểm tra chính trị hằng năm, vừa giúp nâng cao trình độ, năng lực, nhận thức cho bản thân, làm cơ sở cho quá trình lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, vừa là tấm gương mẫu mực cho cấp dưới học tập, noi theo…
MAI PHƯƠNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.