Thứ năm Ngày 28 Tháng 03 Năm 2024, 04:53:14

Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự hài lòng với kết quả Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII

Ngày đăng: 30/11/2015

Đánh giá về kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu bày tỏ sự hài lòng với kết quả đạt được; đồng thời mong muốn, hoạt động của Quốc hội tiếp tục có sự đổi mới hơn nữa để mỗi Kỳ họp thật sự là diễn đàn của những người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của người dân.

Đánh giá cao kết quả Kỳ họp quốc hội lần thứ 10, Quốc hội khóa XIII, đa số đại biểu nhận định, đây là Kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ, đã hoàn thành khối lượng lớn chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và thực hiện quyền giám sát tối cao.

Theo đại biểu Đặng Thành Tâm (đoàn thành phố Hồ Chí Minh), Kỳ họp thứ 10 là một trong những kỳ họp có tính chất đột phá, đổi mới rất lớn. Kỳ họp được cử tri đánh giá cao, thậm chí người ta ca ngợi rất nhiều. Bản thân chúng tôi cũng cảm thấy tự hào vì mình là đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của Quốc hội khóa XIII, đặc biệt là kỳ họp thứ 10 này. Chất vấn kỳ này có bước đột phá rất lớn. Kỳ họp thứ 10 có sự đổi mới rất lớn trong chất vấn. Ai cũng thấy rằng kỳ chất vấn rất thú vị, chỉ có một điều tiếc là thời gian vẫn chưa đủ. Chúng tôi hi vọng ở kỳ họp sau hoạt động chất vấn còn sôi nổi hơn nữa.

Ví dụ, hiện nay chất vấn đã có những cải cách rất nhiều, song nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến rằng, vẫn chưa có sự tranh luận mà mới chỉ hỏi, trả lời một loạt. Vẫn có những đại biểu thấy tiếc vì chưa được trả lời. Tôi cũng đã hỏi các Bộ trưởng, có những Bộ trưởng cũng bày tỏ rằng chưa có thời gian để trả lời, giải bày tất cả. Chính vì vậy, có thể kỳ tới, nên tăng thời gian tranh luận. Đại biểu có thể đối thoại nhiều hơn và Bộ trưởng cũng có thêm thời gian để trả lời. Qua đó, hai bên hiểu nhau nhiều hơn và như thế tốt cho cả hai bên.

Các Bộ trưởng cũng rất mong muốn như thế chứ không phải họ… sợ chất vấn như nhiều người nghĩ. Họ hoàn toàn mong muốn có đủ thời gian để bày tỏ. Khi tranh luận càng nhiều thì sẽ giúp tiếp cận sâu hơn tư duy của hai bên để hiểu nhau hơn, nâng cao chất lượng chất vấn. Nhưng tăng thời gian tranh luận mà vẫn gói trong 2,5 ngày có lẽ sẽ không đủ. Vậy thì chúng ta có thể học tập các nghị viện trên thế giới. Cùng một thời gian đó, chúng ta có thể mở thêm các “diễn đàn” ngoài “diễn đàn” chính. Các diễn đàn bổ sung sẽ do các Thứ trưởng đứng ra trả lời để giải quyết thêm nhiều vấn đề hơn nữa.

Đại biểu Trần Du Lịch, (đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, một trong những ấn tượng của Kỳ họp lần này là Quốc hội đã thông qua các Bộ Luật rất quan trọng và những bộ luật làm nền tảng để triển khai Hiến pháp năm 2013. Trong đó, có những đổi mới quan trọng về quyền con người, quyền công dân trong Bộ Luật hình sự, Bộ Luật tố tụng hình sự, Bộ Luật dân sự và Bộ Luật Tố tụng dân sự.

Đại biểu Trần Du Lịch, đoàn thành phố Hồ Chí Minh

Đại biểu Trần Du Lịch, đoàn thành phố Hồ Chí Minh

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ, đoàn Thái Bình

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ, đoàn Thái Bình

Đại biểu Trần Ngọc Vinh, đoàn Hải Phòng

Đại biểu Trần Ngọc Vinh, đoàn Hải Phòng

 Đại biểu Trần Du Lịch phân tích: Qua các bộ luật này thể hiện những điểm mới mà quá trình tranh luận có nhiều ý kiến khác nhau giữa cái cũ và cái mới, ví dụ: Tòa án không có quyền từ chối đơn kiện của dân khi chưa có luật áp dụng; hoặc Luật Tố tụng hình sự quy định người bị tình nghi, bị can, bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh sự vô tội của mình mà cơ quan tố tụng tiến hành tố tụng phải có nhiệm vụ chứng minh. Đây là nguyên tắc quan trọng để chống oan sai mà trong quá trình thảo luận có rất nhiều ý kiến khác nhau. Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, đây là tiến bộ trong quá trình làm luật của nước ta.

Đánh giá về Kỳ họp, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, (đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc xây dựng, sửa đổi những bộ luật quan trọng chủ chốt có ý nghĩa và tác động rộng lớn, cơ bản đến hành lang pháp lý. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đánh giá cao việc ban soạn thảo tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia, các luật sư trong sửa đổi, bổ sung các bộ luật quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng công tác lập pháp.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, các luật sư và các nhà tư vấn, họ hàng ngày sử dụng, áp dụng những luật đó, cho nên những bất hợp lý, những khiếm khuyết, thiếu sót họ rành hơn ai hết. Lấy ý kiến của những người đó là một cách làm đưa luật gắn với cuộc sống. Vừa rồi, chính nhờ việc này, cho nên tuy là thời gian thảo luận thông qua các bộ luật lần này có sự dồn dập, nhưng cũng đã bổ sung được rất nhiều điều. Tôi tin rằng, những bộ luật lần này thông qua sẽ tốt hơn, hợp lý hơn, khoa học hơn và đáp ứng được nhu cầu cuộc sống hơn so với những bộ luật cũ.

Các đại biểu cho rằng, kỳ họp lần này đã quyết định những vấn đề lớn, cơ bản, có ý nghĩa trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước không chỉ trong năm 2016 mà cả những năm tiếp theo. Đó là thảo luận, quyết định việc phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước và ra thị trường vốn quốc tế; đề ra phương hướng, nhiệm vụ, xây dựng các chỉ tiêu kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020; xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; thảo luận về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ, (đoàn Thái Bình) đánh giá, với việc dành thời gian thỏa đáng để Quốc hội thảo luận, góp ý vào những vấn đề quan trọng của đất nước, cùng với sự điều hành sát sao của đoàn Chủ tịch Quốc hội và tinh thần, trách nhiệm của các đại biểu đã làm nên thành công của kỳ họp.

Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ, rất nhiều ý kiến của đại biểu đóng góp tham gia để phát triển kinh tế – xã hội bền vững trong tương lai và phân tích những mặt đã làm được và những mặt chưa làm được, đồng thời đề ra những giải pháp phát triển tăng trưởng kinh tế trong năm 2016 cũng như những năm tiếp theo, đã sáng suốt quyết định những vấn đề có tính chiến lược của đất nước trong thời gian tới. Tất cả những vấn đề quan trọng của Kỳ họp đã được Quốc hội thảo luận rất kỹ, quyết định một cách rất sáng suốt.

Riêng về giám sát tối cao, chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều đại biểu cho rằng, việc tiến hành chất vấn không giới hạn các thành viên Chính phủ về tất cả những vấn đề đặt ra, tồn tại trong suốt nhiệm kỳ; những vấn đề về quản lý đất nước đang đặt ra là điểm mới và đạt hiệu quả cao. Các đại biểu đã đi vào thẳng vấn đề cần hỏi và có phần tranh luận, có truy vấn thật sự để làm rõ vấn đề. Tuy nhiên, các đại biểu mong muốn, hoạt động của Quốc hội tiếp tục có sự đổi mới hơn nữa. Trong chất vấn, vẫn còn những câu hỏi nêu lên những vấn đề vụn vặt, đáng lý phải giải quyết ở địa phương.

Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh, (đoàn Hải Phòng), cần làm rõ vấn đề nào thuộc trách nhiệm của Chính phủ, vấn đề nào thuộc trách nhiệm của địa phương. Những vấn đề chất vấn tại Quốc hội phải là những vấn đề của quốc gia, trách nhiệm của Chính phủ. Có như vậy, hoạt động chất vấn mới thực sự đạt hiệu quả.

 Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh, chất vấn đổi mới rất là tốt nhưng hình thức chất vấn như vậy quá rộng, rất nhiều câu hỏi đặt ra, trong khi đó điều kiện và thời gian không cho phép. Chương trình chúng ta đề ra là mỗi đại biểu được phát biểu như vậy là 7 phút thì đại biểu Quốc hội cũng chuẩn bị 7 phút, nhưng trước tình hình đó, phải rút xuống 5 phút rồi 2 phút. Như vậy, ngay sự chuẩn bị của các đại biểu Quốc hội là cũng lúng túng. Chúng tôi hy vọng cần rút kinh nghiệm để làm sao kỳ họp sau tốt hơn, đáp ứng được mong mỏi của cử tri khi xem nội dung của các phiên chất vấn cũng như kỳ họp của Quốc hội.

Về lập pháp, đại biểu Trần Ngọc Vinh cho rằng, chưa có nhiệm kỳ nào làm luật nhiều như nhiệm kỳ này và thông qua rất nhiều luật quan trọng, kể cả sửa đổi bổ sung, như Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Trưng cầu ý dân, Luật Phí và lệ phí, Luật Thống kê… để đưa vào cuộc sống và điều hành đất nước.

Về Hội đồng bầu cử quốc gia, theo đại biểu Trần Ngọc Vinh, sau khi có Luật Tổ chức Quốc hội và Hiến pháp 2013, Kỳ họp này chúng ta đã tiến hành thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia. Đây là một thiết chế hoàn toàn mới, sẽ giúp củng cố bộ máy để tiếp tục tiến hành thực hiện Luật Chính quyền địa phương và tổ chức bầu cử nhiệm kỳ 2016-2020. Chúng tôi đánh giá rất cao việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia. Chức danh Tổng thư ký của Hội đồng bầu cử quốc gia cũng phù hợp với các nước trên thế giới. Trước đây, chúng ta chỉ có Chủ nhiệm Văn phòng thì bây giờ kiêm thêm chức danh Tổng thư ký, như vậy là “hòa” với các nước trong khu vực và thế giới.

(Theo BÁO ĐIỆN TỬ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.