Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 03:54:20

Nhận diện và đấu tranh với hành vi sai trái trong hoạt động “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ”

Ngày đăng: 14/06/2018

LTS: Thời gian vừa qua, trên nhiều địa bàn trong cả nước nói chung, địa bàn Quân khu 2 nói riêng xuất hiện một số nhóm người mang các danh “Hội thánh Đức Chúa Trời”, “Hội thánh của Đức Chúa Trời”, “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ”. Dù với tên gọi nào, các nhóm người hoạt động tôn giáo này cũng đều là các tôn giáo tự xưng, hoạt động trái pháp luật, với nhiều thủ đoạn tinh vi để dụ dỗ, lôi kéo, lừa đảo người dân gây nhiều hệ lụy xấu cho xã hội. Báo Quân khu 2 cung cấp một số thông tin để bạn đọc nhận diện những sai trái và tham gia đấu tranh, loại trừ những hành vi lợi dụng hoạt động tôn giáo để trục lợi, gây bất bình trong dư luận.

Bài 1: Tổ chức mang danh tôn giáo phát triển như “kinh doanh đa cấp”

Cái gọi là “Hội thánh Đức Chúa Trời”, “Hội thánh của Đức Chúa Trời” hay “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” chỉ là tên gọi cụ thể của một số tổ chức tôn giáo tự xưng, chưa được pháp luật công nhận. Đây là một phong trào tôn giáo có nguồn gốc từ Hàn Quốc.

Năm 1964, Ahn Sahng Hong (1918 – 1985), sinh tại Hàn Quốc, xuất thân trong một gia đình theo Phật giáo nhưng bản thân cải đạo sang hệ phái Cơ Đốc Phục lâm (giai đoạn 1946 – 1947), đã sáng lập ra tổ chức mang tên “Hội thánh Đức Chúa Trời làm chứng cho Chúa Giê-su” sau khi bị Hội thánh Cơ Đốc Phục lâm rút phép thông công vì đưa ra quan điểm “lấy thập tự giá làm biểu tượng trong Hội thánh là phạm tội thờ thần tượng”.

Năm 1985, Ahn Sahng Hong qua đời. “Hội thánh Đức Chúa Trời làm chứng cho Chúa Giê-su” chia làm hai phái. Phái thứ nhất mang tên “Hội thánh Lễ Vượt Qua Tân Ước của Đức Chúa Trời”. Vợ và ba người con của Ahn Sahng Hong tham gia Hội thánh này. Phái này được cho là có tín lý và hoạt động gần với các tổ chức Ky-tô giáo nói chung. Phái thứ hai mang tên “Hội thánh Đức Chúa Trời Các Nhân Chứng Đấng Ahn Sahng Hong”, do Kim Joo Cheol và bà Jang Gil Ja làm lãnh đạo. Tín lý của phái này có thêm hai giáo lý chính, gồm: Ông Ahn Sahng Hong được công nhận là Chúa Giê-su Christ, là đấng đã đến và được tôn là Đấng Christ Ahn Sahng Hong, cũng là Đức Chúa Cha và Chúa Thánh Linh. Bà Jang Gil Ja được công nhận là Đức Chúa Trời Mẹ, cũng là “Đức Chúa Trời” như ông Ahn Sahng Hong.

Hoạt động truyền đạo của một nhóm “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ”.
Nguồn: Internet

Năm 1997, phái “Hội thánh Đức Chúa Trời Các Nhân Chứng Đấng Ahn Sahng Hong” đổi tên gọi thành “Hội thánh của Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Tin lành Thế giới ” (Tên tiếng Anh là: World Mission Society Church of God) hay còn gọi là “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ”. Theo số liệu do “Hội thánh” này công bố đến năm 2015 có khoảng trên dưới 2 triệu người tin theo, 2.500 Hội (trong đó Hàn Quốc 400 Hội), có mặt ở 175 quốc gia, trụ sở chính tại Bundang, thành phố Sungnam, tỉnh Kyunggi, Hàn Quốc.

Vì “Hội thánh của Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Tin Lành Thế giới” giải thích và thực hành Kinh thánh có nhiều điểm khác biệt so với cộng đồng Ki-tô giáo nói chung, trong đó việc tin có Đức Chúa Trời Mẹ, do đó đã bị các tổ chức Tin Lành cho là báng bổ Kinh thánh nên đa số các tổ chức Tin Lành lên tiếng “Hội thánh” này là “tà đạo” và gọi là “Hội Thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” để phân biệt với các Hội thánh của Đức Chúa Trời khác nhưng thuộc đạo Tin Lành.

 Việc điều hành tổ chức, hoạt động rao giảng truyền giáo của Hội thánh đối với các quốc gia trên thế giới (trong đó có Việt Nam), do sự chỉ đạo của Ủy ban điều hành tổng “Hội thánh Đức Chúa Trời”, Hiệp hội truyền giáo tin lành thế giới (trụ sở tại Hàn Quốc). Dưới Ủy ban điều hành có các Shion (điểm, hội nhóm sinh hoạt) được thành lập với số lượng khoảng từ 30-50 tín đồ/điểm, hội nhóm. Hoạt động theo nhóm có tính chất lan truyền; việc phát triển tín đồ, theo kiểu như “kinh doanh đa cấp”, lợi dụng việc phát triển kinh doanh, tư vấn sản phẩm, hoặc lập các “Trung tâm tư vấn tâm lý con người” để ngụy trang cho các hoạt động tuyên truyền, phát triển tổ chức. Khi lôi kéo được đủ số lượng tín đồ (10 người), tín đồ có khả năng tiếp thị “truyền giáo”, hiểu biết nắm chắc tâm lý đối tượng sẽ tách ra để tuyên truyền, lôi kéo thành lập một nhóm mới. Cứ như vậy, tổ chức “Hội thánh” này ngày càng phát triển, lan rộng ra các địa bàn khác.

“Hội Thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” du nhập vào Việt Nam khoảng năm 2001, thông qua những người đi du học, lao động tại Hàn Quốc. Năm 2005, 2006 hình thành điểm nhóm đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có một số tổ chức đã được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động. Những tổ chức được cấp phép này hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật, không thực hành những nội dung đi ngược lại thuần phong mĩ tục, không ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội.

Các đối tượng bị những kẻ mượn danh tuyên truyền, lôi kéo tham gia là những người nhẹ dạ, cả tin, tò mò, ít hiểu biết, có hoàn cảnh khó khăn; những người làm ăn thua lỗ; những phần tử bất mãn tiêu cực với chế độ; những kẻ tâm thần, đồng bóng…; những tín đồ cuồng đạo mù quáng; phụ nữ, trẻ em, học sinh, sinh viên. Thủ đoạn tiếp cận thường là tìm cách làm thân, dùng những lời ngon ngọt, chia sẻ, an ủi để lôi kéo tham gia vào “Hội thánh” này. Thông thường, họ đi thành nhóm 2 – 3 người, thường đi gõ cửa các gia đình, đến các trung tâm thương mại, tới các địa điểm công cộng như công viên, vườn hoa, nơi có các trường đại học, cao đẳng, ký túc xá sinh viên. Ban đầu họ tiếp cận đối tượng cần lôi kéo bằng cách rủ đi học dưỡng sinh, tiếp thị… để thu hút người tham gia. Khi tập hợp được tín đồ, các đối tượng trong nhóm tiến hành truyền giảng đạo; một số điểm nhóm còn cho tín đồ uống “nước Thánh” để dễ sai khiến, khống chế. Hiện các cơ quan chức năng đang xác minh làm rõ thành phần lý – hóa học của loại “nước thánh” này…

ĐỨC ĐÀO – QUANG TRUNG

Bài 2: Những biến tướng phản khoa học

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.