Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 11:10:01

Nhận diện và đấu tranh với hành vi sai trái trong hoạt động “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ”: Xử lý những hành vi vi phạm pháp luật

Ngày đăng: 17/06/2018

Theo tổng hợp của cơ quan chức năng, hiện nay, trên địa bàn các tỉnh thuộc Quân khu phát hiện đã có 18 điểm, nhóm mang danh “Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ” với hàng trăm tín đồ tham gia tụ tập, sinh hoạt. Các đối tượng vừa lén lút tổ chức hoạt động tuyên truyền, giảng đạo trái pháp luật, vừa kết hợp lôi kéo, phát triển tín đồ. Có nhiều người đi xa quê làm ăn, bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia mà gia đình, địa phương không nắm được; bên cạnh đó có dấu hiệu móc nối hoặc chỉ đạo từ một số đối tượng ở các địa phương khác. Điều đáng nói tất cả các điểm nhóm, tín đồ theo hoạt động tôn giáo tại các điểm, nhóm trên không được chính quyền cũng như các hệ giáo phái khác công nhận theo quy định của pháp luật.

Điều 5, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định 5 nhóm hành vi bị nghiêm cấm về tôn giáo, đó là:

  1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.
  2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo.
  3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.
  4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo:
  5. a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường;
  6. b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
  7. c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;
  8. d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.
  9. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.

Theo những quy định trên, thì cơ bản các điểm, nhóm mang danh “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” đã vi phạm pháp luật, như: Mua chuộc, ép buộc, lôi kéo nhiều người yếu thế tham gia; xâm phạm đạo đức xã hội; lợi dụng hoạt động tôn giáo để trục lợi. Đặc biệt, với những hành vi như tuyên truyền: “không làm mà vẫn có ăn”;  “con người không phải cha mẹ sinh ra” dẫn đến đập phá bàn thờ tổ tiên, con cái không cần báo hiếu với cha mẹ; dụ dỗ bỏ nhà bỏ cửa, bỏ học tham gia đạo…, đó là những hành vi phá vỡ nền tảng đạo đức gia đình, làm rối loạn trật tự xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự, gây hoang mang trong dư luận.

Mặt khác, các điểm, nhóm đạo hoạt động tự phát này đều chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép hoạt động. Điều 16 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định điều kiện đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Cụ thể:

  1. Tổ chức tôn giáo đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho tín đồ tại những nơi chưa đủ điều kiện thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc; tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho những người thuộc tổ chức khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
  2. a) Có địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo;
  3. b) Nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung có người đại diện là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;
  4. c) Nội dung sinh hoạt tôn giáo không thuộc trường hợp quy định tại Điều 5 của Luật này.
  5. Những người theo tôn giáo không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và các điều kiện sau đây:
  6. a) Có giáo lý, giáo luật;
  7. b) Tên của nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung không trùng với tên tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, tên tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội hoặc tên danh nhân, anh hùng dân tộc.

Với các quy định trên cùng những hoạt động thực tế của các tổ chức mang danh “Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ” không đủ điều kiện để đăng ký tổ chức sinh hoạt tôn giáo tập trung.

Mặt khác, khi các hoạt động của “Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ” có dấu hiệu vi phạm pháp luật gia tăng, làm mất ổn định chính trị xã hội, bị các cơ quan chức năng cũng như báo chí vạch trần thì các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước lợi dụng, lấy cớ để xuyên tạc chính quyền can thiệp quá sâu, quản lý tôn giáo, vu khống ta vi phạm tự do tôn giáo, tín ngưỡng; gây căng thẳng giữa những người theo và không theo tôn giáo.

Trước thực tế các đối tượng lợi dụng “Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ” vẫn diễn biến phức tạp, âm ỉ trên các địa bàn, đòi hỏi mỗi người phải tỉnh táo, cảnh giác, nhận rõ và vạch trần những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, đi ngược thuần phong, mỹ tục, dưới các hoạt động núp bóng “tự do tôn giáo” nhằm trục lợi bất chính. Mọi cán bộ, chiến sĩ cần nắm chắc địa bàn, vận động người thân, gia đình và nhân dân không mất cảnh giác trước mọi đối tượng lén lút lôi kéo, tuyên truyền trái pháp luật; chủ động phát hiện những kẻ mượn danh “Hội thánh” để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật; chủ động phát hiện ngăn chặn những thông tin xuyên tạc, sai sự thật về tình hình tôn giáo ở Việt Nam của các thế lực thù địch; kịp thời cung cấp thông tin chính thống để định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; phân biệt với các nhóm tôn giáo khác có tên gọi tương tự đã cấp phép hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.

ĐỨC ĐÀO – QUANG TRUNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.