Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 06:21:38

Mường Lạn đang khởi sắc thoát nghèo

Ngày đăng: 06/06/2017

Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La là xã vùng cao, biên giới, điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt, địa hình hầu hết là núi đất xen kẽ lẫn đá, giao thông đi lại khó khăn, đường sá quanh co, độ dốc lớn; mùa đông rét buốt, khô hanh, mùa mưa lại thường bị lũ ống và sạt lở… Trước năm 2002, rất nhiều người dân trong vùng còn mù chữ, trường học và các điểm trường đều là nhà tạm bằng tranh, tre, nứa; người dân chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt nên sản lượng lương thực thấp, số hộ đói nghèo chiếm tỷ lệ 73%…
So với mười lăm năm trước, xã Mường Lạn giờ đã đổi thay rất nhiều. Tốc độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội khá vững chắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Về Mường Lạn, bản làng đã khang trang khởi sắc, người người nét mặt rạng rỡ. Trước năm 2000, toàn xã chỉ có 40% trẻ em đến trường, thì nay đã đạt 95%. Điều đáng mừng hơn là xã vừa được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Trên địa bàn đã có cả trường trung học cơ sở và trường tiểu học bán trú được xây dựng khang trang, phục vụ việc học tập của con em đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Mạng lưới y tế thôn bản cũng được củng cố, 100% thôn, bản có y tá; trạm xá trung tâm được xây dựng kiên cố… Người dân giờ đây đã biết sử dụng máy vi tính, truy cập internet, biết giữ vệ sinh môi trường “ăn chín, uống sôi”, biết ngủ màn và xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới xin, xây dựng nếp sống mới tiến bộ, vệ sinh phòng bệnh, sinh đẻ có kế hoạch…
Thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chương trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đồng bào các dân tộc Mường Lạn bây giờ hăng hái tăng gia sản xuất, bảo đảm lương thực thực phẩm và một phần sản xuất hàng hóa bằng cách đưa giống cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất cao như đậu, lạc, vừng, khoai tây, cà chua, giống lúa mới vào sản xuất, kết hợp với khai hoang trồng mới, khoanh nuôi và bảo vệ rừng hoặc trồng cây ăn quả, nuôi trâu, bò, dê, đào ao thả cá… Sự thay đổi đó của Mường Lạn có phần đóng góp rất quan trọng của cán bộ, chiến sĩ, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 326. Trong 15 năm qua, Đoàn KT-QP 326 đã chủ động tham mưu giúp đỡ cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, nhất là các tổ chức đoàn thể địa phương vững mạnh có đủ năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành hoạt động của địa phương ngày càng chất lượng, hiệu quả, đặc biệt là triển khai các dự án Kinh tế – Quốc phòng, tích cực xây dựng nông thôn mới, giúp đỡ nhân dân xóa đói giảm nghèo. Cán bộ, chiến sĩ, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 326 phối hợp với các lực lượng tham gia trồng mới 105 ha rừng phòng hộ, thi công đường điện 35 KW Mường Và – Mường Lạn, làm nhà ăn cho các cháu học sinh lớp bán trú, nhà văn hóa kiêm lớp cắm bản, làm cầu treo, đường giao thông liên bản Pá Cạch ở độ cao 800m. Đội Sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 1, đơn vị trực tiếp đứng chân trên địa bàn đã phối hợp với chính quyền và các ban ngành giúp nhân dân khai hoang 330ha đất trồng lúa nước 2 vụ, vận động 120 hộ dân giải phóng mặt bằng, hiến đất làm 5 km đường bê tông nội bản, vận động 150 hộ làm hố tiêu tự hoại và cứng hóa nền nhà, gầm sàn; hướng dẫn nhân dân đào ao thả cá, chăn nuôi bò sinh sản, trồng cây ăn quả trên đồi đất dốc, chuyển đổi cây trồng năng suất thấp sang trồng các loại cây lương thực năng suất cao như: Ngô lai CP 888, Sắn KM 94, lúa khang dân, IR64 đạt năng suất cao hơn… Hiện toàn xã đã có nhiều hộ gia đình vươn lên làm giàu.

Đội viên TTTTN Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 1 tham gia giúp nhân dân bản Nà Ẳn, xã Mường Lạn phát quang thực bì chuẩn bị trồng rừng phòng hộ.

Đội viên TTTTN Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 1 tham gia giúp nhân dân bản Nà Ẳn, xã Mường Lạn phát quang thực bì chuẩn bị trồng rừng phòng hộ.

Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 1 còn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp với Phòng kinh tế huyện Sốp Cộp và các cửa hàng thương nghiệp để cung ứng các loại giống cây trồng vật nuôi cho nhân dân và đăng ký tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân trong vùng với giá cả phù hợp thị trường; tính đến nay sản lượng lương thực quy ra thóc đã đạt 550-600kg/người/năm, 100% số thôn bản và cụm dân cư đã có đường giao thông đi được ô tô bảo đảm cho việc đi lại của nhân dân và vận chuyển hàng hóa được thuận lợi, 95 % số hộ đã được sử dụng điện lưới quốc gia, truy cập internet và xem truyền hình.
Ông Vàng Nhịa Dê 48 tuổi, trú tại bản Pu Hao tâm sự: “Cảm ơn Đảng, cảm ơn bộ đội Đoàn KT-QP 326 và chính quyền xã Mường Lạn rất nhiều. Nhờ sự hướng dẫn giúp đỡ của bộ đội Đoàn KT-QP 326 và chính quyền xã mà gia đình tôi nay đã có của ăn, của để, ngô, lúa đầy nhà, gà vịt hàng trăm con, trâu, bò dê gần 30 con, đàn lợn lúc nào cũng gần chục con lợn thịt. Gia đình tôi đang tập trung mở rộng diện tích trồng ngô lai, trồng lúa nước và chăn nuôi để tăng thu nhập, để giàu hơn nữa. Cũng giống như gia đình tôi, một số hộ gia đình trong bản Pu Hao, bản Nà Khi, Hổi Pá và ở các bản khác trong xã nhờ tiếp thu kiến thức khoa học mà kinh tế gia đình đã ngày càng khá lên”.
Ngày nay đến trung tâm Mường Lạn chứng kiến không khí tấp nập, nét mặt rạng rỡ, tươi vui và rất nhiều hàng hóa, đồ dùng được nhân dân các dân tộc mua sắm, chúng tôi hiểu: Xã Mường Lạn đang khởi sắc và thoát nghèo.
Bài, ảnh: NGUYỄN THANH HẢI

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.