Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 03:14:03

Một thoáng với tân binh miền trung du

Ngày đăng: 13/03/2016

“Trong ký ức, “những đồi hoa sim dài trong chiều không hết” đến những “rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt” của vùng trung du này đã gắn bó, thân thuộc xiết bao trong tâm hồn. Bây giờ, lại vinh dự đứng chân trên địa bàn, ấy là sự trùng hợp cũng như động lực để bản thân tôi cố gắng học tập, rèn luyện và phấn đấu…”. Đó là những tâm sự của một tân binh, anh chàng sinh viên đại học sư phạm mới tốt nghiệp có khuôn mặt lanh lẹn Đào Thế Hùng với chúng tôi trong chuyến thăm Trung đoàn 98, Sư đoàn 316, Quân khu 2…

Mới cuối xuân mà tiết trung du đã đượm màu nắng gắt đến lạ, bầu trời lên cao vút làm cả khoảng sân rộng của Tiểu đoàn 8 càng như ngợp hơn với mùi mồ hôi người, mùi hồ của quân phục mới xuất kho và tiếng thuyết trình dõng dạc của các trung đội trưởng. Hiện lên trong nắng ấy là những quân hiệu sáng loáng trong hàng ngũ chỉnh tề, và đặc biệt hơn, những khuôn mặt trong hàng ngũ đều trẻ căng, tràn trề nhựa sống đang ngẩng đầu, chăm chú như nuốt từng lời giảng. Thấy anh em đang tập trung vào nội dung, Trung tá Nguyễn Trung Đắc, Chính ủy Trung đoàn liền ra hiệu cho Thượng úy, Đại đội trưởng Nguyễn Thế Anh bỏ qua nghi thức chào báo cáo cấp trên. Anh tiến gần một chiến sĩ ở cuối hàng, nhẹ nhàng gài lại một bên quân hàm binh nhì bị lệch, ánh mắt người chiến sĩ ngước lên, run run quay sang vị chính ủy còn khá trẻ của mình. Vừa thấy hai ánh mắt gặp nhau, thời ký ức binh nhì đột nhiên dội lên trong lồng ngực làm tôi thấy tò mò tìm cách lý giải ánh mắt của người chiến sĩ, của vị chính ủy kia. Có lẽ, sâu xa hơn đó không phải là một sự thể hiện, mà đúng hơn, phải chăng ấy là sợi dây gắn bó, sợi dây tình thương giữa những người đồng chí, đồng đội với nhau?

Thấy tôi có chút tha thẩn, Thượng úy Lê Minh Ngọc, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 8 chạm nhẹ vào tay tôi, nói nhỏ: “Đơn vị là nhà, đồng đội là anh em” nhà báo ơi! Đặc thù bộ đội của chúng tôi là anh em cư trú chủ yếu ở miền núi như Yên Bái, Tuyên Quang…, nhiều anh em là đồng bào thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, có những anh em hoàn cảnh lắm nên mặt bằng nhận thức không đồng đều, cán bộ cứ phải hành động gương mẫu, nói đi đôi với làm, không cứ chính ủy mà đội ngũ cán bộ các cấp chúng tôi đều phải làm như vậy đối với anh em chiến sĩ. Cả tiểu đoàn này huấn luyện tân binh, với quân số hơn 400 cán bộ, chiến sĩ nhưng ngay từ đầu, thông qua việc lập hồ sơ cho từng trường hợp đã giúp chúng tôi nắm bắt cụ thể đến từng chiến sĩ. Hiểu chiến sĩ, nghe chiến sĩ giúp đơn vị nhanh chóng đi vào ổn định, gần gũi chiến sĩ cũng chính là cách giúp anh em gắn bó đơn vị, coi đơn vị là nhà”. Nói xong, Thượng úy Lê Minh Ngọc dẫn chúng tôi vào phòng giao ban Đại đội 6, giới thiệu ban chỉ huy đại đội, những khuôn mặt ở đây cũng rất trẻ, họ đều tốt nghiệp Trường Sĩ quan Chính trị hay Trường Sĩ quan Lục quân 1.

01 (1)

Chính trị viên phó, Trung úy Nông Văn Tú mới tốt nghiệp Trường Sĩ quan Chính trị về công tác tại đơn vị hơn 4 tháng tất tả dẫn một anh chiến sĩ vóc dáng dong dỏng cao, nước da ngăm ngăm nhưng có nụ cười rất tươi tắn vào: “Giới thiệu với các anh, đây là chiến sĩ Nguyễn Quang Long, quê ở Yên Lạc (Vĩnh Phúc), chiến sĩ Long là trường hợp có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn của đơn vị!”. Kéo Long vào ghế ngồi, em lúng túng gạt vội những giọt mồ hôi còn đầm đìa trên trán. Giọng Long nho nhỏ kể về hoàn cảnh gia đình em, bố mất năm 2005 vì bệnh tật, người mẹ trẻ chống chèo gia đình nhỏ được gần năm rồi cũng đi theo bố về với tổ tiên. Trong cảnh bơ vơ, đứa anh hơn mười tuổi, đứa em tám tuổi đã phải lăn lộn kiếm từng bữa ăn qua ngày. Lớn hơn một chút, Long theo chân các thợ mộc trong làng học nghề, tuy tay nghề đã thuần thục nhưng ước mơ được nhập ngũ, khoác trên mình bộ quân phục luôn nhem nhóm trong lòng. Đủ 18 tuổi, Long tự nguyện viết đơn xin nhập ngũ, mới đầu, xét hoàn cảnh, địa phương cân nhắc mãi rồi cũng cho em được tòng quân. Long bảo, nhận lệnh nhập ngũ em vui quá làm cả đêm trằn trọc không ngủ, cứ trân trân nhìn lên di ảnh cha mẹ mà thầm nhủ: “Tuy thiếu bàn tay nâng đỡ, chăm sóc của cha mẹ, nhưng chúng con vẫn đang trưởng thành. Nhập ngũ con sẽ chín chắn hơn, rồi sau này con sẽ lấy một cô vợ thật xinh đẹp cho cha mẹ dưới chín suối vui lòng…”. Không khí trong phòng trầm hẳn xuống, tôi quay sang đồng chí Chính ủy Trung đoàn ngồi ưu tư: “Những trường hợp như thế này các anh có chế độ, chính sách động viên các em không?”. Trung tá Nguyễn Trung Đắc bảo, có chủ trương chứ. Một nhiệm vụ của những người cán bộ và của cả đơn vị đấy. Anh kể qua một số trường hợp khác, đơn vị đã tạo điều kiện giúp đỡ các em trong huấn luyện, học tập như thế nào? Hỗ trợ giúp các em vượt qua những giai đoạn khó khăn ra sao… Xong, anh bảo: “Để sau này khi ra quân, nhiều hay ít cũng để lại dấu ấn tốt đẹp về quân đội, về đơn vị mà anh em gắn bó một quãng tuổi trẻ!”.

Vượt qua một quãng dốc, hai bên đường lơ phơ những vạt hoa cỏ may, sim nở tím rộ từng chặp, từ xa thoang thoảng vọng lại khẩu lệnh “bắn, thôi bắn”. Vừa xong câu chào báo cáo của trung đội trưởng, anh em tân binh đã lao nhao “chào thủ trưởng”, có cậu còn lém lỉnh giơ tay chào kiểu “đội viên”, vồng ngực ưỡn như cánh cung trong bộ quân phục mới coóng. Cánh lính mới thì lúc nào cũng thế, bắt đầu bài tập làm quen với súng, đạn huấn luyện ai cũng phấn khởi, háo hức lắm, có cậu còn tranh mang cho được súng to vì nhìn “oai” hơn, sau hành quân, luyện tập đường dài mới thấy mình “dại”, nhưng bộ đội thì không thiếu gì những câu chuyện vui, qua miệng mấy “cây tiếu lâm” thì náo nhiệt phải biết. Chính trị viên phó Nông Văn Tú giới thiệu cho chúng tôi một anh chàng nhìn qua rất hoạt bát, khuôn mặt sáng, binh nhì Đào Thế Hùng, chàng tân binh tốt nghiệp đại học sư phạm mà tôi đã nhắc đến ở đầu câu chuyện. Thoảng qua, sẽ nhận ra ngay anh chàng có vẻ trí thức trong đôi mắt đăm chiêu, mơ màng, giọng nói nhẹ, lưu loát, khiến người đối diện cảm tình. Sau câu chuyện, hỏi về cảm nhận ở đơn vị mới như thế nào? Hùng bảo, gần 1 tháng vào quân ngũ, anh em ở trung đội em đã qua những bỡ ngỡ ban đầu, anh em đều xác định tốt nhiệm vụ, nhớ nhà, nhớ gia đình, bạn bè thì ai cũng nhớ nhưng cứ động viên nhau rồi sẽ quen thôi!

Hàng bia số 4 nhuộm sắc đen trên màu nền trắng toát hiện lên trong tầm mắt, anh em lại bắt đầu vào đợt tập mới. Quay lưng đi, mắt tôi lại chạm vào những dáng sim, dáng cọ trung du đang vươn mình đón nắng mà thấy lòng mình chùng chình, đầy xúc cảm. Biết bao thế hệ người lính trung du đã lớn lên, đã rất bình dị, đã rất anh hùng làm nên truyền thống của trung đoàn nói riêng, sư đoàn nói chung, nghe tên thôi đã khiến kẻ thù khiếp sợ. Và, hôm nay họ lại thêm một lứa tân binh, một mùa huấn luyện mới với tin tưởng và thắng lợi mới!

(Ghi chép của LÝ HỮU LƯƠNG – QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top