Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 05:05:12

Luật An ninh mạng, hành lang pháp lý vững chắc bảo vệ Nhân dân: Bài 1: Thủ đoạn gây nhiễu loạn thông tin

Ngày đăng: 09/07/2018

QK2 – LTS – Cuối tháng 6 vừa qua, Chủ tịch Nước đã công bố 7 đạo luật mới được Quốc hội thông qua, trong đó có Luật An ninh mạng. Đây là một trong những nội dung được dư luận nhân dân đặc biệt quan tâm. Trước, trong quá trình Quốc hội thảo luận xây dựng đạo luật quan trọng này cũng như khi công bố, các thế lực thù địch phản động ra sức chống phá, xuyên tạc nội dung luật. Để giúp bạn đọc hiểu sâu thêm về nội dung, bản chất đạo luật cũng như âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng Luật An ninh mạng để chống phá Đảng, Nhà nước ta, Báo Quân khu 2 giới thiệu loạt bài “Luật An ninh mạng, hành lang pháp lý vững chắc bảo vệ Nhân dân”.

Hơn 20 năm có mặt ở thị trường Việt Nam, internet đã phát triển nhanh chóng. Internet là phương tiện thông tin được ứng dụng rộng rãi vào tất cả các ngành, các lĩnh vực và len lỏi vào các ngõ ngách của đời sống xã hội. Số liệu thống kê nhân kỷ niệm 20 năm internet có mặt ở Việt Nam cho thấy, 53% dân số Việt Nam dùng internet, cao hơn so với mức trung bình của thế giới là 46,64% và nằm trong tốp những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng internet cao nhất tại châu Á. Mạng xã hội là một trong những ứng dụng rộng rãi, phổ biến nhất trên internet, kết nối con người với con người và cộng đồng người, không phân biệt không gian và thời gian trên internet. Việt Nam hiện có khoảng trên 50 triệu người sử dụng mạng xã hội.

Thống kê lượng truy cập Internet của Việt Nam năm 2017.
Ảnh: Internet

Không thể phủ nhận những thành tựu trong ứng dụng internet và mạng xã hội vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó, mỗi con người, mỗi quốc gia, dân tộc cũng phải đối diện với những thách thức không nhỏ và phức tạp mà internet, mạng xã hội mang lại, nhất là trên khía cạnh thông tin. Bởi thông tin trên internet, mạng xã hội rất khó kiểm chứng và không bị giới hạn bởi không gian, thời gian. Từ những đặc điểm của mạng xã hội ảo và thực tế phát triển của loại hình thông tin này, các thế lực thù địch, những phần tử xấu đã và đang triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội để xâm phạm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, tán phát thông tin thất thiệt nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khủng bố tinh thần, đe dọa tung thông tin cá nhân, đời tư để phá hoại gia đình, bôi nhọ nhân phẩm, danh dự con người.

Thông qua mạng xã hội và internet, các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc, tung tin thất thiệt nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta, kích động, lôi kéo, vận động người dân tụ tập biểu tình đòi những mục tiêu mà họ cho là nhằm bảo vệ dân chủ, nhân quyền cho người dân.

Vài năm trước đây, lợi dụng tinh thần yêu nước của người dân Việt Nam, kẻ địch đã triệt để tận dụng các sự kiện giàn khoan 981 trên Biển Đông hoặc sự cố môi trường biển Fomosa, qua mạng xã hội kích động, tụ tập người dân biểu tình phản đối, qua đó làm phức tạp tình hình an ninh chính trị tại một số địa phương.

Trong thời gian Quốc hội nghiên cứu, thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước cấu kết, lợi dụng internet và mạng xã hội để làm phương tiện chống phá quyết liệt; chống đối cả khi Chủ tịch nước công bố Luật An ninh mạng.

Thông qua mạng xã hội, họ đã tổ chức cái gọi là thư ngỏ hay chiến dịch thỉnh nguyện, xin chữ ký của nhiều người kêu gọi cộng đồng lên tiếng đề nghị xem xét hoãn ban hành Luật An ninh mạng; phản ứng về một số điều khoản mà họ cho là “vi phạm đến quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư của người dân”; “luật trao quá nhiều quyền cho ngành công an”; “lấy việc quản lý mạng xã hội để làm cái cớ để bắt bớ những tiếng nói bất đồng”; Luật An ninh mạng sẽ giúp nhà cầm quyền bóp nghẹt tự do ngôn luận trên mạng internet và hạn chế quyền con người cũng như quyền công dân, củng cố quyền lực lãnh đạo…

Trong tháng 6 vừa qua, trên mạng xã hội, nhiều thông tin nói xấu Đảng, chế độ; nhiều hình ảnh làm giả, cắt ghép được tung lên để tuyên truyền, kích động người dân, gây tâm lý hoang mang cho người dân. Bên cạnh đó, một số người đã lợi dụng triệt để bức xúc của người dân trong việc đền bù giải phóng mặt bằng, môi trường, an ninh mạng để kích động với mục đích lôi kéo người đân tụ tập biểu tình. Trên mạng xã hội tung rất nhiều tin thất thiệt như tự vẽ ra một cuộc biểu tình, tuần hành ở vị trí, địa điểm nào đó, có sử dụng cờ ba que; qua facebook của một số cá nhân để đăng tải, phát tán những bài viết có nội dung chống phá nhà nước, kêu gọi, kích động nhân dân biểu tình… Những thông tin trên mạng ấy không xảy ra trên thực tế.

 Mặt khác, nhiều cơ quan báo chí nước ngoài, thiếu thiện chí với Việt Nam cũng đăng tải những bài viết có tính chất phủ nhận, xuyên tạc Luật An ninh mạng; tổ chức các cuộc tọa đàm, bình, bàn trên mạng. Thực chất, nghe những cuộc tọa đàm trên mạng này, quanh đi quẩn lại chỉ có một số đối tượng vốn có tư tưởng cực đoan, thiếu tích cực trong xây dựng xã hội Việt Nam tham gia, với tính chất “nhai đi nhai lại” để cổ xúy cho tư tưởng phản động chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân. Họ bình luận rằng Luật An ninh mạng vi phạm hiệp định Việt Nam đối với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), vi phạm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); tạo rào cản đối với một số nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội nước ngoài; vi phạm quyền con người, quyền công dân và hạn chế các quan hệ quốc tế, từ đó làm suy giảm, kìm hãm sự phát triển của Việt Nam!?

Thông tin internet và mạng xã hội vốn không có cơ quan chức năng kiểm chứng; cùng với đặc điểm nhanh nhạy, đa chiều, ẩn chứa nhiều bất ổn, dễ tác động tiêu cực đến tư tưởng, tình cảm con người cũng như dư luận xã hội. Kịch bản sử dụng interet và mạng xã hội làm phương tiện tiến hành kích động, lôi kéo người dân, tạo dư luận tiến hành cuộc “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” vốn đã được một số thế lực phản động áp dụng ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Lợi dụng quá trình xây dựng, ban hành thực hiện Luật An ninh mạng để xuyên tạc, bịa đặt làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang dư luận; từ đó kêu gọi biểu tình rối loạn xã hội; từ đó chúng tiến hành một cuộc “cách mạng đường phố” nào đó chống phá Việt Nam; đấy là mưu toan, là thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động cần vạch trần. Mỗi người dân cần tỉnh táo, cảnh giác, tránh để mắc mưu địch.

ĐỨC ĐÀO – VŨ NGUYỄN

Bài 2: Luật ra đời từ đòi hỏi khách quan

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.