Thứ tư Ngày 24 Tháng 04 Năm 2024, 04:04:15

Kinh nghiệm xây dựng Đảng ở Đảng bộ Quân khu 2

Ngày đăng: 29/08/2016

LTS: Báo cáo chính trị Đại hội XII của Đảng, cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X đã thẳng thắn chỉ rõ không ít hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, trong đó 3 vấn đề nổi bật, rất đáng quan tâm, gồm: Chất lượng ra nghị quyết, chất lượng tổ chức thực hiện nghị quyết và cách thức, biện pháp kiểm tra việc thực hiện nghị quyết. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân vừa tiến hành khảo sát, tìm hiểu thực tế thực hiện 3 vấn đề trên ở Đảng bộ Quân khu 2.

Bài 1: Quán triệt kỹ, đánh giá sát để có nghị quyết đúng

“Đảng lãnh đạo xã hội, lãnh đạo đất nước bằng chủ trương, đường lối. Chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng biểu hiện thông qua nội dung nghị quyết ở từng cấp. Bởi vậy, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng phải bắt đầu từ việc nâng cao chất lượng ra nghị quyết lãnh đạo ở từng cấp. Theo đó, muốn nghị quyết có chất lượng, khắc phục được tình trạng sao chép, chung chung, điều có ý nghĩa quyết định là cấp ủy, bí thư cấp ủy ở từng cấp phải làm tốt được hai vấn đề đặc biệt quan trọng: Quán triệt kỹ nghị quyết của cấp trên và phân tích, đánh giá đúng tình hình của đơn vị”, Thiếu tướng Phạm Đức Duyên, Ủy viên Thường vụ, Phó chính ủy Quân khu 2 mở đầu buổi làm việc với chúng tôi như vậy.

Quán triệt, không phải là đọc lại

Quán triệt nghị quyết của cấp trên để chuẩn bị dự thảo nghị quyết của cấp mình là việc làm không mới và cũng là khâu bắt buộc trong hoạt động lãnh đạo của cấp ủy các cấp. Tuy nhiên, trên thực tế, vì sao vẫn còn không ít bản nghị quyết của cấp ủy chưa có chất lượng, thậm chí có nội dung chưa sát với phương châm chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị. Đó là điều mà chúng tôi đặt ra trong suốt thời gian khảo sát, tìm hiểu thực tế việc chuẩn bị ra nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy các cấp ở Đảng bộ Quân khu 2. Không hề có sự bất ngờ nào trước vấn đề chúng tôi nêu ra, trong các buổi làm việc, cán bộ các cấp ở các cơ quan, đơn vị của Quân khu 2 đều phân tích, lý giải một cách cặn kẽ và đưa ra các giải pháp khắc phục hiệu quả.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Chính, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 406 thì việc quán triệt nghị quyết của cấp ủy cấp trên không phải đơn thuần là đọc lại. Điều quan trọng nhất là quán triệt nghị quyết phải hiểu, nắm chắc được tinh thần và những nội dung cốt lõi của nghị quyết cấp trên. Nghĩa là, đọc, nghiên cứu để hiểu cho rõ, nắm cho kỹ chủ trương, giải pháp lãnh đạo của cấp trên để cụ thể hóa vào nghị quyết lãnh đạo của cấp mình. Nói rồi, anh Chính đưa cho chúng tôi xem cuốn sổ ghi chép không chỉ của cá nhân, mà còn của một số đồng chí bí thư cấp ủy cấp dưới. Trong những cuốn sổ này, bí thư cấp ủy các cấp nghiên cứu, lựa chọn ghi chép lại những nội dung trọng tâm, cơ bản của nghị quyết cấp trên để từ đó chuẩn bị dự thảo nghị quyết lãnh đạo của cấp mình.

 Lãnh đạo Bộ Tham mưu Quân khu 2 đối thoại với dân quân phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc).

Lãnh đạo Bộ Tham mưu Quân khu 2 đối thoại với dân quân phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc).

Việc làm trên không chỉ riêng có ở Đảng bộ Lữ đoàn 406 mà là một chủ trương lãnh đạo xuyên suốt của Đảng ủy Quân khu 2. Làm việc với chúng tôi, Đại tá Nguyễn An Phong, Phó chính ủy Sư đoàn 316 minh chứng rất cụ thể việc tổ chức thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy Quân khu 2 về nội dung trên bằng cách trực tiếp kiểm tra nhận thức của cấp ủy viên và bí thư cấp ủy cấp dưới. Quả thực, tất cả câu hỏi mà anh Phong đặt ra đều được cấp ủy viên, đội ngũ bí thư cấp ủy cấp dưới nắm vững, trả lời đúng và hiểu thực chất từng vấn đề, xác định được nội dung, biện pháp trọng tâm. Nói với chúng tôi về ý nghĩa cách làm trên, Trung tá Sa Minh Nghĩa, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn 174 (Sư đoàn 316) khẳng định: “Cách làm trên giúp cấp ủy từng cấp khắc phục được hai vấn đề. Một là, từng cấp ủy viên, nhất là bí thư cấp ủy nắm chắc được nội dung nghị quyết của cấp trên, chủ động trong chuẩn bị dự thảo nghị quyết lãnh đạo của cấp mình. Hai là, trong duy trì hội nghị sinh hoạt ra nghị quyết, việc thảo luận cũng được cấp ủy tiến hành tập trung hơn, tránh dàn trải, trùng lắp, sát với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị”.

Tuy nhiên, để có được bản nghị quyết đúng, phù hợp không chỉ phụ thuộc vào việc nắm chắc nội dung nghị quyết của cấp trên, mà yêu cầu đặt ra đối với cấp ủy, nhất là bí thư cấp ủy về năng lực phân tích, đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Đánh giá đúng sẽ giúp cấp ủy từng cấp xác định được chủ trương, giải pháp lãnh đạo đúng và ngược lại.

Căn cứ quan trọng quyết định chất lượng nghị quyết

Mới đầu giờ làm việc buổi sáng, phòng họp của Ban CHQS huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) không khí đã trở nên khá sôi nổi. Sự có mặt tình cờ của chúng tôi như một chất xúc tác để các ý kiến diễn ra sôi nổi và cởi mở hơn. Buổi làm việc dưới sự chủ trì của Thượng tá Nguyễn Tiến Minh, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy Quân sự (ĐUQS), Chính trị viên Ban CHQS huyện Phong Thổ, với sự tham gia của các đồng chí trong ban chỉ huy. Nếu không được anh Minh giới thiệu, chúng tôi nghĩ đây là buổi sinh hoạt của các đồng chí trong ban chỉ huy, nhưng thực chất đó lại là buổi họp đánh giá kết quả tổ chức thực hiện nghị quyết tháng 8-2016, bàn chủ trương, giải pháp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ tháng 9-2016. Nhận thấy những điều khác lạ, tôi hỏi Thượng tá Nguyễn Tiến Minh:

– Thảo luận, thống nhất chủ trương, biện pháp lãnh đạo là công việc của thường vụ, hoặc của bí thư và phó bí thư cấp ủy (những tổ chức Đảng không có thường vụ), còn ở đây thì có mặt tất cả các đồng chí trong ban chỉ huy?

– Đúng vậy, trước khi tổ chức buổi họp này, tôi và đồng chí chỉ huy trưởng đã thảo luận rất kỹ. Tuy nhiên, để đánh giá một cách khách quan, sát với từng lĩnh vực, nhiệm vụ và có căn cứ khoa học trong chuẩn bị dự thảo nghị quyết lãnh đạo, nhiều năm qua chúng tôi đều tiến hành những cuộc họp như thế này- Anh Minh giải thích.

– Họp chỉ huy để chuẩn bị xây dựng dự thảo nghị quyết phải chăng chỉ là cách làm riêng của ĐUQS huyện Phong Thổ? Tôi mang vấn đề này trao đổi với Đại tá Lê Huy Lượng, Phó bí thư Thường trực ĐUQS tỉnh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Lai Châu.

– Đây là chủ trương chung trong lãnh đạo công tác xây dựng Đảng ở Đảng bộ Quân sự tỉnh Lai Châu. Nghị quyết lãnh đạo chính là sản phẩm trí tuệ của tập thể. Bởi vậy, để có nghị quyết đúng, phát huy được hiệu quả trong thực tiễn, vấn đề đặt ra là cấp ủy, bí thư phải phát huy được trí tuệ của từng thành viên trong đơn vị, nhất là đội ngũ cấp ủy viên, cán bộ chủ chốt các cơ quan, đơn vị. Cách làm của Ban CHQS huyện Phong Thổ cũng như các đơn vị khác ở Lai Châu chính là hướng tới mục đích mở rộng dân chủ, đề xuất giải pháp và gắn trách nhiệm của từng cấp ủy viên, của cán bộ chủ trì trên từng cương vị. Phân tích kỹ, nhận thức đúng và có sự thống nhất ngay từ đầu thì khi ban hành nghị quyết mới nhanh chóng đi vào cuộc sống. Đó cũng là cách để cấp ủy các cấp ở Lai Châu đưa cuộc sống vào nghị quyết. Với cách làm trên, những năm qua, tuy điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng LLVT tỉnh Lai Châu luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, nhiều nhiệm vụ được Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 2 và cấp ủy, chính quyền tỉnh Lai Châu đánh giá cao.

Không chỉ mở rộng dân chủ như Đảng bộ Quân sự tỉnh Lai Châu, một giải pháp cũng mang lại hiệu quả cao trong xây dựng nghị quyết lãnh đạo được Đảng bộ Quân sự tỉnh Lào Cai áp dụng chính là việc đánh giá, xác định rõ địa chỉ. Đại tá Hà Văn Quế, Phó bí thư Thường trực ĐUQS tỉnh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Lào Cai, khẳng định:

– Nếu không đánh giá một cách cụ thể thì việc kiểm điểm cũng sẽ hời hợt, chung chung. Bởi vậy, trong đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết, ĐUQS tỉnh Lào Cai luôn xác định rõ “địa chỉ”, gắn với trách nhiệm cá nhân của cấp ủy viên được cấp ủy phân công. Nói cách khác, đánh giá mạnh hay yếu về kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, hoặc từng bộ phận phải thấy “bóng dáng” của cá nhân cán bộ phụ trách ở trong đó. Chính nhờ thực hiện chủ trương này, nên khi kiểm điểm kết quả thực hiện nghị quyết từng thành viên mới xác định rõ nguyên nhân, từ đó đề xuất giải pháp khắc phục. Kiểm điểm chung chung, không thấy rõ trách nhiệm cá nhân, cũng đồng nghĩa với việc cấp ủy cho “ra đời” một bản nghị quyết chung chung. Kiểm điểm chung chung cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng: Thành tích thì của cá nhân, còn khuyết điểm là do tập thể.

– Chuẩn bị dự thảo nghị quyết tốt chưa đủ mà còn phụ thuộc vào chất lượng sinh hoạt ra nghị quyết của cấp ủy từng cấp. Tuy nhiên, nếu cấp ủy chuẩn bị dự thảo nghị quyết tốt, thể hiện được tính chiến đấu cao, cũng chính là điều kiện để cấp ủy thảo luận, quyết nghị những chủ trương, giải pháp lãnh đạo phù hợp, hiệu quả. Nghị quyết đúng, nhưng nếu thiếu các chủ trương, giải pháp trong triển khai thực hiện thì nghị quyết cũng sẽ không phát huy được tác dụng trong thực tiễn-Đồng chí Hoàng Mạnh Phúc, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn Hà (Bảo Thắng, Lào Cai), tâm sự với chúng tôi như vậy.

(còn nữa)

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top