Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 01:02:28

Kinh nghiệm xây dựng Đảng ở Đảng bộ Quân khu 2

Ngày đăng: 30/08/2016
Bài 2: Phân công đúng vai, triển khai đúng việc

Nghị quyết lãnh đạo được xây dựng có đúng đến mấy, nhưng nếu công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện thiếu sáng tạo, hiệu quả thì nghị quyết chỉ đơn giản là những con chữ trên mặt giấy.

Do đó, việc quán triệt, triển khai nghị quyết, cụ thể hóa thành kế hoạch, chương trình công tác của chỉ huy và phong trào cách mạng của quần chúng là khâu quyết định việc “đưa nghị quyết vào cuộc sống”. Với tinh thần đó, Đảng bộ Quân khu 2 triển khai thực hiện phần việc này theo phương châm: Tập thể cấp ủy lãnh đạo, phân công cá nhân phụ trách đúng vai, triển khai đầu việc có trọng tâm, trọng điểm.

Đại diện Bộ CHQS tỉnh Lai Châu và Bí thư Đảng ủy xã Mường So (huyện Phong Thổ) kiểm tra kế hoạch phòng, chống mưa bão của Ban CHQS xã. Ảnh: QUANG THẮNG 

Đại diện Bộ CHQS tỉnh Lai Châu và Bí thư Đảng ủy xã Mường So (huyện Phong Thổ) kiểm tra kế hoạch phòng, chống mưa bão của Ban CHQS xã. Ảnh: QUANG THẮNG

“Chia” đầu việc, “cộng” trách nhiệm, “nhân” sức lãnh đạo

Buổi làm việc của chúng tôi tại Lữ đoàn 406 có mặt đông đủ các đồng chí trong Đảng ủy, chỉ huy đơn vị. Khi trao đổi, ngoài ý kiến trung tâm của Bí thư Đảng ủy, thông tin xây dựng Đảng thuộc lĩnh vực nào, đồng chí đảng ủy viên phụ trách lĩnh vực ấy trực tiếp trao đổi. Đó là điều khiến chúng tôi đặc biệt ấn tượng. Vì thế, thông tin chúng tôi tiếp nhận được khá sâu, khá nóng và giàu tính thực tiễn… Thượng tá Nguyễn Văn Chính, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 406, cho biết: “Đó là những đảng ủy viên được Đảng ủy phân công phụ trách, theo dõi chuyên sâu từng mặt công tác. Việc phân công được tiến hành hằng năm, ngay sau khi Đảng ủy Lữ đoàn ban hành nghị quyết lãnh đạo năm”.

Nhờ phân công cụ thể, đồng thời gắn trách nhiệm của từng cá nhân, nên chất lượng hoạt động nói chung, công tác xây dựng Đảng nói riêng ở Lữ đoàn 406 có chuyển biến tích cực, rõ nét. Tương tự, ở Đảng bộ Sư đoàn 316, phần việc trên cũng được tiến hành chặt chẽ, kỹ lưỡng. Để bảo đảm cho mỗi đồng chí cấp ủy viên hoàn thành chức năng lãnh đạo theo chức trách được phân công của cấp ủy; đồng thời hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn (chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật, đối ngoại…) trên cương vị chỉ huy, Thường vụ Đảng ủy Sư đoàn 316 tiến hành nghiên cứu, cân nhắc rất kỹ việc đánh giá, lựa chọn những cá nhân có đủ năng lực trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác xây dựng Đảng. Quá trình công tác, nếu nảy sinh vấn đề, hoặc kết quả hoàn thành nhiệm vụ chưa cao, thì cấp ủy cấp trên chỉ định, hoặc cấp ủy cùng cấp nghiên cứu, bàn bạc thống nhất, điều chỉnh phân công lại, hoặc tăng cường cấp ủy viên có năng lực, trình độ theo dõi, phụ trách lĩnh vực đó; trực tiếp giải quyết những vấn đề nảy sinh.

Cũng với cách làm tương tự, nhưng các Đảng bộ quân sự đã chú trọng thêm việc phân công cấp ủy viên phụ trách, chịu trách nhiệm về kết quả hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức Đảng cấp dưới và địa bàn trực thuộc. Ở nhiều nơi, cán bộ cấp trên còn trực tiếp đảm nhiệm chức vụ bí thư, phó bí thư hoặc tham gia sinh hoạt tại tổ chức Đảng cơ quan chuyên môn thuộc quyền. Ví dụ như, ở Đảng bộ Quân sự huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu), 100% đảng ủy viên, chỉ huy đơn vị sinh hoạt và đảm nhiệm cương vị Bí thư chi bộ tại các cơ quan, cụ thể: Đồng chí Chính trị viên phó giữ cương vị Bí thư chi bộ cơ quan chính trị; đồng chí Tham mưu trưởng là Bí thư chi bộ cơ quan tham mưu; đồng chí Phó chỉ huy trưởng quân sự là Bí thư chi bộ cơ quan hậu cần, kỹ thuật…

Theo Thượng tá Thào A Ping, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Lai Châu, phần lớn các Đảng bộ quân sự huyện, thành phố ở Lai Châu đều vận hành lãnh đạo với phương thức như của huyện Phong Thổ. Anh Ping khẳng định: “Việc phân công và bầu cử các vị trí như vậy nhằm mục đích “chia” đầu việc, nhưng “cộng” trách nhiệm và “nhân” lên sức mạnh lãnh đạo của từng tổ chức Đảng; đồng thời phát huy trí tuệ, cáng đáng nhiệm vụ chung theo phân công, góp phần vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị”.

Đúng với khẳng định đó, ngoài việc phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong “vai” cấp ủy viên, các đồng chí cán bộ, đảng viên còn là hạt nhân xung kích, vừa hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của cấp mình vừa định hướng, hỗ trợ và trực tiếp lãnh đạo để cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ. Theo Thượng tá Phạm Công Đức, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy Quân sự (ĐUQS) huyện, Chính trị viên Ban CHQS huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai), thì sau khâu phân công cấp ủy viên phụ trách, cấp ủy tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ việc giao nhiệm vụ cho từng người; đồng thời xác định kế hoạch tiếp tục chỉ đạo, đồng hành với từng cấp ủy viên và tổ chức Đảng, đơn vị trực thuộc triển khai các phần việc, nhiệm vụ. Cấp ủy cũng chủ trương tăng cường hỗ trợ các yếu tố cần thiết, bảo đảm để cá nhân và tổ chức Đảng cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ.

Tạo “hiệu ứng Đô-mi-nô” trong lãnh đạo

Chúng tôi về xã Mường So (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) đúng thời điểm cơn bão số 3 chuẩn bị đổ bộ vào đất liền. Trước nguy cơ ảnh hưởng của hoàn lưu bão, gây sạt lở đất đá đe dọa đến tính mạng, tài sản của nhân dân, đồng chí Đồng Văn Khương, Bí thư Đảng ủy, Bí thư Chi bộ Quân sự xã Mường So cấp tốc triệu tập chi bộ sinh hoạt; đôn đốc, nhắc nhở từng người phát huy tinh thần đảng viên, tập trung lãnh đạo làm tốt việc phòng, chống sạt lở đất. Anh Khương nói với chúng tôi:”Nhiệm vụ lãnh đạo trọng tâm của Chi bộ Quân sự xã ở thời điểm này là lãnh đạo phòng, chống thiên tai. Đây là nhiệm vụ số 1, là công việc phải dồn sức để lãnh đạo trong thời điểm cụ thể”.

Thượng tá Nguyễn Tiến Minh, Phó bí thư Thường trực ĐUQS huyện, Chính trị viên Ban CHQS huyện Phong Thổ nhất trí với ý kiến đó và cho rằng: “Nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng bộ được xác định toàn diện và hình thành các mục tiêu cụ thể. Tuy nhiên, trong từng thời điểm, bám sát tình hình thực tiễn để cấp ủy lựa chọn, xác định nhiệm vụ đột phá, tập trung sức lãnh đạo”. Anh Minh giải thích: “Ở đây, nhiệm vụ đột phá có thể là một đầu việc, có thể cùng lúc tiến hành nhiều đầu việc, phần việc. Thời gian đột phá có thể ở một thời điểm, có thể là xuyên suốt cả nhiệm kỳ, hằng năm, hằng quý tùy tình hình thực tiễn. Ví như, nhiệm vụ đột phá trọng yếu và xuyên suốt trong năm 2016 của Đảng bộ Quân sự huyện là bảo đảm quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội; đột phá ngay thời điểm hiện tại là lãnh đạo công tác phòng, chống sạt lở đất đá do bão số 3 gây ra”.

Tương tự, nhiệm vụ đột phá trong năm 2016 của Đảng bộ Quân sự tỉnh Lai Châu là giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm quốc phòng-an ninh trên địa bàn. Đảng bộ Quân khu 2 cũng xác định phần việc này là nhiệm vụ chính trị then chốt, nhằm giữ yên vùng Tây Bắc Tổ quốc, làm phên giậu vững chắc để đất nước phát triển bền vững.

Cũng với quan điểm phải lựa chọn, xác định cho bằng được những nội dung, nhiệm vụ đột phá, nhưng một số tổ chức Đảng lại lựa chọn khâu yếu, việc khó để tập trung sức lãnh đạo. Ở Đảng bộ Lữ đoàn 406, Đảng ủy xác định: Từ năm 2012 trở về trước, việc duy trì nền nếp chế độ sinh hoạt Đảng chưa đạt chất lượng; công tác quản lý, rèn luyện cán bộ, đảng viên thiếu chặt chẽ, vi phạm kỷ luật diễn ra nhiều và có dấu hiệu kéo dài… Từ đánh giá đó, Đảng ủy thống nhất tập trung sức lãnh đạo giải quyết hạn chế trên. Đảng ủy tiến hành rà soát 100% cấp ủy (cả số lượng, chất lượng), đi sâu đánh giá điểm yếu, điểm cốt tử… để đề ra chủ trương, giải pháp, phân công cấp ủy viên đảm nhiệm, theo dõi, giúp đỡ từng chi bộ, nhất là những đơn vị hoàn thành nhiệm vụ chưa cao. Bằng cách làm đó, từ năm 2013 đến nay, Đảng bộ Lữ đoàn 406 lãnh đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 3 năm liền đạt TSVM; năm 2015 đạt TSVM tiêu biểu. Thượng tá Phạm Hùng Hưng, Phó bí thư Đảng ủy, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 406, chia sẻ: “Lãnh đạo đột phá vào nhiệm vụ là tập trung sức lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng để hoàn thành dứt điểm từng đầu việc. Giải quyết xong một khâu yếu, việc khó, hoàn thành xong một nhiệm vụ là phải tính ngay đến phần việc đột phá khác… Cứ thế, tổ chức Đảng lần lượt lãnh đạo hoàn thành từng mục tiêu, nội dung, tạo ra “hiệu ứng Đô-mi-nô”, hướng đến hoàn thành hệ thống mục tiêu mà nghị quyết đã xác định”.

Thiếu tướng Phạm Đức Duyên, Ủy viên Thường vụ, Phó chính ủy Quân khu 2, nhấn mạnh: “Trong lãnh đạo toàn diện, bắt buộc phải tính đến lãnh đạo đột phá-tập trung vào nhiệm vụ chính trị. Tuy nhiên, khi tập trung sức lãnh đạo đột phá vẫn phải coi trọng và tính đến nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện. Đó là bài học kinh nghiệm quý báu được đúc rút từ thực tiễn công tác, nhằm cụ thể hóa các chủ trương, giải pháp, đưa nghị quyết lãnh đạo ở mỗi cấp đi vào cuộc sống”.

(còn nữa)

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top