Thứ bảy Ngày 27 Tháng 07 Năm 2024, 06:23:12

Không thể xuyên tạc Hiến pháp nước cộng hoà XHCN Việt Nam

Ngày đăng: 25/10/2023

QK2 – Gần đây, trên Facebook “Đài Á châu tự do Đông Phong” có bài viết “Hạt giống” Hiến pháp và pháp luật chuẩn mực”. Bài viết cho rằng: “Việt Nam hiện tại với cơ chế tập trung, quyền lực nằm trong tay giai cấp thống trị một cách tuyệt đối, họ vừa tham gia lập pháp, vừa tham gia hành pháp, cũng kiêm nhiệm luôn tư pháp thì sự tha hóa quyền lực là không thể tránh khỏi”. Thực chất, đây là luận điệu xuyên tạc Hiến pháp, chống phá Việt Nam.

Hiến pháp là đạo luật cơ bản nhất của Nhà nước và xã hội, thể hiện ý chí và nguyện vọng của đại đa số nhân dân Việt Nam. Trải qua suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, chúng ta đã có các bản Hiến pháp như: Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980, năm 1992 và năm 2013. Dưới sự tác động của bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế, ở mỗi bản Hiến pháp đều thể hiện được các giá trị lịch sử riêng, phù hợp với thực tiễn là định hướng chiến lược cực kì quan trọng cho các hoạt động đất nước ta.

Chiến sĩ cơ quan Sư đoàn 316 tìm hiểu Hiến pháp năm 2013.

Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều 4 của Hiến pháp trước đây không nói rõ trách nhiệm của Đảng, thì lần này, Hiến pháp sửa đổi đã đưa vào và nhấn mạnh Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân. Đó là sức sống của Đảng. Thêm vào đó, Đảng phải phục vụ nhân dân, phải chịu sự giám sát của nhân dân và phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Nếu như quyết định không đúng, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân thì Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân và trước dân tộc. Đây là điểm rất mới của Hiến pháp.

Quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp ở Việt Nam được giao cho các cơ quan khác nhau trong nhà nước. Quyền lập pháp giao cho Quốc hội, quyền hành pháp giao cho Chính phủ, quyền tư pháp giao cho Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân. Trong đó, Quốc hội Việt Nam là cơ quan thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng, cốt yếu của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Chỉ có Quốc hội mới có đủ thẩm quyền quyết định những vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia, các vấn đề trọng đại của đất nước. Cùng với quyền lập hiến, Quốc hội cũng là cơ quan có quyền sửa đổi Hiến pháp. Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. Các cơ quan tư pháp (Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân) là cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Thực tiễn, quá trình phát triển và tiến hành công cuộc đổi mới của đất nước, Việt Nam luôn coi trọng bổ sung, hoàn thiện Hiến pháp và hệ thống pháp luật, bảo đảm phù hợp với thực tiễn đất nước và sự phát triển của cách mạng Việt Nam, tạo sức mạnh tổng hợp trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Việt Nam từ nền kinh tế kém phát triển, nay đã trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Công cuộc phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Đảng ta đã thi hành kỷ luật 91 cán bộ diện Trung ương quản lý. Ngành thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 340.000 tỷ đồng (tăng hơn hai lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII); kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với hơn 6.600 tập thể và gần 18.000 cá nhân. Các cơ quan chức năng đã chuyển gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật (tăng gần hai lần so với cả nhiệm kỳ Đại hội XII).

Những minh chứng trên, đã khẳng định sự rõ ràng, tính tối thượng của Hiến pháp và việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp ở Việt Nam. Như vậy, những luận điệu xuyên tạc trên Facebook “Đài Á châu tự do Đông Phong”, là không có cơ sở lý luận và thực tiễn, mục đích nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và Hiến pháp Việt Nam.

Các thế lực thù địch, phản động đang hàng ngày, hàng giờ thực hiện các âm mưu, chiến lược “diễn biến hòa bình”, tiến tới bạo loạn lật đổ, tác động từng bước chuyển hóa chế độ chính trị ở nước ta. Trong đó, mục tiêu hàng đầu của chúng là xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp, từ đó lật đổ chế độ XHCN ở nước ta. Khẳng định vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước và xã hội không chỉ được quy định trong Hiến pháp, mà còn được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế hoặc điều lệ của các cơ quan, tổ chức tùy theo mối quan hệ cụ thể. Việc Hiến pháp quy định Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội không chỉ là tư tưởng xuyên suốt, nhất quán để khẳng định vị trí, vai trò độc tôn lãnh đạo của Đảng, mà còn là một nguyên tắc bất di bất dịch của cách mạng Việt Nam, phù hợp với thể chế chính trị – xã hội mà Việt Nam đã lựa chọn.

Bài, ảnh: NGỌC CƯỜNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.