Thứ năm Ngày 18 Tháng 04 Năm 2024, 03:54:17

Không để dịch bệnh sau lũ

Ngày đăng: 21/10/2017

Sau các đợt mưa lũ xảy ra trên địa bàn Quân khu vừa qua, cùng với LLVT Quân khu tích cực giúp đồng bào vùng lũ khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống, Ngành Quân y Quân khu đã kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo quân y các đơn vị phối hợp chặt chẽ với y tế các địa phương tổ chức nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho người dân sau lũ. Đặc biệt, không để dịch bệnh lây lan vào các đơn vị quân đội, bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ. Phản ánh nội dung này, Đại tá, Bác sĩ chuyên khoa 2 (CK2) Đỗ Xuân Trường, Chủ nhiệm Quân y Quân khu đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân khu.

Đại tá, Bác sĩ CK2 Đỗ Xuân Trường, Chủ nhiệm Quân y Quân khu.

Phóng viên: Thưa Đại tá, Bác sĩ CK2 Đỗ Xuân Trường, Chủ nhiệm Quân y Quân khu, sau các trận mưa lũ xảy ra trên địa bàn vừa qua, nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh rất cao, đồng chí cho biết cụ thể về những nguy cơ này, nó ảnh hưởng như thế nào đối với sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân?

Đại tá, Bác sĩ CK2 Đỗ Xuân Trường: Các trận lũ ống, lũ quét xảy ra trên địa bàn Quân khu vừa qua đã gây thiệt hại rất lớn về người và của cho nhân dân. Được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chung tay, góp sức của nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là sự vào cuộc rất sớm, tận tình, hiệu quả của LLVT Quân khu, việc khắc phục hậu quả sau lũ đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc giải quyết hậu quả sau lũ còn rất nhiều khó khăn, nan giải, nhất là nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Bởi, do tác động của lũ, hầu hết nguồn nước sinh hoạt của đồng bào đều bị thiếu và ô nhiễm cao, môi trường thì bị ảnh hưởng do các chất thải, xác động vật chết, ruồi muỗi phát sinh nhiều. Bên cạnh đó, sau lũ, rất nhiều hộ dân bị mất nhà cửa phải sống trong cảnh tạm bợ, thiếu đồ dùng sinh hoạt, lương thực, thực phẩm khó khăn, rất dễ phát sinh một số dịch bệnh như: Lỏng, lị, thương hàn, bệnh ngoài ra (ghẻ, nấm), các bệnh theo mùa như cúm, đau mắt đỏ. Đặc biệt, trước tình hình dịch sốt xuất huyết đang bùng phát tại các tỉnh trên địa bàn cả nước hiện nay, ở các vùng sau lũ càng dễ phát sinh dịch. Những loại dịch bệnh này nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sông của nhân dân, nếu lây lan vào đơn vị sẽ ảnh hướng đến cuộc sống, sinh hoạt cũng như quá trình thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của bộ đội.

Tổ quân y Phòng Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh Sơn La khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tuyên truyền vệ sinh phòng dịch cho đồng bào trên địa bàn sau lũ. Ảnh: Trung Hà.

Phóng viên: Sau lũ, nguồn nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, vậy các đồng chí đã phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương có những phương pháp như thế nào để bà con có thể xử lý nguồn nước tại chỗ, đảm bảo nước ăn uống và sinh hoạt hợp vệ sinh?

Đại tá, Bác sĩ CK2 Đỗ Xuân Trường: Việc tham gia khắc phục hậu quả sau lũ như phòng, chống dịch bệnh, xử lý nguồn nước, vệ sinh, thanh khiết môi trường đều nằm trong kế hoạch, dự kiến trước của chúng tôi. Hằng năm, chúng tôi đều có rà soát lại kế hoạch phòng, chống bão lũ, kế hoạch tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn ngay từ đầu năm; các tổ, đội phòng, chống dịch; tổ quân y cơ động tham gia phòng chống bão lũ thường xuyên được kiện toàn; trang thiết bị thường xuyên được bổ sung, cấp mới. Do đó, khi có tình huống xảy ra, lực lượng này lập tức lên đường tham gia được ngay. Trong các đợt mưa lũ vừa qua, đã có 8 tổ tổ quân y cơ động của các đơn vị, phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương cùng với các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương giúp nhân dân vệ sinh môi trường, xử lí ô nhiễm như: Phun thuốc, khử trùng, diệt ruồi, muỗi, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào vùng lũ thực hiện nếp sống vệ sinh khoa học, khơi thông cống, rãnh, ăn chín, uống sôi; cung cấp miễn phí các viên cloramin B để khử trùng nguồn nước. Không riêng gì bà con nhân dân mag hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ LLVT tham gia khắc phục hậu quả lũ quét dài ngày trên địa bàn khó khăn như vậy, nhưng không có trường hợp nào mắc bệnh tiêu hóa, ngoài ra, quân số khỏe đều bảo đảm theo quy định.

Phóng viên: Bên cạnh nguồn nước, việc ngập lụt lâu ngày cũng dẫn đến ô nhiễm môi trường sống vì xác động vật chết, rồi thì rác thải… đây là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh, nhất là sốt xuất huyết, tiêu chảy và một số dịch bệnh khác phat sinh, phát triển, đồng chí có khuyến cáo gì cho các đơn vị cũng như bà con nhân dân trên địa bàn đóng quân?

Đại tá, Bác sĩ CK2 Đỗ Xuân Trường: Hậu quả sau mưa lũ cơ bản đã khắc phục xong, đời sống, sinh hoạt của đồng bào vùng lũ đã tạm ổn định, tuy nhiên, nguy cơ phát sinh dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn. Nhất là khả năng phát sinh dịch sốt xuất huyết, bệnh đường tiêu hóa, đau mắt đỏ. Do đó, các đơn vị quân đội và bà con nhân dân phải thực hiện nếp sống vệ sinh khoa học, nằm màn tránh muỗi đốt, tích cực vệ sinh môi trường; diệt loăng quăng, bọ gậy; tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo mùa, theo hướng dẫn của quân y và y tế địa phương.

Phóng viên: Trước những nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh như vậy thì hiện tại và trong những ngày tới, Ngành Quân y Quân khu đã có kế hoạch phối hợp với các địa phương như thế nào trong việc thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, và chủ động các phương án thu dung, điều trị nếu dịch bệnh bùng phát? 

Về nội dung này, Ngành Quân y Quân khu đã có chỉ đạo các đơn vị chủ động liên hệ với y tế địa phương trên địa bàn đóng quân, cùng với đội y học dự phòng của quân khu thường xuyên bám nắm, trinh sát dịch bệnh trên địa bàn để có biện pháp phòng, tránh, xử lí sớm khi có dịch bệnh xảy ra. Bên cạnh đó, chúng tôi đều có khoanh vùng, điều trị sớm các bệnh mới phát sinh, không để bệnh lây lan thành dịch, nhất là không để lây vào trong đơn vị quân đội. Nếu dịch bùng phát trong đơn vị hoặc trên địa bàn đóng quân, quân y đơn vị phải kịp thời bào báo trên để nhận được sự hỗ trợ, chỉ đạo theo chuyên ngành. Các tổ quân y cơ động sẵn sàng cơ động đến các vùng dịch bệnh để xử lí tình huống. Chúng tôi đã có phương án thành lập các trạm quân y cơ động theo tính chất tổ, đội quân y cơ động thời chiến sẵn sàng cũng với lực lượng y tế địa phương tham gia cứu chữa cho đồng bào. Ngoài ra, các bệnh viện của Quân khu cũng đã có phương án triển khai thu dung, cấp cứu hàng loạt bệnh nhân vùng dịch khi có tình huống xảy ra; sẵn sàng tăng cường lực lượng cho y tế các địa phương để cùng thực hiện nhiệm vụ.

Phóng viên: Riêng đối với các đơn vị Quân đội thì các đồng chí đã và đang có biện pháp ra sao để bảo đảm tốt nhất sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ  trong đợt mưa lũ vừa qua?

Đại tá, Bác sĩ CK2 Đỗ Xuân Trường: Về nội dung này, các đơn vị thuộc Quân khu đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục ý thức chăm sóc sức khỏe cho bộ đội; thực hiện nếp sống vệ sinh, khoa học, giữ gìn môi trường của đơn vị luôn “sáng-xanh-sạch-đẹp”. Đối với lực lượng quân y các đơn vị tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo mùa, theo hướng dân của Cục Quân y, Phòng Quân y Quân khu. Song song với đó là công tác kiểm tra, đôn đốc của cấp ủy, chỉ huy các cấp. Chúng tôi quyết tâm không để xảy ra bùng phát dịch bệnh trong các đơn vị trong LLVT Quân khu.

NGUYỄN HỒNG SÁNG (thực hiện)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.