Thứ bảy Ngày 27 Tháng 04 Năm 2024, 04:57:44

Khát vọng sống và yêu

Ngày đăng: 28/08/2019

QK2 – Đất nước tự do hòa bình nên việc sống và yêu là quyền của mỗi người, đó cũng là điều bình thường như một lẽ tự nhiên. Nhưng những năm tháng mà cả dân tộc còn chìm trong khói lửa chiến tranh, được sống và yêu là điều mong mỏi của nhiều người, nhất là với người lính ngoài mặt trận. Chuyện đó được minh chứng qua cuốn nhật ký “Khát vọng sống và yêu” của liệt sĩ Bùi Kim Đỉnh ở phường Thanh Miếu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bài 1: Tâm hồn lạc quan, yêu đời

Đầu năm 1964 khi đang học lớp 9, chàng thanh niên 18 tuổi Bùi Kim Đỉnh, người anh cả của một gia đình có 10 người con đã tạm gác bút nghiên để tình nguyện nhập ngũ vào Sư đoàn 308. Thấy Đỉnh hăng hái và quyết tâm cao, Trường cấp 3 Việt Trì ngày ấy đã xét đặc cách công nhận tốt nghiệp lớp 10 trước ngày anh lên đường. Hành trang chàng thanh niên Bùi Kim Đỉnh đem theo không chỉ là tình cảm với bố mẹ, người thân, hình ảnh quê hương, những cuốn sổ tay hay chiếc bút máy kim tinh mà còn là một tâm hồn lạc quan, yêu đời và rất lãng mạn của người con quê hương đất Tổ.

Để rồi, mỗi ngày dù bận rộn, gian truân vất vả đến mấy, có khi còn cận kề với cái chết nhưng chiến sĩ thông tin vô tuyến điện Bùi Kim Đỉnh vẫn dành thời gian viết nhật ký và làm thơ. Mọi việc diễn ra trong thường nhật của đời sống người lính đều được ghi lại bằng chính những ngôn từ rất mộc mạc nhưng đầy tinh thần lạc quan yêu đời và chan chứa yêu thương, từ chuyện ăn cơm, hành quân, báo động chiến đấu và cả khi nhận được thư của người yêu… Bùi Kim Đỉnh viết nhật ký như chưa bao giờ được viết. Viết không chỉ để ghi lại những khoảng khắc đã qua mà như để giải tỏa tâm lý, như là một động lực tinh thần để tiếp sức cho người lính trẻ trên đường ra trận. Có giai đoạn trong vòng hai ba tháng liền ngày nào anh cũng viết. Viết bằng cảm nhận và những gì đã xảy ra trong ngày. Đọc nhật ký sẽ thấy ngọn lửa cách mạng trong tâm hồn người thanh trẻ tuổi như đang âm ỉ cháy.

CCB Lê Diên Quynh, người đồng đội thân thiết của liệt sĩ Bùi Kim Đỉnh kể chuyện truyền thống cho gia đình nghe.

Ngày 26-6-1966 Bùi Kim Đỉnh viết: “Muốn gì thì ta cũng là một chiến sĩ của nhân dân. Ta được sống trong muôn vàn tình thương của dân tộc. Cũng xuất phát từ những tình thương của nhân dân, của dân tộc, của những người ruột thịt và của bạn bè, cho nên ta phải làm gì đây? Những ý nghĩ ấy nó luôn thôi thúc và trỗi dậy trong tôi”. Hay những vần thơ anh viết ngày 7-9-1966: “…Theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng/ Anh ra đi để trời mai hửng sáng/ Trên đầu anh cờ Đảng tung bay/ Nói làm sao cho hết được lúc này/ Ta sẽ nói vào những ngày chiến thắng…”.

Mỗi trang nhật ký là một tâm tư và chan chứa bao tình cảm mà người chiến sĩ trẻ gửi vào trong đó. Đọc nhật ký của Bùi Kim Đỉnh chúng ta nhận thấy rõ những tình cảm sâu lặng, cả tình yêu đất nước, quê hương, gia đình, bạn bè người thân. Đặc biệt là với những người bạn chiến đấu, Bùi Kim Đỉnh đã dành trọn tình thương yêu, sẵn sàng sẻ chia, dâng hiến kể cả máu của mình. Trong nhật ký anh có kể một câu chuyện: Ngân là chiến sĩ cùng tiểu đội, trong một trận chiến đấu không may Ngân bị thương phải cần tiếp rất nhiều máu. Nhưng số máu ở bệnh xá đã hết. Do vậy phải vận động các chiến sĩ hiến máu cứu đồng đội. Đỉnh là người đầu tiên xung phong thử máu để tiếp cho Ngân.

“Chỉ mong sao máu của mình cũng hợp với nhóm máu của Ngân để tiếp cho Ngân sự sống. Mình rất thương Ngân vì Ngân rất gầy yếu. Liệu trời rét thế này Ngân có chịu đựng được nổi không? Liệu có sống được không?”- Bùi Kim Đỉnh viết trong nhật ký.

Trên tuyến lửa Quảng Trị khi nhớ về người mẹ kính yêu của mình, Bùi Kim Đỉnh đã thốt lên: “…Xưa kia mẹ nhiều cay đắng/ Vẫn dành cho còn dòng sữa trắng tràn đầy/ Và hôm nay con đã lớn khôn rồi/ Biết cầm súng vâng theo lời Đảng…”. Tình yêu của chàng lính trẻ được bộc bạch trong nhật ký rất rõ ràng và không kém phần mãnh liệt khao khát: “Ta nhớ em lòng ta xao xuyến/Ta gặp em cả những lúc chiêm bao/ Ta yêu em chẳng biết tự buổi nào? Mà đắm đuối say tình hơn rượu mạnh”.

Là người chiến sĩ trên chiến trường thường xuyên phải di chuyển qua nhiều vùng miền, đơn vị nhưng dù đi đâu bên cạnh quân tư trang, vũ khí trang bị thì Bùi Kim Đỉnh luôn gói gém đem theo những quyển nhật ký mà anh đã viết trong đáy ba lô.

 Cho đến ngày 5-6-1972, khi ấy Bùi Kim Đỉnh làm trợ lý tác huấn Trung đoàn 58, Sư đoàn 308 cùng 2 đồng đội làm nhiệm vụ trinh sát bến phà qua sông để chuẩn bị cho chiến dịch thì bị trúng bom đã anh dũng hy sinh trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng đội.

Trước ngày đơn vị làm lễ truy điệu Bùi Kim Đỉnh thì gia đình cũng đã nhận được thư của người đồng đội cùng quê là Lê Diên Quynh, nhà ở xã Thanh Đình, Thành phố Việt Trì. Cho đến khoảng đầu năm 1975, một người đồng đội khác của Bùi Kim Đỉnh đến nhà trao cho gia đình một chiếc ba lô và quân tư trang cá nhân. Việc làm này là thực hiện lời hứa giữa hai người ngày còn ở cùng hầm trú ẩn, nếu một trong hai người hy sinh thì người còn lại phải có trách nhiệm đưa toàn bộ tư trang, ba lô về với gia đình. Trong ba lô của Bùi Kim Đỉnh có 12 cuốn nhật ký ghi lại những tâm tư, tình cảm, những kỷ niệm khó quên của người lính trẻ trong suốt gần 8 năm quân ngũ.

Bài, ảnh: ĐÀO DUY TUẤN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.